• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sài Gòn có một tháng 5 đã đi vào ký ức

Văn hoá 01/05/2020 07:28

(Tổ Quốc) - LTS: Tháng 5 năm 1975, tháng đầu tiên sau giải phóng, thành phố Sài Gòn đã sống trong niềm vui chiến thắng với bộn bề công việc cùng bao sự kiện trọng đại đã đi vào ký ức. Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020), xin giới thiệu với bạn đọc bài của nhà báo Trần Mai Hạnh, 45 năm trước ông là phóng viên TTXVN tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, có mặt chứng kiến những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 ở Dinh Độc Lập và sống trọn vẹn với Sài Gòn trong tháng 5/1975 với rất nhiều những sự kiện đáng nhớ.

Tháng 5/1975, Sài Gòn đến với tôi ngay từ ngưỡng cửa đầu tiên của ngày mới - ngày 1 tháng 5. Số là, chiều tối 30/4/1975 sau khi điện được bài tường thuật về tổng xã ở Hà Nội, dạo quanh Sài Gòn trên chiếc com-măng-ca cắm cờ Giải phóng về tới trụ sở Việt tấn xã ở đường Hồng Thập Tự (nơi Thông tấn xã Giải phóng tiếp quản), sau nhiều đêm mất ngủ, tôi thiếp đi trong giây lát. Khi chợt tỉnh, nhìn đồng hồ đã gần 1 giờ sáng. Tôi bước ra sân, Dinh Độc Lập ngay trước mặt, bên kia đường, cả bốn tầng lầu rực sáng ánh điện. Những quả pháo hiệu liên tục được bắn lên bầu trời như pháo hoa mừng chiến thắng khiến khung cảnh càng trở nên rực rỡ, lung linh. Thành phố đã bước sang ngưỡng cửa ngày 1-5. Những sự kiện lịch sử trưa 30-4 vừa diễn ra tại Dinh Độc Lập phút chốc đã trở thành quá khứ, và sẽ ngày một lùi dần trong lớp bụi thời gian. Phải ghi lại những sự kiện, sự việc mà mình may mắn được chứng kiến trong những ngày đầu tiên của Sài Gòn giải phóng.

Sài Gòn có một tháng 5 đã đi vào ký ức - Ảnh 1.

Phóng viên VNTTX Trần Mai Hạnh đang viết tường thuật Lễ ra mắt Uỷ ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định sáng 7/5/1975 tại Dinh Độc Lập (Ảnh Trần Mai Hưởng - TTXVN)

Ngày Quốc tế Lao động đầu tiên Sài Gòn trọn vẹn trở về trong lòng dân tộc ghi đậm dấu ấn với hàng chục vạn người đổ ra đường giương cao cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ kéo về Dinh Độc Lập mừng chiến thắng. Từ mờ sáng, thành phố đã được đánh thức bởi những bài ca cách mạng từ các loa phóng thanh được đội quân chiến thắng mang về lắp đặt từ chiều tối hôm trước. Nắng rực rỡ khắp phố phường. Sau khi tới Ủy ban Quân quản xin được Giấy công tác đặc biệt hoạt động nghiệp vụ phóng viên trên toàn thành phố, trưa 1/5/1975 lịch sử, tôi và phóng viên nhiếp ảnh Văn Bảo cùng đi trong đoàn phóng viên đặc biệt của Việt Nam Thông tấn xã tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, với chiếc đài bán dẫn mang theo, đang trên ô tô giữa đường phố Sài Gòn sôi động, nườm nượp những dòng người của ngày hội lớn thì nghe được buổi thời sự đặc biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau khi đọc bản tin đặc biệt của Thông tấn xã Giải phóng "Từ sáng 1/5/1975, toàn bộ miền Nam nước ta đã hoàn toàn giải phóng", Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đã trang trọng đọc bài tường thuật "Tiến vào Phủ Tổng thống nguỵ" và giới thiệu rõ là bài của Trần Mai Hạnh, phóng viên Việt Nam Thông tấn xã tại Sài Gòn điện về. Âm thanh rađiô được mở hết cỡ. Bài tường thuật vang lên giữa biển người và cờ hoa giữa trưa nắng đẹp chan hòa của ngày Quốc tế lao động 1/5 trên thành phố Sài Gòn - Gia Định. Tôi đã rưng rưng nước mắt. Đời phóng viên có hạnh phúc nào, có niềm vui nào lớn lao hơn thế…

Chiều 1/5/1975, tại ngôi nhà (một biệt thự nhỏ) số 126 Phan Đình Phùng, tôi và phóng viên Văn Bảo đã tìm chọn được để làm trụ sở của Phân xã Việt Nam Thông tấn xã tại Sài Gòn, tôi đã gửi một bức điện về căn cứ Thông tấn xã Giải phóng trên rừng Tây Ninh báo cáo công việc với Tổng biên tập Việt Nam Thông tấn xã Đào Tùng. Ông Đào Tùng vừa từ Hà Nội vào, lúc đó đang chỉ huy mọi hoạt động của TTXGP tại căn cứ trên rừng Tây Ninh trong lúc ông Trần Thanh Xuân, Giám đốc TTXGP từ mờ sáng ngày 29/4/1975 đã dẫn đoàn cán bộ, phóng viên tiến về Sài Gòn. Trong rất nhiều kỷ niệm, hiện vật của các phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày ấy còn lưu giữ, có duy nhất một bức điện không phải truyền tải nội dung tin bài mà là báo cáo công tác được điện đi từ Sài Gòn ngay trong ngày 1/5/1975. Đó chính là bức điện của tôi. Bức điện do điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng nhận trên căn cứ Tây Ninh, viết tay trên giấy đã ố vàng ngày ấy, mặt ngoài ghi hai chữ "Hoả tốc", mặt trong là nội dung bức điện, kèm theo dòng ghi chú dưới bức điện như sau:

"Hoả tốc. Kg Anh Hai Đào.

Nhận lúc 16h, 1-5. Đã gọi ngay sang B22 để b/c điện này song không liên lạc được"

(Anh Hai Đào tức anh Đào Tùng, theo cách gọi thân mật, gần gũi của các anh, chị Thông tấn xã Giải phóng ngày ấy - Ghi chú của tác giả)

Bức điện này, anh Phạm Vỵ, cán bộ Phòng Thư ký Bộ Biên tập Việt Nam Thông tấn xã cùng đi trong đoàn được anh Đào Tùng giao đã lưu giữ suốt 31 năm, và trao lại cho tôi sáng 30/4/2006 tại cuộc gặp mặt cán bộ, phóng viên Thông tấn xã từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh do ông Đỗ Phượng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt nam chủ trì.

Bức điện hiện tôi vẫn lưu giữ.

Sài Gòn có một tháng 5 đã đi vào ký ức - Ảnh 2.

Phù hiệu phóng viên tại Lễ ra mắt Uỷ ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định sáng 7/5/1975

Nội dung bức điện như sau:

"Điện anh Hai Đào Tùng.

Báo cáo anh đã tìm được trụ sở ở 126 Phan Đình Phùng và xin được 3 xe ô tô. Đề nghị anh cho anh Phạm Vỵ (thư ký) và các anh Vĩnh, Sửu (lái xe) xuống ngay, sớm giờ nào hay giờ ấy. Cánh Lâm Hồng Long, Hứa Kiểm... về ở cả đây nên sinh hoạt, kinh phí có nhiều khó khăn. Đề nghị anh cho chỉ thị gấp. Nếu anh không xuống được trong 1, 2 ngày tới thì xin anh có thư trao đổi với anh Năm Xuân.

Sài Gòn 1/5/75. Mai Hạnh".

Nhờ biết lái ô tô, anh Văn Bảo đánh mấy ô tô cực xịn vứt bỏ quanh khu vực Dinh Độc Lập, trong đó có chiếc xe Jeep mới tinh, mầu trắng chuyên làm nhiệm vụ hộ tống Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Nguyễn Văn Thiệu) về 126 Phan Đình Phùng làm phương tiện hoạt động của Phân xã VNTTX tại Sài Gòn.

Sáng 2/5/1975, anh lái xe Jeep cùng tôi tới chụp ảnh, đưa tin về lễ thượng cờ cách mạng trên Cột cờ Thủ Ngữ. Cột cờ Thủ Ngữ tại bến Bạch Đằng, nay thuộc đường Tôn Đức Thắng, phường Nguyễn Thái Bình (quận 1, TP.HCM) do người Pháp xây dựng vào tháng 10-1865, là nơi treo cờ hiệu đón tàu thuyền ra vào Cảng. Lá cờ cách mạng khổ lớn được trang trọng kéo lên tung bay trong gió trước sự chứng kiến reo mừng của hàng trăm đồng bào. Tối hôm đó (2/5) tôi và Văn Bảo được lệnh hỏa tốc tới ngay Dinh Độc Lập để chụp ảnh và làm tin về một sự kiện quan trọng.

Tôi tới Dinh Độc Lập thì đã có rất đông phóng viên báo chí trong nước, quốc tế và khi đó tôi mới biết đó là buổi lễ công bố quyết định của Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định trả tự do cho các ông Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu và các thành viên nội các chính quyền Sài Gòn do ông Dương Văn Minh làm Tổng thống đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trưa 30/4/1975. Được biết kể từ chiều 30/4 các thành viên nội các chính quyền Dương Văn Minh sau khi tuyên bố đầu hàng được giữ lại trong Dinh Độc Lập, được bảo vệ và đối xử chu đáo. Sáng 2/5/1975, các ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu (Thủ tướng), Nguyễn Văn Hảo (Phó thủ tướng) đều tự tay mình viết thư kính gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thư viết tay của ông Dương Văn Minh được gửi từ sáng sớm ngày 2/5 do đích thân ông đưa tận tay cho sĩ quan liên lạc của bộ đội ta lúc đó là Hoàng Cao Đại. Thư dán kín, đại đội bảo vệ nhận được chuyển ngay cho bộ phận liên lạc, tuyệt đối không bóc ra và không biết nội dung trong những lá thư ấy viết những gì.

Buổi lễ diễn ra trang trọng và thân mật tại hội trường Dinh Độc Lập. Trước ống kính máy quay phim, máy ảnh chen chúc của đông đảo các nhà báo trong nước và quốc tế, ông Dương Văn Minh xúc động, đọc lời phát biểu viết sẵn, ngắn gọn thế này:

"... Ngày hôm nay đại diện cho các anh có mặt tại đây, tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự thành công của Chính phủ Cách mạng trong công cuộc vãn hồi hòa bình cho đất nước. Với kỷ nguyên mới này, tôi mong rằng tất cả anh em có mặt tại đây, cũng như các tầng lớp đồng bào, sẽ có dịp đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng đất nước.

Riêng cá nhân tôi, hôm nay tôi rất hân hoan khi được 60 tuổi, trở thành công dân của một nước Việt Nam độc lập"…

Ngay sau buổi lễ, các thành viên được xe của Ủy ban quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định đưa về tận gia đình. Chiếc xe đầu tiên lăn bánh đưa ông Dương Văn Minh về nhà riêng của ông có tên là biệt thự "Hoa Lan" ở góc đường Võ Văn Tần (Pasteur ngày nay). Được biết sau ngày được trả tự do về với gia đình, thỉnh thoảng và có dịp ông Dương Văn Minh vẫn sang trò chuyện, cảm ơn anh em trong Đại đội bảo vệ khi đó chuyển sang đóng quân ở gần kế nhà ông.

Những sự kiện trên đã được đưa tin, tường thuật tức thời trên Đài Phát thanh Sài Gòn Giải phóng và Đài Truyền hình Giải phóng. Đài phát thanh Sài Gòn giải phóng lên sóng đúng 20h ngày 30/4/1975, với lời xướng của phát thanh viên: "Đây là Đài phát thanh Sài Gòn Giải phóng - Tiếng nói của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam". Đúng một ngày sau, 19h ngày 1/5/1975 Đài Truyền hình Giải phóng lên sóng. Bản tin đầu tiên của Đài Phát thanh Giải phóng và Đài Truyền hình Giải phóng là truyền đi "Thông báo số 1 của Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định" với nội dung: Đất nước đã chấm dứt chiến tranh, tất cả tầng lớp nhân dân mau chóng ổn định cuộc sống. Nhân dân ta bắt đầu ngày mới - Ngày thống nhất, hòa bình của đất nước, cùng xây dựng Tổ quốc Việt Nam độc lập, tự do và giàu mạnh. Bản tin đầu tiên ấy thông báo cho toàn quốc và cả thế giới: Cuộc kháng chiến kéo dài 21 năm ở Việt Nam đã chấm dứt, Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Đất nước từ đây thống nhất. Nghe bản tin ấy, cảm xúc với tôi đến bây giờ vẫn không thể quên. Từ đây, đất nước đã bước qua những năm dài chiến tranh đau khổ, bắt tay xây dựng cuộc sống mới.

Sài Gòn có một tháng 5 đã đi vào ký ức - Ảnh 3.

Nhà báo Trần Mai Hạnh tại Dinh Độc Lập sáng 7/5/1975 sau Lễ ra mắt Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định (Ảnh: Đinh Quang Thành - TTXVN)

Năm ngày sau, ngày 5/5/1975, Báo Sài Gòn Giải phóng, tiếng nói của Đảng bộ và nhân dân Thành phố Sài Gòn - Gia Định xuất bản số đầu tiên, Tổng biên tập là nhà báo Võ Nhân Lý. Một ngày trước đó, ngày 4/5/1975 lần đầu tiên nhân dân Sài Gòn - Gia Định được cầm trên tay Báo Nhân Dân và Báo Quân đội nhân dân chuyển từ Hà Nội vào bằng máy bay và được cán bộ quân quản phát trên các đường phố chính gần khu vực Dinh Độc Lập.

Cũng ngày 5/5/1975, một sự việc rất đáng nhớ đến với tôi. Khuya hôm đó, tại Trụ sở Phân xã VNTTX tại Sài Gòn lúc đó ở 155 Hiền Vương, nay là đường Võ Thị Sáu, tôi được Tổng biên tập Đào Tùng gọi vào phòng riêng của ông. Sáng đó ông từ căn cứ TTXGP trên rừng Tây Ninh về tới Sài Gòn là lao ngay vào các cuộc làm việc với Giám đốc TTXGP Trần Thanh Xuân, với Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam và với Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn - Gia Định. Vừa gặp, ông đã hồ hởi đưa tờ Báo Nhân Dân ngày 2/5/1975, trang 1 nổi bật hàng tít lớn mầu đỏ chói: "MIỀN NAM HOÀN TOÀN GIẢI PHÓNG", trang 3 đăng bài tường thuật "Tiến vào Phủ Tổng thống ngụy" của tôi.

- "Quà của cậu đây!", ông nói.

Tôi ngạc nhiên vì cuối bài tường thuật điện về căn cứ TTXGP trên rừng Tây Ninh để chuyển tiếp về tổng xã Hà Nội, theo qui định tôi chỉ ghi hai chữ "Mai Hạnh", nay trên Báo Nhân Dân lại ghi đầy đủ: "Bài của Trần Mai Hạnh, Phóng viên Việt Nam Thông tấn xã tại Sài Gòn". Bởi lẽ, từ thời điểm trưa 30/4/1975 trở về trước, tất cả tin bài của phóng viên Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) và phóng viên Việt Nam Thông tấn xã biệt phái gửi từ chiến trường miền Nam ra đều ký là "TTXGP". Hiểu rõ băn khoăn của tôi, ông Đào Tùng giải thích, giọng rất ân tình: Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng tuy hai mà một, tuy một mà hai. Trong sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc hôm nay, bên cạnh các tin, bài, ảnh của TTXGP nhất thiết phải có sự hiện diện của phóng viên VNTTX. Vì vậy, dưới bài tường thuật Mai Hạnh điện về tôi đã ghi rõ "Bài của Trần Mai Hạnh, Phóng viên Việt Nam Thông tấn xã tại Sài Gòn" trước khi điện chuyển tiếp về Tổng xã ở Hà Nội". Đây là lần đầu tiên Việt Nam Thông tấn xã công khai sự hiện diện và danh xưng của mình tại các chiến trường miền Nam.

Cũng trong buổi gặp tối hôm đó, ông trao tôi nhiệm vụ viết bài tường thuật về lễ ra mắt của Ủy ban quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định sẽ diễn ra chỉ hơn một ngày sau. Sáng 7/5/1975, khi bình minh vừa bừng dậy, không khí của ngày hội lớn đã tưng bừng, rạo rực khắp Sài Gòn khi các đoàn đại biểu công nhân, thanh niên, học sinh, sinh viên, đại biểu các nghiệp đoàn, các giới trong những bộ áo quần đẹp nhất giương cao ảnh Bác Hồ nổi bật trên rừng cờ cách mạng, biểu ngữ từ khắp các ngả đường kéo về Dinh Độc Lập chào mừng lễ ra mắt Ủy ban quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định do Thượng tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên và đầy ý nghĩa, lễ ra mắt Ủy ban quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định được tổ chức đúng ngày kỷ niệm 21 năm chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu". Tôi xúc động dựa vào tường Dinh Độc Lập, ngay phía trước biển người viết bài tường thuật cuộc mít tinh "khổng lồ" trên 50 vạn người dự chào mừng lễ ra mắt Ủy ban quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định. Bài tường thuật đăng trên Bản tin TTXVN ngày 7/5/1975 tôi ký tên chung với Trần Mai Hưởng, em ruột tôi cũng là phóng viên TTXVN tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, lấy tên là "Sài Gòn trong ngày hội lịch sử". Trần Mai Hưởng đã bấm máy chụp cảnh tôi đang chăm chú viết bài tường thuật, và sau đó phóng viên nhiếp ảnh TTXVN Đinh Quang Thành đã chụp bức ảnh tôi rạng rỡ tại Dinh Độc Lập khi cuộc mít tinh vừa kết thúc. Và đúng một tuần sau đó, tôi và Trần Mai Hưởng lại được Tổng biên tập Đào Tùng giao viết bài tường thuật cuộc duyệt binh lịch sử ngày 15/5/1975 trước Quảng trường Dinh Độc lập mừng Sài Gòn và miền Nam hoàn toàn giải phóng, báo công với Bác Hồ kính yêu khi chỉ còn bốn ngày nữa là kỷ niệm 85 năm Ngày sinh của Người (19/5/1890 - 19/5/1975).

Không chỉ đồng bào Sài Gòn mà ngay chúng tôi, các phóng viên tham gia chiến dịch, bám sát các binh đoàn chủ lực tiến vào giải phóng Sài Gòn cũng không thể tin và lý giải được vì sao chỉ đúng 2 tuần sau thời khắc lịch sử trưa 30/4/1975 ở Dinh Độc lập chúng ta lại có thể tổ chức được một cuộc duyệt binh hiện đại, qui mô và hoành tráng đến như thế. Hàng núi công việc được đặt lên vai Ủy ban quân quản khi tiếp nhận một thành phố lớn nhất nước với 3 triệu rưỡi dân, với hàng vạn sĩ quan, binh sĩ, viên chức chế độ cũ vẫn đang lẩn khuất đâu đó. Và cùng với nó là hàng trăm thứ công việc phải xử lý để cái đô thị khổng lồ này được vận hành một cách suôn sẻ...Làm thế nào để bảo vệ trật tự trị an, làm thế nào để dẹp tan mọi âm mưu chống đối, làm thế nào để cuộc sống của nhân dân không bị đảo lộn, làm thế nào để sinh hoạt ở một thành phố lớn diễn ra được bình thường... có lẽ đã xâm chiếm hết đầu óc của những người lãnh đạo lúc đó. Vậy thì cái kế hoạch chuẩn bị duyệt binh và diễu hành quần chúng sẽ được chuẩn bị, tập dượt và diễn ra như thế nào? Thông thường, để thực hiện một cuộc duyệt binh và diễu hành quần chúng tầm cỡ quốc gia như thế công tác chuẩn bị phải mất vài ba tháng. Vậy mà thời gian giờ đây chỉ có đúng 15 ngày. Cả một "núi" công việc được hoàn thành trong thời gian kỷ lục. Và rồi đêm tổng duyệt đã đến. Mặc dù chỉ là tổng duyệt song cũng thu hút khá đông người dân Sài Gòn đến xem. Điều thú vị là mặc dù được "ghép" từ rất nhiều mảnh rời rạc song buổi tổng duyệt đã thành công ngay lần đầu.

Sáng 15/5/1975, hơn 55 vạn đồng bào Thành phố Sài Gòn - Gia Định đến tham gia và dự lễ mít tinh diễu binh, diễu hành tại quảng trường trước Dinh Độc Lập. Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Chủ tịch Tôn Đức Thắng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp đã tham gia Đoàn Chủ tịch. Tham gia Đoàn Chủ tịch còn có các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục như đồng chí Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Trần Nam Trung, Võ Văn Kiệt, Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định Trần Văn Trà... Các đồng chí Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng được Trung ương cử vào trực tiếp chỉ đạo chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cũng đến dự buổi lễ.

Sài Gòn có một tháng 5 đã đi vào ký ức - Ảnh 4.

Nhân dân Sài Gòn mít tinh chào mừng Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định ra mắt ngày 7/5/1975 (Ảnh: Minh Lộc/TTXVN)

Dưới nắng vàng rực rỡ, rợp trời cờ hoa và khí thế chiến thắng, các khối quần chúng, lực lượng vũ trang diễu qua lễ đài hô vang khẩu hiệu: "Hồ Chí Minh muôn năm!". "Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!". Hàng triệu người, trong đó có rất nhiều phóng viên các hãng thông tấn, báo chí quốc tế háo hức theo dõi các vũ khí hiện đại của quân đội nhân dân Việt Nam lúc đó như xe thiết giáp chở quân K63, xe vận tải quân sự cỡ lớn, xe kéo pháo bánh xích, xe tăng chiến đấu chủ lực T54 dàn hàng ngang cùng đạn tên lửa V750 của hệ thống phòng không nổi tiếng SAM-2 cùng gương mặt rạng ngời của các chiến sĩ giải phóng rầm rập tiến qua lễ đài…

Và cuộc duyệt binh mừng hòa bình, thống nhất đất nước ngày 15.5.1975 tại Sài Gòn và các tỉnh thành đã thành công tốt đẹp, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân cũng như bạn bè quốc tế.

Họ đều tấm tắc: "Mấy ổng giỏi thiệt! Không hiểu các ổng làm thế nào mà chỉ sau 2 tuần đã làm được cuộc duyệt binh hoành tráng đến như vậy!".

Tổng biên tập Đào Tùng khi đó vừa là cố vấn cho Ban lãnh đạo Thông tấn xã Giải phóng, ông đồng thời là Trợ lý cao cấp của Lãnh đạo Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam và trực tiếp chỉ đạo hoạt động nghiệp vụ của Phân xã Việt Nam Thông tấn xã tại Sài Gòn những ngày đầu giải phóng. Vừa là phóng viên, vừa được ông xem như là trợ lý, thư ký của ông nên tôi may mắn được tháp tùng ông trong tháng 5/1975 - tháng đầu tiên của Sài Gòn giải phóng trong hàng loạt các cuộc hội họp, tiếp xúc với đủ các ngành giới, với Ủy ban Quân quản, với các cơ quan trong và ngoài quân đội. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định gần như ngay lập tức chuyển sang thực hiện nhiệm vụ quân quản, bảo vệ thành quả cách mạng, khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng, tổ chức lại quân đội tương thích với điều kiện thời bình. Sau khi tiếp quản, Ủy ban Quân quản các cấp lần lượt ra mắt và bắt tay thực hiện chức năng của chính quyền cách mạng lâm thời. Chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ sụp đổ đã để lại những di hại nặng nề cả về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Ngoài một số tướng lĩnh, nhân viên chính quyền cao cấp chạy ra nước ngoài, đại đa số vẫn còn ở lại; riêng địa bàn Sài Gòn - Gia Định, thành phố có dân số đông nhất nước (gần 3,5 triệu người), có trên 27 vạn người mù chữ, trên 1 triệu người thất nghiệp, 20 vạn trẻ mồ côi, 23 vạn quả phụ bơ vơ, 1 vạn người ăn xin, 30 vạn người mắc bệnh da liễu, trên 1 vạn trẻ bụi đời, trên 10 vạn người nghiện xì ke, ma túy. Lực lượng vũ trang thành phố vừa thực hiện nhiệm vụ tiếp quản, vừa tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Lực lượng vũ trang thành phố còn triển khai công tác tiếp nhận trình diện và cải tạo sĩ quan, binh lính quân đội Sài Gòn. Tính chung, lực lượng vũ trang thành phố đã tiếp nhận trình diện và tổ chức học tập cho 376.000 sĩ quan, binh lính (trong đó có 30 cấp tướng, 350 đại tá, 2000 trung tá, 5000 thiếu tá). Nhiệm vụ quản lý thành phố thời gian đầu giải phóng đã được các đơn vị bộ đội của ta lúc đó thực hiện thành công. Gần một năm sau, tháng 2/1976, UBND TP Sài Gòn được thành lập, đánh dấu thắng lợi to lớn của quân dân ta tại thành phố ngay sau chiến thắng 30/4. Ủy ban Quân quản đã hoàn thành sứ mệnh của mình sau 10 tháng hoạt động.

Sài Gòn có một tháng 5 đã đi vào ký ức - Ảnh 5.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng trên lễ đài trong Lễ mít tinh chào mừng chiến thắng 15/5/1975

Trong không biết bao nhiêu sự kiện và các hoạt động được chứng kiến trong tháng đầu tiên sau giải phóng tại Thành phố Sài Gòn - Gia Định, tôi nhớ mãi đêm 8/5/1975, đêm diễn chính thức của Đoàn Văn công Quân Giải phóng ở thành phố Sài Gòn ngay tại Dinh Độc Lập. Đêm đó, đoàn biểu diễn phục vụ các cán bộ chiến sĩ đang đóng quân trong Dinh và khu vực. Những bài ca đã từng vang trên các chiến hào, các mặt trận, các chiến trường… nay vang lên trong thành phố Sài Gòn những ngày đầu giải phóng, là một cảm xúc khó diễn tả bằng lời đối với cả diễn viên và người nghe. Những bài hát được biểu diễn nhiều nhất như: Bài ca hy vọng, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Bài ca may áo, Xuân chiến khu, Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Qua sông, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, với các nhạc cụ phổ biến như guitar, violin, cello, kèn đồng, kèn gỗ, accordeon, đàn t'rưng, đàn bầu, sáo trúc… Hầu như tại thành phố Sài Gòn vào những ngày đầu giải phóng, đêm nào cũng có biểu diễn của các đoàn văn công giải phóng và các đoàn văn công Trung ương từ Hà Nội vào, ban đầu chủ yếu là phục vụ cho cán bộ chiến sĩ, nhưng sau đó nhân dân cũng đến xem rất đông, không khí tưng bừng, ấm áp và rất thân thiện. Và thật đặc biệt, đêm 1/6/1975, tại Nhà hát thành phố (trước ngày thống nhất là trụ sở Hạ nghị viện chính quyền Sài Gòn), bản giao hưởng "Định mệnh" của Beethoven do Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam trình tấu dưới sự chỉ huy của nhạc sĩ Trọng Bằng đã vang lên một cách hào sảng, hùng tráng. Và nó như một minh chứng không cần nhiều văn từ về một nền nghệ thuật cách mạng không chỉ là những ca khúc tuyên truyền mà còn là sự tiếp cận tài hoa với đỉnh cao tinh hoa âm nhạc thế giới. Việc đưa âm nhạc bác học vào đô thị hào hoa bậc nhất của miền Nam, như một bản tổng phổ tuyệt vời cho lời "chào" Sài Gòn của nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam.

Và sau khi dự đưa tin về buổi trình diễn của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đêm ấy, tôi được lệnh trở về Hà Nội nhận công tác mới.

45 năm đã trôi qua. Trong quãng đời hoạt động của minh, được sự tin cậy của Đảng và cơ quan, tôi đã được chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, song những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập và phút giây chuyển giao lịch sử của dân tộc diễn ra những ngày đầu tháng 5/1975 tại Thành phố Sài Gòn vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. Niềm tự hào, hạnh phúc nhất trong quãng đời làm phóng viên TTXVN của tôi là đã được chứng kiến và tác nghiệp trong những giờ phút huy hoàng, trọng đại nhất của lịch sử đất nước. Đó cũng chính là cội nguồn làm nên giá trị các tác phẩm báo chí và văn chương của tôi./.

Sài Gòn 5/1975 - Hà Nội 5/2020


Trần Mai Hạnh

NỔI BẬT TRANG CHỦ