(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh nghệ thuật biểu diễn đang "ngủ đông", việc Sân khấu Lệ Ngọc vẫn dựng vở mới thực sự là một điểm sáng của bức tranh sân khấu ảm đạm.
Vở diễn "Nước mắt của mẹ" được Sân khấu Lệ Ngọc khai trương dàn dựng sáng 15/7 tại nhà riêng của cặp nghệ sĩ Nguyễn Hải và NSND Lệ Ngọc, thực hiện đúng chủ trương phòng dịch, khách mời rất ít và thực hiện 5K nghiêm ngặt.
Ông Nguyễn Thế Vinh, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, hiện phụ trách truyền thông và tổ chức biểu diễn của Sân khấu Lệ Ngọc cho biết, trong hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sân khấu Lệ Ngọc vẫn hoạt động rất sôi nổi, hiệu quả. Năm 2020, dựng 6 vở mới, tổ chức hơn 150 buổi diễn. Đáng nhớ nhất là sân khấu đã có 28 buổi diễn liên tục ở rạp Đại Nam, Hà Nội. Đặc biệt là chuyến "Nam du" giữa hai kỳ dịch, lập kỷ lục diễn liên tục 20 buổi trong 10 ngày tại Nhà hát Lớn TPHCM, một điều mà ngay thời hoàng kim của sân khấu, cũng chưa đơn vị sân khấu phía Bắc nào làm được.
Năm 2021, sân khấu Lệ Ngọc đã dựng hai vở Dế mèn và Làm vua. Vở Dế mèn vừa ra đời đã đạt kỷ lục 20 đêm diễn liên tục tại Nhà hát Lớn và rạp Đại Nam, Hà Nội. Vở Làm vua vừa diễn thử ba buổi rất được hoan nghênh thì ngừng lại vì dịch. Tuy vậy, để chuẩn bị cho hoạt động thật sôi động hiệu quả hơn khi được phép, Sân khấu Lệ Ngọc vẫn quyết định dựng thêm vở mới của tác giả trẻ Nguyễn Toàn Thắng về đề tài gia đình thời kinh tế thị trường. Vở diễn có tên gọi Nước mắt của mẹ. "Dịch thì chống dịch, dựng vở mới trong bối cảnh đảm bảo chống dịch, mục tiêu kép của sân khấu là vậy"- ông Nguyễn Thế Vinh nói.
NSND Lê Hùng, nguyên Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi Trẻ, hiện vẫn là đạo diễn đắt show nhất phía Bắc, là đạo diễn "ruột" của Sân khấu Lệ Ngọc.
Ở vở diễn Nước mắt của mẹ, NSND Lê Hùng tiếp tục làm đạo diễn. Ông đánh giá rất cao Sân khấu Lệ Ngọc chia sẻ rất tự hào được làm việc với Sân khấu này. Theo NSND Lê Hùng, Sân khấu Lệ Ngọc là mô hình sống động cho việc xã hội hóa sân khấu đã và đang thực hiện trong cả nước. Nhà nước cần ủng hộ nhiều hơn cho mô hình thành công này. Ngoài việc cấp trụ sở tập luyện như đã làm, nhà nước cần đặt hàng dựng vở hàng năm.
Nghệ sĩ Nguyễn Hải, người điều hành sân khấu Lệ Ngọc, nhấn mạnh rằng bài học thành công của Lệ Ngọc là phải luôn vì khán giả thì khán giả sẽ luôn đến với mình. Lệ Ngọc thành công cũng vì luôn biết tìm kiếm và hợp tác với người tài, bất kể họ già hay trẻ, gần hay xa.
Nghệ sĩ Nguyễn Hải từng có 16 năm làm nghệ sĩ của Nhà hát kịch Việt Nam. Sau nhiều năm làm kinh doanh, dù đang rất thành công, anh lại về làm sân khấu cùng vợ vì đã thấy ở đời không có gì đáng làm hơn sân khấu. Nghệ sĩ Nguyễn Hải nói rằng từ đây anh sẽ sống chết với sân khấu.
NSND Lệ Ngọc cũng khẳng định khi nào còn có thể, vợ chồng chị sẽ "chơi" sân khấu đến cùng, không bao giờ bỏ cuộc giữa chừng. Chị cho biết Sân khấu Lệ Ngọc sẽ dựng vở theo đúng chủ trương phòng chống dịch, chỉ làm việc theo nhóm nhỏ, nhiều nhất 3, 4 diễn viên làm việc với đạo diễn thật nhuần nhuyễn theo nguyên tắc 5K. Khi nào hết dịch sẽ ra nhà hát để hoàn thành vở diễn. Chị tin rằng các vở diễn mới thật hay sẽ là món quà xứng đáng mà Sân khấu Lệ Ngọc đem đến cho khán giả khi tan dịch.
Những người bạn thân thiết tham dự khai dựng vở mới của Sân khấu Lệ Ngọc đều tỏ ra rất khâm phục tình yêu, sự bình tâm, ý chí vượt khó của Sân khấu Lệ Ngọc và tin rằng sau dịch giã, Sân khấu Lệ Ngọc sẽ tái xuất thật huy hoàng với dàn kịch mục mới phong phú hấp dẫn trong những khán phòng đông chật khán giả.
Trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc một sân khấu ngoài công lập vẫn đều đặn dựng vở mới, đặc biệt là giữ lửa đam mê sân khấu cho các nghệ sĩ là điểm sáng của nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là sân khấu kịch hiện nay./.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ