(Cinet) - Nhiều ý kiến cho rằng, sân khấu thiếu nhi trong nước hiện nay vẫn còn mang tính tự phát và thiếu tính chiến lược, do đó để loại hình này phát triển một cách sâu rộng, các nhà quản lý, các doanh nghiệp cần những hướng đi mới tích cực hơn.
(Cinet) - Nhiều ý kiến cho rằng, sân khấu thiếu nhi trong nước hiện nay vẫn còn mang tính tự phát và thiếu tính chiến lược, do đó để loại hình này phát triển một cách sâu rộng, các nhà quản lý, các doanh nghiệp cần những hướng đi mới tích cực hơn.
Nhiều nhà sản xuất các chương trình sân khấu thiếu nhi cho rằng để sản xuất ra các chương trình của mình, chuyện doanh nghiệp bị lỗ là hết sức bình thường. Bởi vì, trong khi diễn viên luyện tập vất vả, trong khi đó số kinh phí đầu tư thực hiện của các đơn vị cũng là rất lớn. Một số chương trình như vở nhạc kịch “Ngày xửa ngày xưa” của Sân khấu Kịch IDECAF hay “Bầy quỷ và viên ngọc thần” của Đoàn Xiếc TPHCM và Công ty Quảng cáo quốc tế Giờ Vàng, số kinh phí dàn dựng đều trên 400 triệu đồng/chương trình và nếu những chương trình này chỉ diễn được 5 - 10 suất thì đơn vị sản xuất sẽ bị lỗ
Nhà sản xuất Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu Kịch IDECAF, người có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất các chương trình sân khấu thiếu nhi chia sẻ: “điều quan trọng là cần xây dựng được lực lượng khán giả cho sân khấu tương lai. Sau nhiều năm cố gắng và nỗ lực, đến nay chương trình đã tạo được một thương hiệu riêng, với số lượng khán giả đến xem ngày càng đông nên chúng tôi mới có thể yên tâm mà đầu tư thực hiện... Mỗi chương trình, chúng tôi mất thời gian 3 tháng để xây dựng kịch bản, may hàng trăm bộ trang phục, tập tuồng… mới có thể cho ra mắt các em thiếu nhi”.
Cũng có những khó khăn khác mà các đơn vị sản xuất các chương trình thiếu nhi thường mắc phải, đó là tình trạng xuất hiện vé giả trên thị trường. “Ông bầu” Gia Bảo cho biết: vở nhạc kịch “Chúa tể muôn loài” của anh đã đầu tư hơn 300 triệu đồng với nhiều công phu, nhưng mới diễn được 7 suất ở rạp hát Hưng Đạo (TP.HCM) thì phải ngưng vì tình trạng vé giả hoành hành. Anh cũng cho biết, kịch thiếu nhi làm thì khó nhưng cơ hội thu lời lại thấp hơn so với kịch dành cho người lớn.
Tại các thành phố lớn trong cả nước, Sân khấu Kịch IDECAF là một trong những đơn vị nghệ thuật đi đầu với ông chủ là Huỳnh Anh Tuấn. Tuy nhiên, các chương trình của IDECAF, nổi bật có vở kịch
“Ngày xửa ngày xưa” lại chỉ diễn ra vào các dịp hè, Tết Trung thu… nên nhìn chung vẫn còn chưa đáp ứng nhu cầu thưởng thức của thiếu nhi hiện nay. Trong khi đó nhiều chương trình thiếu nhi mới thực hiện của các đơn vị: Kịch Phú Nhuận, Công ty Quảng cáo quốc tế Giờ Vàng - Đoàn Xiếc TPHCM, chương trình Chúa tể muôn loài của Gia Bảo… đều mới chỉ thực hiện lần đầu tiên và chưa biết trong thời gian tới có tiếp tục sản xuất nữa hay không.
Đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Phó chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, cho biết: “Sân khấu thiếu nhi đang hoạt động thiếu tính chiến lược, chúng ta cần có những nhà hát chuyên dành cho sân khấu thiếu nhi nhằm tập cho thiếu nhi thói quen đi xem kịch vào những ngày cuối tuần… và vấn đề này rõ ràng phải có sự đầu tư của Nhà nước, nếu không các đơn vị rất dễ đi theo hướng hoạt động tự phát…”.
Một khó khăn nữa trong việc phát triển sân khấu thiếu nhi đó chính là hạn chế về kịch bản. Việc viết kịch bản dành cho thiếu nhi được đánh giá là rất khó so với sân khấu dành cho người lớn, do vậy thực tế là số lượng tác giả tham gia sáng tác kịch bản cho sân khấu thiếu nhi là rất hạn chế. Do vậy, để phát triển sân khấu thiếu nhi bền vững hơn và có chất lượng hơn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của các em, các hội chuyên ngành cần quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ tác giả viết kịch bản. Hàng năm, chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức các trại, các cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu thiếu nhi để qua đó cung cấp cho các đơn vị nghệ thuật những kịch bản tốt nhất, đó cũng là một cách làm tốt để sân khấu thiếu nhi của chúng ta đạt được chất lượng tốt hơn.
LS