(Toquoc)- Sân khấu phía Bắc, đặc biệt là sân khấu cho thiếu nhi đang nỗ lực tìm lại sức hút đối với khán giả.
(Toquoc)- Sân khấu phía Bắc, đặc biệt là sân khấu cho thiếu nhi đang nỗ lực tìm lại sức hút đối với khán giả.
Sân khấu đã không còn thu hút được sự mặn mà của công chúng, nhất là các chương trình sân khấu cho thiếu nhi quá sơ sài, đơn giản, chỉ làm cho đúng dịp 1/6, rằm Trung Thu. Việc hợp tác với sân khấu IDECAF- một sân khấu “ăn khách” nhất TP Hồ Chí Minh là nỗ lực của sân khấu Hà Nội trong việc “bỏ lối làm ăn chộp giật” như cách nói của chính Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, NSƯT Chí Trung- đơn vị đi tiên phong trong việc đổi mới cách làm sân khấu cho thiếu nhi tại Thủ đô.
Sân khấu yếu thế
Nhiều năm qua, truyền hình - với các kỹ thuật tiên tiến mới lạ cùng nhiều kênh khác nhau dành cho thiếu nhi - đã đến từng nhà. Những câu chuyện cổ tích hay nhất, những chuyện vui, chuyện học đường, tâm lý trẻ thơ đã được các "nhà đài" khai thác một cách triệt để, hấp dẫn trẻ em đến nỗi nhiều giờ không rời khỏi máy thu hình. Bên cạnh sức hút của truyền hình, hiện nay các em còn quá nhiều sự lựa chọn, nhất là các trò chơi điện tử trên máy tính, trên điện thoại, Iphone, Ipad... Trong khi đó, muốn cho các em thưởng thức tác phẩm sân khấu, phụ huynh cần phải mua vé (có khi còn phải đặt trước) rồi buộc phải sắp xếp đi kèm, mất rất nhiều thời gian. Hơn nữa, nếu đến một lần mà cảm thấy vở diễn không đạt hiệu quả nghệ thuật cao, các bậc phụ huynh thường chia sẻ với nhau và hầu như không còn quay lại... Bởi vậy, không nhiều nhà hát đầu tư cho sân khấu thiếu nhi.
Sân khấu thiếu nhi phía Bắc đang nỗ lực đổi mới để hút khán giả nhí
Sân khấu Hà Nội dành cho thiếu nhi có phần xao nhãng, nếu không muốn nói là bị lãng quên. Mỗi năm chỉ một hai dịp, vào ngày Quốc tế Thiếu Nhi 1/6 hoặc Rằm Trung thu, các nhà hát lại mời một vài nghệ sỹ được trẻ em yêu mến, làm một hai chương trình tạp kỹ, quảng cáo ầm ĩ lên rồi thôi. Chưa có những chương trình dài hơi, tạo thành điểm đến lý tưởng cho các em nhỏ, đưa các em ra khỏi nhà, khỏi thế giới ảo của ti vi, của “cơn bão” công nghệ thông tin.
Có thể, còn chưa có kịch bản hay nhưng quan trọng là chưa có người thực sự tâm huyết với các em.
Thời gian qua, nhiều vở diễn chính kịch đã được đầu tư tiền tỉ vào thực hiện trên sân khấu chèo, sân khấu kịch nói cho thấy sân khấu phía Bắc đã nỗ lực tìm lại khán giả. Và tín hiệu vui là sân khấu thiếu nhi cũng rục rịch bắt đầu thực hiện đầu tư nghiêm túc tiền bạc, công sức vào các vở diễn.
“Bỏ cách làm ăn chộp giật”
Đây chính là tuyên bố của NSƯT Chí Trung trong nỗ lực làm mới sân khấu thiếu nhi tại sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ. Trong dự án “bắt tay” với sân khấu EDICAF, Nhà hát Tuổi trẻ đã đưa một chương trình ăn khách, thành công đến 26 buổi diễn của sân khấu nổi tiếng phía Nam ra Hà Nội.
NSƯT Chí Trung, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ: “Với tất cả tấm lòng và cùng chung niềm mong ước hướng tới một sân khấu hiện đại, đầy mỹ cảm dành cho trẻ thơ, lần đầu tiên Nhà hát Tuổi trẻ và Sân khấu EDICAF TP. Hồ Chí Minh đã hợp tác thực hiện dàn dựng và biểu diễn vở kịch “Hoàng tử gấu và hạt đậu thần” nằm trong seri chương trình nổi tiếng “Ngày xưa, ngày xưa” như một câu chuyện cổ tích mang mầu sắc hiện đại như một điểm nhấn thú vị cho hai nhà hát nghệ thuật chuyên biểu diễn phục vụ thiếu nhi nổi bật nhất ở nước ta hiện nay”.
Nghệ sỹ cũng thừa nhận: “Sân khấu thiếu nhi vẫn chưa được đầu tư một cách bài bản, trong khi các em giờ khác hẳn ngày xưa, thì chúng ta vẫn làm sân khấu cho trẻ em theo kiểu trẻ con thế nào cũng được. Phải dừng ngay lối tư duy đó, chúng ta nghĩ, làm cho trẻ em vào dịp 1/6, rằm Trung Thu… và nghĩ rằng, mỗi dịp đó thì trẻ em cần lắm. Nhưng thực tế, trẻ em hiện giờ, ngay con cháu chúng ta ở nhà, có một lượng thông tin cực lớn trên ineternet, trên phim ảnh, các cháu được trang bị một cách đầy đủ và chúng ta đang chiến đấu với kẻ thù là công nghệ, mà chúng ta lại quên mất rằng, con em chúng ta đã đi theo công nghệ, chính chúng ta mới không đi theo được. Vậy phải bằng hơi thở của sân khấu, bằng sự đầu tư cẩn thận, quần áo đẹp, rực rỡ, sự đầu tư kỹ lưỡng, chúng tôi muốn thay đổi từ chính cách làm chuyên nghiệp từ sân khấu EDICAF mà các bạn ấy đã thành công đến chương trình thứ 26. Chúng tôi muốn dừng lối làm ăn chộp giật của chính chúng tôi lại”.
Với tư duy đổi mới đó nên vở diễn “Hoàng tử Gấu và hạt đậu thần” được đầu tư chuyên nghiệp cả về nội dung và hình ảnh đẹp mắt, phong cách dàn dựng bay bổng và lãng mạn, tạo nên một không gian sân khấu tuyệt đẹp với cảnh trí lộng lẫy cùng với những tình huống xúc động. Đây cũng là vở diễn sử dụng nhiều phục trang cầu kì nhất từ trước đến nay so với sân khấu phía Bắc, khán giả nhí sẽ được chiêm ngưỡng những bộ trang phục của vua, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử rất giống với những bộ trang phục mà các em được biết qua phim ảnh, truyền hình.
Phần âm nhạc cũng được chăm chút với những bài hát vui nhộn hoặc sâu lắng được sáng tác riêng cho vở diễn.
NSƯT Chí Trung cho biết: “Vở diễn được đầu tư hoành tráng, lần đầu tiên khán giả nhí Hà Nội được xem sân khấu thực sự. “Hoàng tử Gấu và hạt đậu thần” được đưa từ sân khấu phía Nam ra Hà Nội với tác giả kịch bản, đạo diễn, trang trí, phục trang, âm nhạc. Chỉ có diễn viên là diễn viên của sân khấu Hà Nội. Như vậy, chúng ta vẫn thổi hơi thở Hà Nội cho khán giả nhí của Thủ đô”.
Tiếp sau chúng tôi dùng màn hình led cực lớn để đưa công nghệ vào, làm cả MV để đan xen vào giữa các cảnh diễn để mang cả thế giới về nhà hát, và mở một cánh cửa thì cả nhà hát ùa ra thế giới. Điểm mới này, theo NSƯT Chí Trung sẽ tăng sự thu hút của sân khấu với các em thiếu nhi.
Tin tưởng vào sự “hồi sinh” của sân khấu thiếu nhi, theo NSƯT Chí Trung, “sân khấu có mặt mạnh hơn phim ảnh là hơi thở trực tiếp của người diễn viên, vì vậy, các diễn của những nghệ sỹ vẫn là điểm cần tập trung vào để thu hút khán giả. Bởi vì thiếu điều đó thì mất đi hoàn toàn cái hồn của sân khấu, sẽ thua công nghệ, thua truyền hình”.
Với tiềm năng là các nghệ sỹ có nghề, có khả năng tạo hồn cho sân khấu, giờ đây, có thêm sự đầu tư kỹ lưỡng, sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ kỳ vọng sự đổi mới này sẽ thu hút được khán giả nhí. Và hy vọng, đó cũng là mở đầu cho sự khởi sắc của sân khấu thiếu nhi Thủ đô./.
Dạ Minh