(Toquoc)- Muôn thuở, nghệ thuật vẫn phải nói về con người, cho con người và vì con người; trong đó có người lính- Anh Bộ đội Cụ Hồ- yêu quý của chúng ta!
(Toquoc)- Đã trên nửa thế kỷ trôi qua trong suốt chiều dài lịch sử, kể từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 và Đại thắng mùa xuân 30/4/1975- với Chiến dịch Hồ Chí Minh- Giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn đất nước. Cùng với cả dân tộc, hình ảnh người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam - anh bộ đội Cụ Hồ- đã trở thành một biểu tượng tiêu biểu cho ý chí “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Và hình tượng người lính đã trở thành một đề tài gần gũi, thân thuộc, phong phú và đa dạng, không thể thiếu được trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật trong đó có sân khấu…
Thời gian vẫn cứ thế trôi qua, tự nhiên và bình thản, nhưng thời gian vẫn còn làm đọng mãi trong ta những tác phẩm về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Bởi qua mỗi tác phẩm đó, càng ngày chúng ta càng hiểu hơn về người lính, hiểu hơn về các thế hệ cha anh từ thời chống Pháp. Những bè bạn của mình cùng thế hệ chống Mỹ, và nhất là những người lính trẻ hôm nay. Hiểu hơn về cái sống và cái chết, cái anh hùng, cao thượng và thấp hèn, cả những ước mơ thầm kín, bé nhỏ, giản dị và cuộc đời thường nhật của họ, trong một đời sống “hiện đại” ồn ã, xô bồ, náo nhiệt của thời buổi kinh tế thị trường, hội nhập. Càng ngày, ta càng cảm nhận rõ ràng hơn về phẩm chất người lính qua những vở diễn của các đoàn nghệ thuật quân đội trong suốt 35 năm qua (từ sau Giải phóng miền
Cũng gần 40 năm qua, kể từ ngày thống nhất đất nước; tại các Hội diễn Sân khấu, Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc của cả trong và ngoài quân đội, đã xuất hiện khá nhiều vở diễn về người lính, với những thành công và có cả thất bại. Rõ ràng, sân khấu với mảng đề tài thân thuộc, hấp dẫn, cuốn hút này, đã và đang đòi hỏi không ít sự đầu tư công sức. Cái cần có nhất là phải tâm huyết, phải yêu người lính và cuộc sống của họ; thì mới phản ánh được những gì là chân thực về người lính. Lâu nay, chúng ta thấy xuất hiện không ít những vở diễn, mà trong đó, các tác giả chỉ tô vẽ một cách sơ lược, khô khan, nhạt nhẽo hình tượng người lính- chỉ có chiến đấu, chiến thắng, và hy sinh. Hình như, chúng ta quên mất rằng, người lính cũng chỉ là một con người bình thường- và rõ ràng, họ càng bình thường bao nhiêu, thì khi trở thành anh hùng, họ càng được kính trọng bấy nhiêu. Và tất nhiên, chẳng lẽ người lính nào cũng phải trở thành anh hùng, chẳng lẽ, họ không thể là một người bình thường mãi được hay sao? Cũng chính vì quá tuyệt đối hoá người lính, mà hình tượng về họ trên sân khấu không hấp dẫn khán giả- ngay cả khán giả là lính, huống gì là khán giả ngoài quân đội- cho dù, trong trái tim mọi người, hình ảnh người lính bao giờ cũng hiện lên thật đẹp đẽ, thân thiết , đáng yêu. Bởi, nghĩ cho cùng, đề tài vẫn chỉ là duyên cớ. Muôn thuở, nghệ thuật vẫn phải nói về con người, cho con người và vì con người; trong đó có người lính- Anh Bộ đội Cụ Hồ- yêu quý của chúng ta!
NSND Lê Huy Quang