• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sản phụ bị taxi đuổi xuống giữa đường ở Bình Phước: Khi người tốt đi vắng, chỉ còn người khoanh tay đứng nhìn, chụp ảnh đăng mạng... vì sợ vạ lây

Thời sự 20/08/2019 08:39

Không ai muốn mình bị hất xuống lòng đường, bỏ mặc khi gặp nạn, không ai muốn một mình chống lại cái xấu, nhưng ai sẽ cứu chúng ta nếu tất cả những người gần đó đều vô cảm?

Lắc đầu trước việc tốt, im lặng trước việc xấu, đó là bạn đã làm việc xấu rồi

Sáng sớm ngày 17/8, một thai phụ ở Bình Phước đang mang bầu 7 tháng bất ngờ đau bụng và có dấu hiệu chuyển dạ.

Người nhà thuê một chiếc taxi để đưa chị đi viện. Đi giữa đường, thấy sức khỏe sản phụ yếu dần, lo sợ chị mất trên xe sẽ gặp xui xẻo, tài xế lót một mảnh nilon ở giữa đường rồi nhất quyết đuổi gia đình lẫn bà bầu xuống xe, đi thẳng.

Sau đó, sản phụ đã được gia đình tiến hành đỡ đẻ giữa đường. Bé trai sinh non vừa chào đời đã tử vong. Hơn 1 giờ sau đó, người nhà mới gọi được một xe khác để đưa hai mẹ con vào viện.

photo-1

Tài xế đuổi sản phụ giữa đường khiến bé sơ sinh tử vong là một trường hợp hy hữu, bạn có thể nói vậy. Nhưng cách đây ít lâu, rạng sáng 25/6, một đôi nam nữ đi xe máy ở TP.HCM thì va chạm mạnh với xe taxi chạy cùng chiều đang rẽ trái, văng lên lề đường. Camera ở hiện trường ghi lại hình ảnh tài xế taxi xuống đứng nhìn nạn nhân rồi rời đi.

Khoảng thời gian sau đó, có 17 xe máy và một ô tô 4 chỗ đi qua khu vực xảy ra tai nạn, thấy cảnh nam thanh niên vùng vẫy kêu cứu, còn cô gái nằm bất động trên vỉa hè, nhưng chỉ có một người đi xe máy dừng lại và gọi điện cho cơ quan chức năng. Người phụ nữ sau đó đã tử vong, còn người đàn ông bị thương nặng phải đi cấp cứu.

Xung quanh cuộc sống hằng ngày, từ đời thực lên mạng xã hội, bạn đã bao giờ thấy cảnh người ta đứng xem các nữ sinh lột áo, giật tóc, đánh hội đồng nhau, các bà vợ xé quần áo, đánh đập, làm nhục bồ của chồng giữa đường… như xem một màn kịch, lấy điện thoại ra quay rồi tung lên mạng chưa?

Bạn có nghe nói chuyện ai đó bị sàm sỡ trên xe bus, trong công sở nhưng không ai lên tiếng bênh vực, mặc dù việc đó xảy ra sờ sờ trước mắt? Và có những chuyện tranh cãi hay xô xát lặt vặt phát triển thành án mạng, vì chẳng ai động tay hay lên tiếng ngăn cản chưa?

Từ tấm bé, trong các bài học đạo đức ở trường lớp, trong lời khuyên răn của ông bà, cha mẹ mỗi ngày đều hướng chúng ta đến biết yêu thương, đùm bọc người khác, đặc biệt là đồng bào của chính chúng mình.

Ấy thế mà từ khi nào, nhiều người lại trở nên thờ ơ, vô cảm đến mức nhẫn tâm, nhìn thần chết từ từ cướp đi sinh mạng của đồng loại, nhìn người khác bị tổn thương, bị làm đau, bị rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm mà không mảy may nghĩ đến việc cứu hộ, vì sợ rách việc?

photo-2

Tôi không dám tưởng tượng cảm giác bất lực, nỗi đau đớn, cơn khủng hoảng tâm lý của người mẹ Bình Phước vừa mất con 2 ngày trước, khi chị nằm đó sinh con bên vệ đường, trên đất lạnh, sau khi bị tài xế đuổi xuống.

Xung quanh chỉ có người nhà chị và vài người tò mò đã chụp ảnh lại đăng lên mạng xã hội. Không biết có ai giúp họ hay không, chỉ biết, thai nhi 7 tháng đã không qua khỏi, và 1 giờ sau đó, một người tốt đến muộn mới chở họ vào bệnh viện.

Tôi không dám chắc em bé ấy sẽ vẫn ở lại thế gian nếu mẹ em vẫn ở trên chiếc taxi đó và kịp đến viện sinh em.

Tôi không dám chắc nếu em được sinh ra ngay trên xe, mà không phải ở tấm nilon trải xuống nền đất, kết quả sẽ thế nào. Tôi không có cơ sở gì để chắc chắn nếu có ai đó đưa hai mẹ con đi ngay sau đó, mà không phải tận 1 giờ sau, mọi sự sẽ khác…

Chúng ta không bao giờ biết được! Nhưng có một điều tôi dám tin, rằng nếu các phương án ấy có cơ hội để xảy ra, ngay cả khi bào thai bé bỏng kia vẫn không đủ duyên để làm người, thì ít nhất, trong trái tim mẹ em sẽ bớt đi một cơn đau, thay vì một nỗi đau kép: Con mất và bị đồng loại hắt xuống đường vì sợ xúi quẩy.

Cứu giúp người bị nạn trong khả năng của mình, đó không chỉ là vấn đề tình người, văn hóa sống hay ý nghĩa tâm linh, mà còn là nghĩa vụ công dân được ghi rõ ràng trong luật: Theo quy định tại điều 132 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, tội "Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng", người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Và cứ cho là chúng ta chẳng cần quan tâm đến những điều đó mà chỉ lo về "vận rủi", lo về tổn thất về thời gian hay sự phiền toái mà chúng ta phải đối mặt khi cứu người, thậm chí có thể cứu sai cách, làm mọi chuyện tệ hơn, thì hãy thử hình dung, nếu một ngày chẳng may chúng ta hay những người thân của chúng ta gặp nạn, nhất là những tình huống nguy hiểm đến tính mạng, tất cả người tốt đều đi vắng, những người xung quanh chỉ khoanh tay đứng nhìn, hoặc chỉ trỏ bàn tán, hoặc chụp ảnh đăng mạng... vì sợ vạ lây thì chúng ta sẽ cảm thấy ra sao, và đó chính là cái giá của sự vô cảm.

Đừng cầu có tiền hay danh vọng, hãy cầu khấn để những người tốt luôn ở quanh ta

Vô cảm chính là sự trơ lì cảm xúc, dửng dưng, thờ ơ, "máu lạnh" với những hiện tượng xung quanh. Đó là khi người ta chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân, gặp cái tốt không ủng hộ, thấy cái xấu, cái ác không dám lên án, không dám chống lại...

Vô cảm có thể chỉ "đơn giản" là không biết nói lời xin lỗi, không dám thẳng thắn nhận lỗi khi làm sai và cảm ơn khi được giúp đỡ; là ném rác bừa bãi giữa đường, xuống cống với suy nghĩ rồi sẽ có ai đó dọn; là viên gạch, hòn đá lạc giữa đường mà không ai nhặt hoặc tiện chân đá vào lề để người đi sau khỏi cán phải mà ngã dúi dụi; là nhìn thấy các đối tượng trộm cắp, móc túi trên các chuyến xe buýt, xe khách nhưng không dám phản ứng, không dám báo cơ quan chức năng vì sợ bị trả thù… cho đến việc thấy chết mà không thèm cứu.

Văn hóa Việt vốn trọng tình, yêu quý con người là bản sắc, và thói "cha chung không ai khóc", suy nghĩ "không phải việc của mình", những hành động vô cảm đáng lẽ là những hiện tượng đơn lẻ, hóa ra lại là một "căn bệnh ung thư" đang len lỏi vào con người thời hiện đại. Tại sao người ta không can thiệp?

Bởi người ta vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Bởi người ta sợ liên lụy, mang vạ vào thân. Bởi người ta không muốn bị rầy rà, mất thời gian, mất công việc mà chẳng được một lời cảm ơn. Bởi không ít người tốt đã bị hiểu lầm, bị đổ vấy tội lỗi vì những việc "bao đồng".

photo-3

Thái độ ứng xử trước nỗi đau, tai họa của người khác là phản ứng tự nhiên mang tính người, là thước đo đạo đức, là sự sát hạch đạo đức xã hội một cách nghiêm khắc nhất. Trước nỗi đau, tai họa và bất công mà người khác phải chịu đựng trước mắt mình, ai đó không phản ứng được tức là đã bị tê liệt về tinh thần xã hội.

Đó là bằng chứng cho sự suy giảm nền tảng đạo đức và tinh thần của xã hội. Khi sự gắn kết giữa người với người trong xã hội bị rạn nứt, khi sự ngờ vực lấn át bản năng cứu người, nó làm cho con người không dám tin vào điều thiện, không dám đứng lên chiến đấu chống cái xấu và cái ác.

Để chữa trị những "khối u" này, để tinh thần của mỗi con người và cả xã hội lành mạnh, có đủ "sức đề kháng", cách duy nhất là tạo nên một môi trường tích cực, nơi các giá trị tinh thần, đạo đức của xã hội được xác lập rõ ràng, thể hiện mạnh mẽ, để ai làm những điều xấu cũng phải sợ, cũng phải ngại.

Nếu cái tốt, cái thiện ở thế thượng phong, nếu ở đâu người tốt cũng biết đoàn kết, hợp lực tạo nên sức mạnh thì ở đó chắc chắn cái xấu, cái ác sẽ từng bước bị đẩy lùi, sự vô cảm sẽ mất dần đi.

Không gì có thể thay thế việc khơi dậy lòng nhân ái và dũng khí trong mỗi con người, tinh thần trách nhiệm và dũng khí của công dân và các cơ quan có trách nhiệm trước những ngang trái và bất công. Lòng nhân ái và dũng khí là thứ duy nhất vực dậy sự tử tế của tâm hồn xã hội.

photo-4

Dù sao thì, chúng ta không thể đảm bảo mình sẽ sống an lành đến cuối đời mà không gặp nạn. Chúng ta cũng chẳng thể luôn có mặt ở nơi cần chúng ta, đúng thời điểm.

Nhưng nếu tất cả chúng ta cùng tốt với nhau, thì dù bạn vắng mặt sẽ vẫn có những người tốt khác, có thể có hoặc chưa có đủ chuyên môn... để ứng cứu kịp thời, hoặc ít nhất, làm được điều gì đó để người gặp nạn cảm thấy được an ủi.

Và lũ trẻ, lũ trẻ cần được học để tốt với xung quanh từ tấm bé, phải được dạy yêu thương nhau, tốt với nhau dù có máu mủ ruột rà hay không, phải được dạy rằng máu thịt của mình cũng quý giá như người khác, rằng sự an toàn của người khác cũng đáng được trân trọng không kém gì mình...

Đó là cách duy nhất để tự bảo vệ bản thân và bảo vệ lẫn nhau khi mà người tốt đi vắng ngày càng nhiều.

Lần tới, khi bạn cầu nguyện, bất kể bạn thuộc tôn giáo, tín ngưỡng nào, tin vào đấng tối cao nào, hãy đừng cầu xin cho mình nhiều tiền, đừng cầu có danh vọng, sự nghiệp, mà hãy cầu nguyện để mình đủ dũng khí giữ trái tim mình trong trẻo, còn biết đau xót và yêu thương, cầu nguyện để những người tốt luôn ở quanh ta.

Theo Tri thức trẻ

NỔI BẬT TRANG CHỦ