(Tổ Quốc) - Tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 diễn ra tại đây trong 3 ngày tới.
Trong 3 ngày từ 20-23/3, tại tỉnh Bắc Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024.
Tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang, Quảng trường 3/2 - Nơi diễn ra các hoạt động chính của Cuộc thi, Ban Tổ chức đã bố trí đầy đủ các khu vực, không gian trưng bày cho các đoàn dự thi. Mỗi dự án dự thi sẽ được bố trí 01 vị trí để trưng bày Poster với kích thước được quy định theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.
Đây là năm thứ 12 Cuộc thi được tổ chức nhằm khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống; tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế.
Cuộc thi gắn hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh với việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới phương pháp, hình thức đánh giá kết quả học tập của học sinh, góp phần phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Đồng thời cũng hình thành cho học sinh trung học tác phong khoa học, năng lực nghề nghiệp và tiềm năng khởi nghiệp góp phần thực hiện giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 có sự tham gia của 74 đơn vị dự thi, trong đó có 62/63 Sở GDĐT và 12 đơn vị thuộc các đại học, trường đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Năm nay, Cuộc thi KHKT có tổng số 149 dự án dự thi, thuộc 21 lĩnh vực bao gồm: Khoa học động vật, Khoa học xã hội và hành vi, Hóa sinh, Y sinh và khoa học sức khỏe, Kỹ thuật Y sinh, Sinh học tế bào và phân tử, Hóa học, Sinh học trên máy tính và Sinh tin, Khoa học Trái đất và Môi trường, Hệ thống nhúng, Năng lượng hóa học, Vật lí, Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật môi trường, Khoa học vật liệu, Toán học, Vi sinh, Vật lí và Thiên văn, Khoa học thực vật, Rô bốt và máy tính, phần mềm hệ thống, Y học dịch chuyển.
Với yêu cầu đảm bảo tính trung thực, công bằng, khách quan, đánh giá đúng phẩm chất và năng lực học sinh theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông, Ban Tổ chức Cuộc thi đã lựa chọn các thành viên Ban Giám khảo là những người có uy tín từ 19 cơ sở giáo dục đại học trong cả nước. Thành viên Ban Giám khảo đảm bảo các yêu cầu: Không là người tham gia hướng dẫn, tư vấn khoa học các dự án tham gia Cuộc thi; không tham gia đánh giá dự án dự thi Cuộc thi ở cấp địa phương và không tham gia Ban Giám khảo trong 2 năm gần đây.
Theo quy định, tổng số giải của Cuộc thi không vượt quá 50% số lượng dự án tham gia dự thi. Điểm của các dự án dự thi là căn cứ xếp giải Nhất, Nhì, Ba, Tư. Các dự án đạt giải Nhất, Nhì, Ba sẽ nhận Bằng khen của Bộ GDĐT; các dự án đạt giải Nhất, Nhì sẽ được tặng "Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo" của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ chí Minh; các dự án đạt giải Tư sẽ được tặng Giấy khen của Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC). Các giáo viên hướng dẫn học sinh đạt giải Nhất tại Cuộc thi được Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao tặng Bằng khen. Những dự án tốt nhất của Cuộc thi cũng sẽ được tuyển chọn tham gia Hội thi khoa học, kỹ thuật quốc tế (ISEF) tại Hoa Kỳ năm 2024.