• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sản xuất chất bán dẫn tại Việt Nam đầy hứa hẹn

Kinh tế 04/04/2023 09:42

(Tổ Quốc) - Theo trang Vietnam-Briefing, Việt Nam đang nổi lên như một nhân tố đáng chú ý trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn.

Chuyên trang kinh tế này đã dẫn nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng Việt Nam là một lựa chọn đầy hứa hẹn cho các dự án sản xuất chip trong tương lai. Chẳng hạn, các nhà cung cấp cho "ông lớn"sản xuất chip Hà Lan ASML được cho là đang tìm kiếm các địa điểm sản xuất mới tại Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là ứng cử viên hàng đầu.

Nền tảng cho ngành bán dẫn tại Việt Nam

Việt Nam đã và đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, bao gồm đường xá, bến cảng và sân bay, để hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn đang phát triển. Chính phủ cũng đang tích cực thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này, đưa ra các ưu đãi về thuế và nhiều lợi ích khác cho các công ty thành lập hoạt động tại Việt Nam.

Hơn nữa, Việt Nam đã và đang xây dựng các cơ sở hiện đại hơn cho sản xuất chất bán dẫn, với một số dự án mới đã được lên kế hoạch hoặc đang được xây dựng. Một trong những nhà máy sản xuất chất bán dẫn lớn nhất tại Việt Nam là cơ sở Samsung Electronics tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi sản xuất nhiều loại sản phẩm, bao gồm chip bộ nhớ và màn hình.

Ngoài ra, Việt Nam có chi phí sinh hoạt tương đối cạnh tranh và việc xây dựng nhà máy ở đây không quá đắt đỏ. Việt Nam cũng có một lượng lớn lao động trẻ, có học thức và lành nghề - yếu tố quan trọng cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Sản xuất chất bán dẫn tại Việt Nam đầy hứa hẹn - Ảnh 1.

Việt Nam có nhiều yếu tố tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh: Vietnam-Briefing.

Việt Nam đã đầu tư hàng tỷ USD vào việc thành lập các trung tâm nghiên cứu và giáo dục để đào tạo lao động nhằm thu hút các nhà sản xuất chip lớn. Hơn 40% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và đại học của Việt Nam chuyên về khoa học và kỹ thuật, chiếm một tỷ lệ đáng kể trong lực lượng lao động. Lợi thế nhân khẩu học này được phản ánh trong thứ hạng của Việt Nam trong số 10 quốc gia hàng đầu về số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật.

Việt Nam đã được hưởng lợi từ chi phí sinh hoạt cạnh tranh và sự hiện diện của các tập đoàn đa quốc gia lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn. Những yếu tố này giúp Việt Nam thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Dòng lao động chuyên môn cao đổ tới đây đã giúp ngành bán dẫn Việt Nam phát triển và mở rộng nhanh chóng. Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều chính sách để hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn. Đã có nhiều biện pháp khác nhau được đưa ra để thu hút đầu tư, ví dụ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này có thể được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước, hoặc giảm tới 50% tại các khu công nghệ cao tập trung.

Ngoài ra, doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian thuê.

Chính phủ cũng coi chuyển đổi số là động lực chính cho sự tăng trưởng và phát triển của ngành công nghiệp chip bán dẫn. Việt Nam đã nhận ra tầm quan trọng của ngành này trong việc đạt được mục tiêu dài hạn là trở thành một nền kinh tế số và do đó đã thực hiện nhiều chính sách và sáng kiến khác nhau để đạt được mục tiêu đó.

Cho tới nay, chính phủ đã thành lập nhiều quỹ khác nhau để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ví dụ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) được thành lập để cung cấp kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Việt Nam cũng có Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (VKII) để cung cấp vốn và hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Lợi thế từ vị trí địa lý và nguyên liệu thô

Việt Nam có vị trí chiến lược ở trung tâm Đông Nam Á, là địa điểm lý tưởng cho các nhà sản xuất muốn thâm nhập thị trường chất bán dẫn đang phát triển nhanh của khu vực.

Vị trí địa lý này cũng giúp Việt Nam dễ dàng tiếp cận các chuỗi cung ứng chất bán dẫn hàng đầu thế giới, đi qua Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hơn nữa, Việt Nam cũng đã đầu tư đáng kể vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, chẳng hạn như cảng, đường cao tốc và sân bay, để cải thiện khả năng kết nối của các trung tâm sản xuất với phần còn lại của thế giới.

Về chuỗi cung ứng nguyên vật liệu cho sản xuất chip, các nhà sản xuất chip của Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ các nước khác. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đạt được tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng chuỗi cung ứng nội địa. Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất chip, chẳng hạn như sản xuất linh kiện và vật liệu điện tử.

Ngoài ra, Việt Nam đã ký kết một số hiệp định thương mại tự do giúp giảm bớt các rào cản thương mại và tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu nguyên liệu và hàng hóa cần thiết cho sản xuất chip.

Hơn nữa, Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu thô phong phú, chẳng hạn như cát silic và rất nhiều đất hiếm. Điều này mang lại lợi thế đặc biệt cho Việt Nam để phát triển chuỗi cung ứng tích hợp hơn.

Có thể thấy với chi phí lao động cạnh tranh, sự hỗ trợ của chính phủ và vị trí chiến lược, Việt Nam có vị thế thuận lợi để hỗ trợ các nhà sản xuất chip đang tìm cách đa dạng hóa thị trường Đông Nam Á một cách rộng rãi hơn.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ