(Toquoc)- Nghệ thuật phản ánh đời sống xã hội rất rõ, nghệ thuật có đầy đủ các gương mặt của xã hội. Mặc dù thời sáng tạo mỹ thuật gần đây có sự lắng lại nhưng từng cá nhân vẫn đang tìm đường để làm mới mình.
(Toquoc)- Thời gian gần đây sáng tạo văn học nghệ thuật nói chung không có nhiều biến động, trong các hội thảo đều nêu một thực trạng chung là tình hình sáng tác hiện nay quá an toàn, thiếu những tác phẩm đỉnh cao mà hiện tượng này là không tốt cho quá trình phát triển.
Nhìn vào những tác phẩm của các thế hệ trước so với hiện thời có thể thấy rõ những khác biệt trong phong cách sáng tác. Các họa sĩ đương thời khá chú trọng vào những đề tài xã hội, họ thể hiện đời sống thường ngày của họ bằng những hình thức mới, có thể là do điều kiện sáng tác hiện nay đầy đủ, thuận tiện hơn; cũng có thể do điều kiện giao lưu học hỏi, tham khảo các xu thế sáng tạo trên thế giới thuận lợi mà họ dễ dãi hơn trong việc cho ra đời các tác phẩm nghệ thuật.
Tuy nhiên, từ trước tới nay, sáng tạo mỹ thuật chưa bao giờ là một công việc dễ dàng, nó có những yêu cầu, đòi hỏi nhất định. Và để mỹ thuật Việt Nam thực sự phát triển thì vẫn cần những đợt sóng lớn, vẫn cần những cú hích. Câu trả lời vẫn nằm trong khoảng thời gian sắp tới…
Tìm hiểu cụ thể hơn về tình trạng sáng tạo mỹ thuật hiện nay qua trao đổi với nhà nghiên cứu Phạm Quốc Trung- Trưởng ban Mỹ thuật hiện đại, Viện Mỹ thuật.
Nghệ thuật trình diễn- một hình thức nghệ thuật, mới xuất hiện ở Việt Nam khoảng những năm đầu thế kỷ XXI
thu hút sự quan tâm của công chúng yêu nghệ thuật (ảnh Internet)
- Là người theo dõi sát sao các hoạt động mỹ thuật của Việt Nam, ông có thể cho biết đôi điều về tình hình sáng tác mỹ thuật hiện nay?
Sáng tạo mỹ thuật thời gian gần đây có sự chững lại, kể cả các sự kiện mỹ thuật. Có 2 nguyên nhân chính, thứ nhất là do suy thoái kinh tế có ảnh hưởng tới sáng tạo mỹ thuật. Thứ hai, đây là thời kỳ chuyển tiếp giữa thế hệ nghệ sĩ, các nghệ sĩ trẻ thành danh trước 2010 đã có nhiều triển lãm thành công nhưng sau thời gian đó, tần suất triển lãm của họ thưa dần, các thế hệ sau chưa thấy có gương mặt nào nổi bật lên; đây là giai đoạn lắng lại. Nghệ thuật phản ánh đời sống xã hội rất rõ, nghệ thuật có đầy đủ các gương mặt của xã hội. Mặc dù tôi nói đây là thời kỳ mỹ thuật lắng lại nhưng từng cá nhân vẫn đang tìm đường để làm mới mình, bởi một nền mỹ thuật không tự sinh sôi thì sẽ không phát triển, và tới một thời điểm nào đấy mỹ thuật sẽ thăng hoa trở lại.
Về sáng tạo nổi lên 2 xu hướng: Xu hướng nghệ thuật đương đại của các nghệ sĩ underground và xu hướng nghệ thuật hiện đại của các nghệ sĩ tham gia các các đoàn thể hoặc tổ chức mỹ thuật. Ở xu hướng thứ 2, các nghệ sĩ có cơ hội tham dự các triển lãm do các hội, đoàn, cơ quan nhà nước tổ chức như Triển lãm điêu khắc toàn quốc, TLMTTQ… và hàng năm vẫn có các giải thưởng của Hội MTVN được trao, tuy nhiên hiện đang tồn tại một bất cập là chưa có đơn vị nào đứng ra mua/lưu giữ các tác phẩm được giải, thậm chí cả Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng hiếm khi mua những tác phẩm được giải này, vậy phải chăng những tác phẩm đó không có giá trị nghệ thuật lâu bền(?)
- Vậy nhìn trên bình diện sáng tạo nghệ thuật của cả nước, theo ông 3 khu vực sáng tác chủ yếu là miền Bắc, miền Trung và miền Nam có những điểm gì nổi bật?
Trong 5 năm trở lại đây, sự phân vùng sáng tạo mỹ thuật trở nên rõ rệt.
Ở miền Bắc thì Hà Nội vẫn luôn là một trung tâm văn hóa của cả nước.Miền Bắc vẫn có nhiều tác giả có dấu ấn nghệ thuật hơn.Các tài năng vẫn tập trung nhiều ở miền Bắc, người Hà Nội vẫn có thiên hướng hoạt động tinh thần nhiều hơn. Ở các trường đào tạo mỹ thuật, mặc dù đào tạo vẫn chưa theo kịp xu hướng đào tạo của các nước nhưng vẫn cố gắng duy trì đào tạo ra các nghệ sĩ có khả năng, vì thế lượng nghệ sĩ có tài năng ở miền Bắc nhiều hơn. Miền Bắc nổi bật lên ở mảng mỹ thuật tạo hình, và những tìm tòi đổi mới, những thay đổi về hình thức nghệ thuật, thể nghiệm nghệ thuật… dường như phần lớn đều ở ngoài Bắc.
Miền Trung có Huế- một trung tâm văn hóa, nhưng do những đặc thù về địa lý, truyền thống văn hóa cũng như điều kiện lịch sử, giao thông… nên hạn chế sự phát triển.
Sài Gòn thì nổi trội với mảng nghệ thuật ứng dụng như thiết kế mỹ thuật, thiết kế thời trang, đồ họa quảng cáo nên hiện giờ phần lớn các công ty quảng cáo lớn tập trung hết ở Sài Gòn.Thực tế này hoàn toàn phù hợp với đặc tính năng động của Sài Gòn, vì kinh tế phát triển thì nghệ thuật sẽ chuyển sang phục vụ cho nhu cầu xã hội, vì thế sẽ phát triển mạnh mỹ thuật ứng dụng, hoặc điêu khắc môi trường, kiến trúc…
- Và ông có thể điểm mặt những gương mặt nghệ sĩ trẻ của từng miền?
Trong sự bình lặng và hơi suy thoái của hoạt động mỹ thuật, vẫn có một số hiện tượng và gương mặt trẻ nổi lên. Ở miền Bắc có thể kể đến Mai Duy Minh, Bùi Duy Khánh, Vũ Ngọc Vĩnh có tổ chức triển lãm cá nhân Không thời gian năm 2011, rồi Lý Trần Quỳnh Giang, Nguyễn Thế Sơn, Vũ Đình Tuấn, Bùi Tiến Tuấn, Lê Thúy, Phạm Huy Thông, Phạm Tuấn Tú… điêu khắc có nhóm New Form ở Miền Bắc hay nhóm Bùi Hải Sơn, Hoàng Tường Minh, Ngô Liêm, Trần Việt Hưng… ở Tp. HCM (dù nhóm này tuổi đời các nghệ sĩ đều trên 40), hoạt động sáng tác vẫn mạnh nhưng để tìm một gương mặt nổi bật lên như thời kỳ trước thì chưa thấy. Miền Trung có 2 anh em họa sĩ Lê Ngọc Thanh, Lê Đức Hải, Trần Tuấn, Nguyễn Hữu Trâm Kha, Phan Hữu Nhật…
Trưng bày các tác phẩm nghệ thuật trong bảo tàng Louvre, Pháp (ảnh Internet)
- Được biết chỉ còn ít thời gian nữa là TLMT Việt Nam sẽ khai mạc, đây là sự kiện lớn nhất của giới mỹ thuật Việt Nam, được tổ chức định kỳ 5 năm một lần nhằm tập hợp, trưng bày được các tác phẩm tiêu biểu của giới sáng tác mỹ thuật Việt Nam trong 5 năm đó. Theo ông cách thức tổ chức một TLMT quy mô toàn quốc như vậy đã được chưa?
Với quan sát của người làm nghề, tôi cho rằng lần này Ban tổ chức cũng có những thay đổi cách tổ chức triển lãm nhưng do điều kiện kinh tế, do những hạn chế cá nhân như trình độ quản lý, nhận thức, tổ chức… nên còn nhiều bất cập. Đầu tiên là mặc dù TLMTTQ (năm 2015 đổi tên thành TLMT Việt Nam) năm nay có cầu thị là mời thêm các hình thức nghệ thuật đương đại nhưng cách sắp xếp, chấm giải các hình thức này vào cùng các hình thức nghệ thuật hội họa, điêu khắc cổ điển là chưa thỏa đáng. Thứ hai là không gian trưng bày, từ năm 2000 và trước nữa đã có ý kiến là Việt Nam cần có nhà triển lãm hay một bảo tàng mới đủ điều kiện để trưng bày các tác phẩm đương đại nhưng tới nay vẫn chưa có thay đổi. Mỗi hình thức nghệ thuật sẽ yêu cầu một thao tác nghề nghiệp riêng nhưng hiện nay chúng ta đang để chung tất cả vào một không gian trưng bày.
Bất cập trong việc xét tác phẩm qua ảnh gửi cho Ban Tổ chức và Hội đồng nghệ thuật. Cách làm này vẫn chưa tổng hợp được hết các sáng tác đặc sắc ở các địa phương, vẫn để lọt những tác phẩm tiêu biểu bởi nhiều nghệ sĩ sẽ không gửi tác phẩm đến bởi những lý do cá nhân, rồi qua ảnh cũng không thể đánh giá được hết chất lượngthực tế của tác phẩm. Tôi nghĩ BTC có thể tổ chức thêm một triển lãm, song song với TLMTTQ, có thể gọi tên triển lãm đó là triển lãm của khách mời với những tác phẩm trưng bày là những tác phẩm do những nhà giám tuyển (curator) lựa chọn giới thiệu từ các nghệ sĩ trên cả nước bởi những người đó có thời gian theo dõi tình hình sáng tác, họ đã là một kênh tuyển chọn ra các tác phẩm mỹ thuật có giá trị. Rồi sau mỗi kỳ triển lãm, các tác phẩm có giá trị (qua hệ thống giải thưởng…) được BTC trưng bày qua các triển lãm lưu động tới các địa phương, đó cũng là một cách truyền bá văn hóa khá hiệu quả.
Gần đây trong các kỳ triển lãm cũng thiếu vắng tên tuổi của những tác giả đã thành danh bởi họ quan tâm tới vấn đề bảo quản, bảo vệ các tác phẩm của họ trong khi cách thức tổ chức hiện nay chưa đáp ứng được các điều kiện về mặt an ninh an toàn đối với tác phẩm.
Và những điều này đến khi triển lãm diễn ra sẽ lộ rõ hơn.
- Như ông nói thì hiện giờ, tình hình sáng tạo mỹ thuật của giới mỹ thuật Việt Nam có phần bình lặng, ít sóng ngầm, còn theo tôi có thể dùng từ khác thay thế như “bão hòa” cho việc sáng tác không?
“Bão hòa” là chỉ ra một thực tế ít ra cũng đủ hoặc dư thừa dẫn đến nhu cầu tiếp nhận không còn cấp thiết nữa, nhưng hiện nay chúng ta chưa ở tình trạng như vậy. Mỹ thuật ở cả phương diện hoạt động sáng tác, tác giả , tác phẩm và nhu cầu hưởng thụ của công chúng vẫn chủ yếu tập trung ở vài thành phố lớn. Bình diện cả xã hội thì vẫn là khoảng trống mỹ thuật rất lớn, quảng đại quần chúng vẫn chưa thụ hưởng được nhiều từ các hoạt động sáng tạo mỹ thuật.
Những tác phẩm có giá trị nghệ thuật phải tập hợp đủ các yếu tố: lịch sử, tính văn hóa, tính độc đáo riêng biệt. Nhiều họa sĩ trẻ hiện nay sớm bị lặp lại mình, “phông” văn hóa cũng như môi trường không tạo được bề dày kinh nghiệm sáng tạo, thời gian thăng hoa ngắn, bị thui chột dần nên nghệ thuật ít tính lâu bền, vì vậy không thể mong họ sẽ phát triển lâu dài.
Bên cạnh đó là từ việc giáo dục trong các trường phổ thông không khích lệ con người ta có nhu cầu tìm hiểu khám phá, sáng tạo, giáo dục rất thụ động, nghĩa là giáo viên giảng dạy kiến thức gì thì học sinh tiếp nhận kiến thức đó. Trong các trường đào tạo mỹ thuật không đào tạo sâu sắc các kiến thức về khoa học xã hội và nhân văn mà chủ yếu đào tạo các kỹ năng, chính vì thế nên với kiến thức và “phông” văn hóa đó không đủ làm hành trang cho các sinh viên sau khi tốt nghiệp ra ngoài xã hội để hoạt động nghề nghiệp một cách chuyên nghiệp. Sinh viên thiếu ý thức tự đào tạo, chọn lọc kiến thức và hướng sáng tác riêng mình. Chính nguyên nhân đó nên có thể thấy hiện nay các họa sĩ trẻ đang bị ảnh hưởng bởi các xu hướng mỹ thuật bên ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Âu Mỹ…
Ngoài ra một phần còn là do lỗi của truyền thông, trên các phương tiện truyền thông không tạo ra được các diễn đàn để vạch ra các ảnh hưởng tiêu cực như thế tới văn hóa. Cũng thiếu sự lên tiếng của các hội đoàn về mỹ thuật, trong khi các hội đoàn có thể định hướng cho sáng tác.
Về phần các nghệ sĩ nổi lên từ những năm 2000 như Đào Anh Khánh, Lê Quảng Hà… vẫn có những sáng tạo. Với Đào Anh Khánh, tôi đang hy vọng anhvẫn sẽ có đột phá nào đó trong tương lai vì anh là một người rất có năng lượng, rất muốn đốt cháy mình trong từng chặng. Còn với Lê Quảng Hà, anh vẫn có những tác phẩm khá đặc sắc nhưng không trưng bày công khai ra ngoài công chúng.
- Liên quan tới thị trường mỹ thuật, ông có thể nói đôi điều về thị trường tranh của Việt Nam?
Từ cách đây hơn 10 năm, vấn đề thị trường tranh đã được đề cập đến nhưng đến giờ thì các hoạt động mua bán tranh vẫn đi theo hướng hoang dã và vẫn chưa có được thị trường tranh đúng nghĩa bởi nhà nước vẫn chưa có các công cụ quản lý, chưa có các chế tài để áp dụng, chưa có đội ngũ giám định giá trị tranh, vấn đề bản quyền, phục chế, bảo quản tranh… bên cạnh đó là nạn sao chép tranh diễn ra phổ biến, làm cho giá trị tranh bị giảm đi. Hoạt động mua bán các tác phẩm mỹ thuật hiện nay chủ yếu vẫn diễn ra tại các gallery, các nhà sưu tập theo hình thức mua bán trực tiếp. Mặc dù nhà nước có một đội ngũ cán bộ quản lý nhưng vẫn thiếu một đội ngũ chuyên gia có chuyên môn về mỹ thuật, kỹ năng quản lý bảo tàng chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế nên khó có khả năng điều tiết thị trường.
Chúng ta đang thiếu một thị trường theo bề rộng, thiếu một lớp mạnh thường quân để đầu tư, lưu giữ các tác phẩm tranh có giá trị nghệ thuật. Ở một vài nước trong khu vực như Malaixia đã có tập đoàn dầu khí Petronas đầu tư cho một số giải thưởng mỹ thuật, họ xây dựng hẳn một trung tâm nghệ thuật tại khu tháp đôi Kuala Lumpur, hoạt động khá hiệu quả. Chúng ta cần học hỏi điều này từ bạn, có như vậy mỹ thuật Việt Nam mới có điều kiện để giữ gìn những gì ta đang có, tạo đà vươn lên trong tương lai.
- Xin cảm ơn ông!
Vân Khánh