(Tổ Quốc) - Công khai sao kê không phải là để chúng ta chê người ủng hộ nhiều, người ủng hộ ít. Một miếng khi đói bằng 1 gói khi no, ủng hộ bao nhiêu là tùy khả năng, tâm sức mỗi người. Chúng ta chỉ lên án những hành động sai trái, ăn bớt tiền ủng hộ, ủng hộ ít mà khoe nhiều.
- 13.09.2024 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: "Cứu dân là ưu tiên cao nhất" với các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ
- 12.09.2024 Ninh Bình: Lệnh khẩn cấp di dân, ứng phó xả lũ sông Hoàng Long
- 12.09.2024 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại Tuyên Quang
- 11.09.2024 Bộ VHTTDL hoãn nhiều hoạt động để tập trung cho công tác phòng chống lụt, bão
Tiếng rằng: Ngày đói tháng đông
Thương người bớt miệng, bớt lòng mà cho
Miếng khi đói, gói khi no
Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng
Cách đây hơn 600 năm, danh nhân Nguyễn Trãi đã có bài thơ như vậy.
Chọn làm người Việt Nam
Mấy ngày qua, sau khi nghe những thông tin tang thương về thiệt hại của đồng bào ở các tỉnh miền núi phía Bắc chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt và sạt lở đất sau cơn bão số 3, đồng bào cả nước đã ủng hộ cả sức người, sức của hướng về miền Bắc. Chúng ta rơi nước mắt khi chứng kiến sức mạnh khủng khiếp của lũ quét, của sạt lở đất, của lụt lội tàn phá các xóm làng, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, nhưng chúng ta cũng xúc động nghẹn ngào bởi những hình ảnh ngời sáng vẻ đẹp của con người Việt Nam.
Từ những chiếc ô tô dìu người đi xe máy trước gió bão trên cầu Nhật Tân, từ những gói bánh mì được hút chân không cẩn thận cùng với nước, sữa của những nhóm thiện nguyện sẵn sàng đến với các tỉnh chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt, cả những người dân Huế thức đêm gói và luộc bánh chưng gửi ra cho đồng bào miền Bắc hay các đoàn thiện nguyện từ TP HCM, Quảng Bình, Phú Yên, Lâm Đồng … sẵn sàng lên đường vì miền Bắc ruột thịt. Thương nhau, đùm bọc nhau khi hoạn nạn, lá lành đùm lá rách, thậm chí lá rách ít đùm lá rách nhiều, đó là phẩm chất tốt đẹp của người dân Việt Nam.
Đó là người đàn ông sẵn sàng dùng thuyền nhỏ lao ra dòng nước để cứu người bị nạn khi sập cầu Phong Châu; đó là người lính mệt nhoài sau những giờ cứu hộ ngồi ăn vội chiếc bánh mì, hay 1 người lính khác nằm mệt mỏi ngả lưng nằm bất động trên chiếc thuyền cứu hộ. Những hy sinh, vất vả không đong đếm được của người lính trong bão lũ vừa qua để cứu giúp người dân. Khi miền Bắc bị lũ lụt thì miền Trung, miền Nam ngay lập tức có những đoàn cứu trợ "hành quân" ra giúp đỡ. Những chuyến xe chở đầy nghĩa tình đồng bào. Trên hành trình từ Nam ra Bắc, những trạm dừng chân là các nhà dân sẵn sàng cung cấp nơi ăn, ngủ miễn phí cho các đoàn.
Tất cả những hành động tưởng như nhỏ bé nhưng lại mang ý nghĩa lớn lao, ấp áp tình người và góp phần lan tỏa sự tử tế trong đời sống có quá nhiều sự ồn ã, xô bồ, vội vã của hiện nay.
Trên khắp mạng xã hội, đây đó vẫn còn một vài câu chuyện "bi hài kịch" nhưng hơn tất cả, vượt lên tất cả, chúng ta có thể gặp rất nhiều câu chuyện đầy xúc động, tự hào và luôn có thể bắt gặp câu nói: "Nếu có kiếp sau tôi vẫn chọn làm người Việt Nam".
Nhìn sao kê để sửa mình
Lần đầu tiên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện sao kê hơn 12.000 trang tập thể, cá nhân ủng hộ đồng bào lũ lụt và công khai đăng tải trên mạng dưới link driver đã tạo cơn chấn động không nhỏ. Qua các trang sao kê, lộ ra người ủng ít nhưng khoe nhiều, cũng có người ăn bớt của tập thể mình đại diện. Nhiều người cho rằng ủng hộ bao nhiêu cũng đáng trân trọng, tuy nhiên việc photoshop thành số tiền lớn hơn để đánh bóng tên tuổi, lừa dối người khác là không nên.
Có người nói Mặt trận Tổ quốc công khai sao kê thì những người gửi ít tiền chạnh lòng. Nhưng thiết nghĩ, không việc gì phải chạnh lòng nếu sự đóng góp là từ cái tâm của mình, từ khả năng của mình.
Và hơn tất cả, nhìn vào trang sao kê, các cháu bé góp phần tiền nhỏ 10 ngàn- 20 ngàn đồng của mình cùng đồng bào chống bão lũ thì cũng đáng trân trọng như người nổi tiếng, nghệ sĩ, doanh nhân đóng góp 400- 500 triệu hay tập thể đóng góp cả tỉ đồng. Bởi mỗi người đều đã đóng góp bằng tâm và sức của mình.
Bảng sao kê càng gây xúc động khi các em nhỏ, không chỉ chuyển những con số mà còn gửi những lời chúc đầy tình cảm đến người dân vùng lũ lụt. "Cháu là học sinh không có tiền, nhưng vì yêu nước và yêu dân tộc nên ủng hộ mọi người ở miền Bắc qua khỏi thiên tai. Mong mọi người bình an ạ"; "Cháu đi học không có nhiều tiền, của ít lòng nhiều quyên góp giúp mọi người ạ"; "Cháu xin góp một phần sức nhỏ của mình cùng Đảng, Nhà nước Việt Nam và mọi người dân chung tay giúp đồng bào ta đang gặp khó khăn trong khoảng thời gian này ạ". Chỉ có thể thốt lên rằng, các cháu đã được dạy rất tốt về sự sẻ chia, về tình người của người Việt.
"Miếng khi đói, gói khi no/Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng"- Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi cách đây 600 năm đã nói như vậy. Và Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng từng chia sẻ: "Ủng hộ bao nhiêu cũng quý giá. Những đồng tiền ủng hộ trong lúc khó khăn vượt qua mệnh giá ngân hàng, đó là mệnh giá của con người". Công khai sao kê không phải là để chúng ta khen- chê người ủng hộ nhiều, người ủng hộ ít. Một miếng khi đói bằng 1 gói khi no, ủng hộ bao nhiêu là tùy khả năng, tâm sức mỗi người. Chúng ta chỉ lên án những hành động sai trái, ăn bớt tiền ủng hộ, ủng hộ ít mà khoe nhiều. Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình, bây giờ, chúng ta có thể nói thêm, nhìn những đứa trẻ để soi mình, cũng là nhìn "sao kê" để soi mình./.