• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sau bão, nông dân khóc ròng vì "vàng trắng"

Thời sự 21/09/2020 20:47

(Tổ Quốc) - Sau nhiều năm gây dựng, những vườn cao su xanh tốt là niềm hy vọng để người dân tại xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển kinh tế, "thoát nghèo bền vững". Thế nhưng sau cơn bão số 5, nhiều hộ dân ngậm ngùi nuốt nước mắt vì rơi vào cảnh nợ nần.

17 năm gây dựng, 15 phút tan hoang

Những ngày này, ông Trần Quyền (60 tuổi, trú tại thôn Lưu Hiền Hòa, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) cứ xách chiếc xe máy cũ kỹ của mình đi thăm vườn cao su của gia đình rồi lại đành ngậm ngùi xách xe trở về. Cách đây ít hôm, cơn bão số 5 càn quét qua khiến vườn cao su của gia đình ông bị quật đổ tan hoang. Chứng kiến vườn cao su được xem là cơ nghiệp của gia đình bị hư hại nhưng không thể làm gì để cứu vãn, ông Quyền không khỏi xót xa.

Sau bão, nông dân khóc ròng vì "vàng trắng" - Ảnh 1.

Ông Quyền xót xa khi chứng kiến vườn cao su gia đình bị hư hại sau bão. Ảnh: Lê Chung

Dẫn chúng tôi đến thăm vườn cao su của gia đình, ông Quyền cho biết, 17 năm trước với mong muốn "thoát nghèo bền vững", gia đình ông vỡ đất khai hoang, đầu tư vào cây cao su. Cây trồng được xem là "vàng trắng" với tương lai đầy hứa hẹn.

Sau nhiều năm gây dựng, đến nay, hai vợ chồng ông Quyền cũng sở hữu trong tay hơn 6,5ha cao su xanh mướt và đang vào thời kỳ thu hoạch. Cây cao su đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông từ 1 đến 1,5 triệu đồng/ngày trong vòng 8 tháng/năm. "Vàng trắng" thực sự đã giúp gia đình ông đổi thay rất nhiều, nhà cửa được sửa chữa khang trang, 5 đứa con đều được cho ăn học đến nơi đến chốn.

Thế rồi cơn bão số 5 càn quét qua, vườn cao su đang trong giai đoạn sung sức nhất để thu hoạch của gia đình bỗng chốc bị quật đổ tan hoang, hư hại gần 80%. Theo quan sát của chúng tôi, tại vườn nhà ông Quyền, hàng nghìn cây cao su đã bị gãy đổ nằm la liệt. Cây thì gãy ngang thân, cây thì bị bật tung gốc. Từng dòng "vàng trắng" túa ra từ những thân cây nứt toác, chảy ròng trên mặt đất như những giọt nước mắt của người nông dân.

Sau bão, nông dân khóc ròng vì "vàng trắng" - Ảnh 2.

Nhiều cây cao su đang thời kỳ cho thu hoạch đã bị bật gốc, gãy đổ. Ảnh: Lê Chung

"Mất 17 năm gây dựng, chăm sóc, vườn cao su của gia đình tôi được xem là đẹp nhất ở vùng này. Vậy mà cả vườn bỗng tan hoang chỉ sau 15 phút cơn bão kéo qua. Trước đây nếu có mưa bão thì cũng chỉ hư hại vài chục cây, nhưng giờ bị hư hại nhiều quá. Số cây bị gãy đổ giờ chỉ có thể cưa bán gỗ tạp chứ không thể nào cứu vãn được gì", ông Quyền xót xa.

Ông Quyền cũng chia sẻ, chưa kể việc từ nay sẽ mất đi nguồn thu nhập hàng ngày thì sau cơn bão số 5 này, ước tính ban đầu gia đình ông thiệt hại từ 500 đến 600 triệu đồng.

Sau bão, đổ nợ vì "vàng trắng"

Nằm ngay cạnh vườn của ông Quyền, vườn cao su của anh Trần Thanh Ngọc (37 tuổi) cũng chịu chung cảnh ngộ. Anh Ngọc cho hay, mình trú tại xã Phong Bình nhưng sang xã Phong Mỹ để lập nghiệp gần 1 năm nay. Gia đình anh tiền vay ngân hàng, đầu tư cả vốn liếng gần 700 triệu đồng để mua lại vườn của người khác, nhưng chưa thu lại được gì thì đã bị bão làm hư hỏng.

"Số cây cao su bị hư hại nếu bán gỗ tạp cũng chỉ được vài chục nghìn/cây. Còn số cây trụ lại được đều nghiêng ngả cả, thêm một trận gió lớn nữa sẽ bật gốc. Chắc cũng cưa bán luôn chứ không để lại làm gì. Vớt vát được chút nào hay chút đó.

Tôi vay tiền ngân hàng, bỏ ruộng lên rẫy với mong muốn làm kinh tế thoát nghèo. Giờ tình hình này chắc phải bỏ rẫy về lại với ruộng", anh Ngọc than thở.

Sau bão, nông dân khóc ròng vì "vàng trắng" - Ảnh 3.

Nhiều hộ dân trồng cây cao su tại xã Phong Mỹ lâm vào nợ nần sau bão.

Được biết tại xã Phong Mỹ không chỉ có trường hợp của ông Quyền, anh Ngọc mà còn có nhiều gia đình đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Nhiều hộ trước đó vay vốn ngân hàng để đầu tư vào cây cao su, nay sau bão bỗng lâm vào cảnh nợ nần.

Theo thống kê, toàn huyện Phong Điền có khoảng 1.700ha cây cao su, sau bão số 5 có hơn 1.000ha diện tích bị gãy đổ thì xã Phong Mỹ thiệt hại đến 700ha. Chỉ riêng số cao su gãy đổ này đã khiến người dân trong xã mỗi năm thất thu khoảng 56 tỷ đồng.

Để giảm bớt thiệt hại, trước mắt người trồng cao su xã Phong Mỹ mong muốn chính quyền các cấp có biện pháp hỗ trợ tận thu mua gỗ cây, tránh để các thương lái chèn ép giá. Về lâu dài, cần có các chính sách ưu đãi đối với người trồng cao su như khoanh nợ, giải ngân vốn để trồng mới hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác.

Ông Trần Quyền trăn trở: "Trồng cây cao su để thu hoạch được phải mất thời gian chăm sóc ít nhất 7 năm, như vợ chồng tôi năm nay đã lớn tuổi nên không thể trồng mới để chờ đến lúc đó được. Tôi mong chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng phù hợp để gia đình khắc phục sau bão".

Ngay sau khi cơn bão số 5 đi qua, ngày 19/9, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đi kiểm tra tình hình cây cao su bị gãy đổ tại xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền).

Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu chính quyền địa phương các cấp tiến hành nghiên cứu các phương án hỗ trợ, tìm kiếm nguồn tiêu thụ, thu hoạch diện tích cây cao su bị gãy đổ để giải quyết những khó khăn trước mắt cho người dân.

Đồng thời, tiến hành thống kê chi tiết các diện tích bị gãy đổ, thiệt hại để có những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ cho người dân xã Phong Mỹ trong giai đoạn khó khăn này./.

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ