(Tổ Quốc) - Từ 6h ngày 21/9, Hà Nội chính thức bỏ giãn cách xã hội sau 60 ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, nhiều hoạt động được mở trở lại, cuộc sống của người dân trên địa bàn gần tiến đến giai đoạn "bình thường mới".
Mỗi người dân không được chủ quan
Theo ghi nhận, ở thời điểm trước khi kết thúc giãn cách xã hội, trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn ghi nhận các ca mắc COVID-19 cộng đồng mới ở quận Long Biên, Hoàng Mai.
Chính vì vậy, vào thời điển hiện nay, bên cạnh với đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không chủ quan, lơ là thì Hà Nội cũng đang thực hiện đồng thời một số giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ dịch bệnh lây lan.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, dù Thành phố đã dần đưa nhịp sống "bình thường mới" trở lại để phục hồi kinh tế nhưng trên hết, mỗi người dân không được chủ quan, dịch vẫn có thể bùng phát bất kỳ khi nào.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, tại Hà Nội, mặc dù vắc xin đã bao phủ số lượng lớn người dân, tuy nhiên, còn nhiều người chưa được tiêm như trẻ em, một số người không thể tiêm được.
Vì vậy, dù đã được tiêm 1 mũi hay 2 mũi thì người dân vẫn nên tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, bởi ngay cả khi được tiêm đủ liều cũng không thể bảo vệ 100%.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Huy Nga nêu quan điểm, việc nới lỏng giãn cách là điều kiện cần thiết để chúng ta quay lại cuộc sống bình thường, trong trạng thái mới. Trong trạng thái vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, mỗi cá nhân, tập thể đều phải làm tốt các biện pháp phòng, chống dịch.
Trong đó, phải nghiêm túc thực hiện 5K, nhất là ở những nơi có mật độ dân tập trung cao, đi lại đông, lao động sản xuất, cửa hàng, cửa hiệu, những nơi xếp hàng mua sắm... đều có thể bùng, phát dịch.
Nhanh chóng tiêm vét cho các đối tượng trên 65 tuổi, bệnh nền mãn tính
Nói về vấn đề này, ông Bùi Văn Xuyền - Nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa 13 và 14) cho rằng, để "sống chung với dịch" cần có các biện pháp mới thay thế cách làm cũ.
"Việc chống dịch theo phương châm làm sạch toàn thành phố để không có dịch như trước đây là không thể và chắc chắn không làm được. Do đó, muốn sống chung với dịch thì cần khẩn trương tiêm vắc xin, phủ vắc xin để đạt tỉ lệ nhất định cho người dân. Thêm nữa, phải phát triển điều trị đối với F0 như tìm thuốc chữa, nâng cao năng lực của đội ngũ y tế nhằm hạn chế tổn thất về người" - ông Bùi Văn Xuyền nêu quan điểm.
Còn theo quan điểm của bác sĩ Trương Hữu Khanh – chuyên gia truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM, việc phải làm của Hà Nội sau khi nới lỏng các biện pháp giãn cách đó là cần nhanh chóng tiêm vét hết cho các đối tượng có nguy cơ như trên 65 tuổi, mắc bệnh nền mãn tính để bảo vệ họ, giảm nguy cơ trở nặng nếu không may nhiễm COVID-19. Với người lao động đã được tiêm vắc xin vẫn cần đảm bảo nguyên tắc 5K.
Bác sĩ Khanh cho rằng, người dân cần tập thích nghi dần với các biện pháp giãn cách được nới lỏng. Ngoài ra, cần tránh các tâm trạng qua lo lắng dẫn đến những hành động tiêu cực trong phòng, chống dịch.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, muốn 'sống chung với COVID-19' thì phải hiểu đường lây của nó để phòng tốt hơn.
"Virus lây qua những giọt bắn li ti được giải phóng khi F0 ho, nói chuyện. Một số ít giọt bắn nhỏ sẽ lơ lửng trong không khí ít lâu. Ví dụ như bạn đi vào nhà vệ sinh, nhỏ hẹp, không khẩu trang có thể bị lây nhiễm nếu như có F0 vừa ho trong đó. Nếu đi vào một hành lang kín, một căn phòng kín mà F0 vừa đi qua hay đang ở bên trong, những giọt bắn li ti từ F0 ho ra còn trong không khí thì có thể bị nhiễm bệnh từ đây. Để giải quyết nguy cơ này thì thực hiện tốt 5K hoàn toàn đảm bảo" - bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.