(Tổ Quốc) - Sau cú sập hơn 1.000 điểm trong phiên giao dịch 24/2, Dow Jones Futures và các chỉ số chứng khoán tương lai của Mỹ đã tìm lại được sắc xanh trong những giờ giao dịch đầu tiên.
Tính tới 9h10 sáng 25/2 theo giờ Hà Nội, Dow Jones Futures ghi nhận mức tăng 223 điểm, tương đương 0,8% lên 28.191 điểm. Có lúc, Dow Jones Futures tăng tới 250 điểm. S&P 500 và Nasdaq Futures cũng tăng lần lượt là 27,13 (tương đương 0,83%) và 102,75 điểm (tương đương 1,14%).
Cú tăng của chứng khoán tương lai Mỹ giúp các nhà đầu tư giảm bớt áp lực sau khi chứng khoán Mỹ có cú sập tồi tệ nhất trong 2 năm vì lo sợ tác động của virus corona lây lan ngoài Trung Quốc. Cổ phiếu của Hãng hàng không United Airlines và Mastercard – công ty phát hành thẻ thanh toán quốc tế, là những nạn nhân lớn nhất của cú sập ngày 24/2.
Các nhà đầu tư nhanh chóng tháo chạy khỏi thị trường khi virus lây lan làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Dow Jones giảm hơn 1.000 điểm, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2/2018. S&P 500 cũng mất 3,3% giá trị, mức giảm tồi tệ nhất mà người ta không nhìn thấy suốt 2 năm qua. Toàn bộ thành quả từ đầu năm 2020 đến nay của Dow Jones và S&P 500 đều đã bị thổi bay trong phiên giao dịch ngày 24/2.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư Mỹ có vẻ đã bình tĩnh trở lại. Hiện tại, chỉ số chứng khoán tương lai Mỹ tăng trong bối cảnh tình hình virus corona trên toàn cầu chưa có dấu hiệu được kiểm soát. Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo virus lên cao nhất với số lượng tăng đột biến các ca nhiễm với 893 trường hợp. Italy là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của virus corona ngoài châu Á với hơn 130 ca nhiễm bệnh được ghi nhận và 7 trường hợp tử vong. Iran thì cho biết họ xác nhận 12 ca tử vong vì cúm.
Hiện tại, tâm lý của các nhà đầu tư trên khắp thế giới phụ thuộc khá nhiều vào các con số phát hiện nhiễm cúm corona mới ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Italy. Ryan Detrick, chiến lược gia thị trường cao cấp của LPL Financial, cho biết, số ca nhiễm bệnh tăng mạnh trong ngày cuối tuần khiến nhiều quốc gia buộc phải đánh giá lại tăng trưởng ước tính năm 2020. Đa phần các bên đều hạ triển vọng tăng trưởng.
Tuy nhiên, không phải tất cả tín hiệu đều là bi quan. Nhìn vào lịch sử, chứng khoán thường có xu hướng hồi trở lại sau cú sập mạnh. Năm 2009, S&P 500 đã tăng trung bình 1% vào ngày giao dịch ngay sau những cú sập lớn.
Trong diễn biến mới nhất, Ủy ban Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc thông báo 508 ca nhiễm bệnh mới và 71 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm bệnh và tử vong ở Trung Quốc đang giảm mạnh, dấu hiệu cho thấy dịch bệnh dường như đang dần nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.
Tham khảo: CNBC