• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sau mưa bão, đề phòng dịch bệnh

Sức khỏe 22/07/2017 14:08

(Tổ Quốc) -Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa ban hành văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường phòng chống dịch bệnh sau mưa bão. Trong khi đó, tình hình thời tiết vẫn tiếp tục có những diễn biến bất lợi.

Lũ rút tới đâu vệ sinh tới đó

Theo đó, Cục Y tế dự phòng yêu cầu các đơn vị chủ động triển khai các phương án ứng phó về y tế, công tác phòng chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường trong và sau lũ lụt.

Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ngập lụt triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác động vật chết, nước lũ rút tới đâu vệ sinh môi trường tới đó, phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ…

 Ngăn chặn ổ dịch từ những vùng ngập lụt sau lũ. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn

Tổ chức giám sát, xử lý triệt để các ổ bệnh xảy ra sau lũ và ngập lụt như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm họng, nấm kẽ chân, sốt xuất huyết…

Chủ động cấp hóa chất khử khuẩn tại các vùng ngập lụt, tăng cường giám sát chất lượng nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt tại các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung, đảm bảo nồng độ Clo tại vòi sử dụng, đảm bảo người dân có nước sạch an toàn để sử dụng.

Bố trí đủ nhân lực, thuốc hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm cho các địa phương trong vùng lũ và ngập lụt.

Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập úng ở vùng trũng thấp ven sông

Trong khi đó, một áp thấp nhiệt đới lại đang hình thành ngoài khơi Philippines, cơ quan khí tượng Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ áp thấp này.

Về diễn biến lũ tại các tỉnh phía Bắc, 6 giờ sáng nay, 22/7 thủy điện Hòa Bình đã mở thêm cửa thứ 3 xả lũ về hạ du.

Vì vậy, các địa phương vùng hạ du tăng cường thông tin đến người dân, sẵn sàng phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng người dân và các công trình ngoài bãi, ven sông, giao thông đường thủy; tổ chức các đoàn kiểm tra và ứng trực tại các điểm xung yếu sẵn sàng “xử lý giờ đầu” khi sự cố xảy ra.

 Thủy điện Hòa Bình xả lũ. Ảnh: Nam Nguyễn.

Hiện mực nước trên sông Thao tại Lào Cai đang biến đổi chậm, tại Yên Bái và Phú Thọ đang lên chậm; trên sông Hồng tại Hà Nội đang lên nhanh; trên sông Chảy tại Bảo Yên đang xuống chậm.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái sẽ đạt đỉnh và xuống: trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên; trên sông Chảy tại Bảo Yên tiếp tục xuống.

Sáng 22/7, mực nước sông Thao tại Yên Bái sẽ duy trì ở mức đỉnh lũ 32,0m (BĐ3), sau đó xuống mức 31,70m (trên BĐ2: 0,70m); tại Lào Cai sẽ xuống mức 80,30m (trên BĐ1: 0,3m); tại Phú Thọ lên mức: 17,50 (mức BĐ1) vào chiều tối ngày 22/7. Sông Hồng tại Hà Nội lên mức: 7,20m (dưới BĐ1: 2,3m)

Trung tâm tiếp tục cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập úng ở vùng trũng thấp ven sông thuộc tỉnh Yên Bái (đặc biệt tại thành phố Yên Bái), Phú Thọ (đặc biệt trên địa phận huyện Hạ Hòa, Thanh Ba, thị xã Phú Thọ).

Lũ quét trên các sông suối nhỏ và sạt lở đất có khả năng xảy ra tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các huyện: Lào Cai (nguy cơ cao): Mường Khương, Bảo Yên, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai, Bảo Thắng, Văn Bàn; TP Lào Cai, Sa Pa;

Yên Bái (nguy cơ đặc biệt cao): Yên Bình, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên, Văn Chấn, Mù Căng Chải.

Lai Châu (nguy cơ cao): Tân Uyên, Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè, Tam Đường, Than Uyên, TP Lai Châu, Nậm Nhùn; Sơn La (nguy cơ cao): Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Sông Mã, Sốp Cộp, Mường La, TP Sơn La, Mai Sơn, Bắc Yên, Yên Châu, Vân Hồ; Hà Giang (nguy cơ cao): Hoàng Su Phì, Xín Mần, TP Hà Giang, Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang; Điện Biên (nguy cơ cao):  Mường Nhé, Mường Lay, Tủa Chùa, Mường Chà, Tuần Giáo, Điện Biên, Điện Biên Đông; Tuyên Quang (nguy cơ cao):  Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên;

Thái Tùng

NỔI BẬT TRANG CHỦ