(Tổ Quốc) - Sau hai lần bị từ chối cấp visa vì không đủ điều kiện, Phạm Huy – cậu học sinh nghèo quê Quảng Trị đã có cơ hội đến Mỹ tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật Quốc tế sau lần phỏng vấn thứ 3.
Trưa 13/5, gia đình em Phạm Huy, học sinh lớp 11 của Trường THPT TX. Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) vui mừng thông báo, Huy đã được đại sứ quán Mỹ đồng ý cấp visa để sang Mỹ tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật Quốc tế vào giữa tháng 5 này.
Trước đó, như Báo điện tử Tổ Quốc đã phản ánh, em Phạm Huy hiện là chủ nhân của sản phẩm sáng tạo cánh tay robot giá rẻ. Trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia khu vực phía Bắc do Bộ GD&ĐT tổ chức vừa qua, sản phẩm cánh tay robot của Phạm Huy đã giành được giải nhất.
Bộ GD&ĐT sau đó đã quyết định cử Huy sang Mỹ tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật Quốc tế vào giữa tháng 5/2017. Tuy nhiên sau hai lần phỏng vấn, Huy đều bị từ chối cấp visa vì không đủ điều kiện. Điều này khiến cơ hội tham dự cuộc thi quốc tế của cậu học sinh người Quảng Trị có nguy cơ bị bỏ lỡ.
Phạm Huy và sản phẩm sáng tạo cánh tay robot giá rẻ cho người khuyết tật của mình. |
Sau khi báo chí vào cuộc đưa tin phản ánh, chiều 12/5, Phạm Huy bất ngờ nhận được cuộc gọi phỏng vấn lần ba theo lời mời từ đại sứ Mỹ. Ngay trong ngày, bố con Phạm Huy đã tức tốc chuẩn bị hành lý, lên xe ra Hà Nội để tham dự cuộc phỏng vấn này.
Đến Hà Nội, bố con Huy nhận được sự chào đón và giúp đỡ của Hội đồng hương Quảng Trị tại đây. Mọi người đã giúp đưa Huy đến đại sứ quán Mỹ để phỏng vấn. Được biết, dù hôm nay là ngày nghỉ nhưng đại sứ quán Mỹ vẫn làm việc chỉ để cấp visa cho Huy. Buổi phỏng vấn đã diễn ra tốt đẹp và 22h tối cùng ngày, Huy sẽ lên máy để đi Mỹ.
Huy sẽ đến Mỹ sau đoàn dự thi của Bộ GD&ĐT một ngày, nhưng theo kế hoạch, Bộ sẽ ở cử người ở lại sân bay để đón em. Chuyến đi lần này, Huy sẽ đi một mình mà không có thầy giáo hướng dẫn đi cùng.
Được biết, Phạm Huy là học sinh ham học hỏi. Gia đình em cũng bình thường, mẹ đang bán quần áo ở chợ TX. Quảng Trị, còn ba thì làm nghề sửa chữa xe máy ở quê.
Sản phẩm cánh tay robot giá rẻ dành cho người khuyết tật đã được em ấp ủ từ năm học lớp 9. Đến năm lớp 10 em bắt đầu mày mò chế tạo với mong muốn giúp đỡ những nạn nhân bom mìn. Sản phẩm được điều khiển bằng vi mạch ở ngón chân đã được đánh giá rất cao trong cuộc thi quốc gia vừa qua.
Thế Trung