• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sáu vấn đề tiếp tục xin ý kiến của dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi)

Thời sự 03/05/2019 07:12

(Tổ Quốc) - Chính phủ đang sửa đổi toàn diện Bộ Luật Lao động năm 2012 nhằm bảo đảm hơn quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động và các bên liên quan, tuân thủ các quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Sáu vấn đề tiếp tục xin ý kiến của dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi)  - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi họp. Ảnh: Thành Chung

Chiều 2/5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, các Bộ, ngành đã họp, cho ý kiến về việc sửa đổi Bộ Luật Lao động năm 2012.

Tham dự có Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh.

Theo Nghị quyết số 57/2018/QH14, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) vào Kỳ họp thứ 7 và thông qua dự án này vào Kỳ họp thứ 8.

Lãnh đạo các bộ, ngành đều khẳng định việc sửa đổi Bộ Luật Lao động và cần thiết và phù hợp khi phải bổ sung, sửa đổi tới 171 Điều trong tất cả các chương, để thiết kế Bộ Luật Lao động mới, giảm 21 điều so với Bộ Luật hiện hành.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, Bộ Luật Lao động hiện hành có nhiều bất cập, vướng mắc về hợp đồng lao động, tiền lương, thời gian làm việc, kỷ luật lao động, lao động nữ, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam,... Bên cạnh đó, khoảng thời gian soạn thảo Bộ Luật Lao động 2012 trùng với thời gian soạn thảo Hiến pháp năm 2013 nên có nhiều nội dung mà Bộ Luật Lao động chưa thể hiện hết các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Sáu vấn đề tiếp tục xin ý kiến của dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi)  - Ảnh 2.

Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) vào Kỳ họp thứ 7 và thông qua dự án này vào Kỳ họp thứ 8. Ảnh: Thành Chung

Ngoài ra, Việt Nam tham gia vào một loạt các Hiệp định thương mại tự do khu vực và toàn cầu với các yêu cầu nghĩa vụ chấp hành các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của người lao động theo Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế.

Do đó, từ năm 2013, Chính phủ đã có nhiều kiến nghị gửi tới Quốc hội về các vướng mắc trong quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ Luật Lao động.

Trước đòi hỏi từ thực tiễn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 379/2017/UBTVQH14 ngày 4/5/2017 về điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2017 đã quyết định sửa đổi toàn diện Bộ Luật Lao động 2012.

Tới nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi), xin ý kiến nhân dân, các bộ, ngành và chuyên gia để trình Quốc hội. Ông Doãn Mậu Diệp cho biết còn 6 vấn đề trong dự án này cần tiếp tục thảo luận sâu sắc hơn.

Thứ nhất là mở rộng khung thoả thuận về làm thêm giờ tối đa. Sau khi tham khảo kinh nghiệm của các nước và nhu cầu của người lao động, chủ doanh nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất mở rộng khung thoả thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt từ 300 giờ/năm (theo Bộ Luật hiện hành) lên 400 giờ/năm (nếu được người lao động đồng ý, chủ doanh nghiệp trả lương đãi ngộ làm thêm giờ luỹ tiến, cao nhất tới 300% so với ngày thường và một số điều kiện bảo đảm sức khoẻ cho người lao động).

Thứ hai là điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ LĐTB&XH trình 2 phương án. Phương án 1 là từ 1/1/2021, tăng tuổi nghỉ hưu thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2 là từ 1/1/2021 tăng tuổi nghỉ hưu thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi.

Bộ LĐTB&XH cho biết mục tiêu chung là tiến tới quy định tuổi nghỉ hưu nam- nữ bằng nhau nhưng trước mắt là lộ trình thu hẹp tuổi hưu nam nữ để tránh tác động tiêu cực khi điều chỉnh quá nhiều tuổi nghỉ hưu. Ngoài ra lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần tránh gây sốc cho thị trường lao động, tác động tốt tới tâm lý xã hội của người lao động và doanh nghiệp.

Thứ ba, về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở để bảo đảm tuân thủ các quy định của quốc tế, Dự thảo có 3 Điều quy định 3 nội dung lớn về quyền của người lao động trong thành lập, gia nhập tổ chức đại diện; điều kiện với Ban lãnh đạo và người đứng đầu tổ chức và tôn chỉ, mục đích, điều lệ của tổ chức. Chính phủ sẽ hướng dẫn cụ thể các nội dung trên bằng Nghị định.

Thứ tư, về thời gian nghỉ Tết âm lịch, ngoài phương án giữ nguyên như hiện hành (nghỉ 5 ngày, nếu ngày nghỉ Tết trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào tuần kế tiếp), Bộ LĐTB&XH bổ sung phương án nữa là nghỉ 5 ngày, nếu trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động không được nghỉ bù.

Sáu vấn đề tiếp tục xin ý kiến của dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi)  - Ảnh 3.

Ảnh: Thành Chung

Thứ năm, Bộ LĐTB&XH đề nghị bổ sung 1 ngày nghỉ lễ là Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7 Dương lịch) để nhân dân, người lao động dành thời gian tham gia, tổ chức các hoạt động thiết thực tri ân các anh hùng, liệt sỹ và thân nhân.

Cuối cùng, Bộ LĐTB&XH đề nghị bổ sung vào Bộ Luật Lao động giao Chính phủ quy định thống nhất thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước. Thời gian làm việc dự kiến là 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ các bộ phận đặc biệt liên quan tới liên thông công việc và tiếp dân).

Tại buổi họp, hầu hết các bộ, ngành đều đồng tình với các nội dung sửa đổi của dự án Bộ Luật và ủng hộ cách thức đặt vấn đề khác nhau, có "độ mở" về thông tin và phương án lựa chọn đối với các nội dung cần xin ý kiến Quốc hội và nhân dân của Bộ LĐTB&XH.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ LĐTB&XH tổng hợp đầy đủ các ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để bổ sung vào dự thảo, đồng thời tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, nhất là người lao động, các chuyên gia, nhà khoa học về các nội dung của Bộ luật mới.

Trong đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ LĐTB&XH có lập luận và lý giải rõ hơn về yêu cầu và tính phù hợp của khoảng cách tuổi hưu của nam và nữ theo phương án đã nêu đối với thị trường và tâm lý của xã hội; về cơ chế lương luỹ tiến đối với trường hợp làm thêm giờ; nghiên cứu, bổ sung phạm vi điều chỉnh của dự án về cơ chế giải quyết tranh chấp lao động,...

Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết Bộ này sẽ tiếp tục nhận góp ý của xã hội đối với dự thảo ngay cả khi hết hiệu lực xin ý kiến theo quy định của pháp luật và sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan của Quốc hội trong soạn thảo, thẩm tra dự án Bộ Luật.

Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh đánh giá cao quá trình soạn thảo của Chính phủ và cho biết Uỷ ban sẽ nhóm họp và cho ý kiến thẩm tra đối với dự án vào đầu tháng này để bảo đảm các nội dung liên quan, trình ra Quốc hội.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ