• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sau vụ mất 9 tỷ, chuyên gia ngân hàng “mách” khách cách giao dịch an toàn

Thời sự 29/03/2017 13:11

(Tổ Quốc) -Chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo khách hàng không nên ủy thác, ủy quyền cho người thứ ba giao dịch với ngân hàng, cũng như không gọi nhân viên ngân hàng đến tư gia để rút tiền, nộp tiền vì đây là cách làm không an toàn.

Việc khách hàng báo mất tiền tỷ trong tài khoản ngân hàng do nhân viên vi phạm các quy trình, thủ tục không còn là hiếm. Hai ngày trước đây, báo Vnexpress đưa tin, khách hàng Nguyễn Thị Bạch Mai (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) có đơn khiếu nại tới Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) liên quan tới khoản tiền gần 9 tỷ đồng của bà gửi tại Phòng giao dịch số 14 của ngân hàng này đã bị rút mà chủ tài khoản không hề có thực hiện giao dịch nào.

Ảnh minh họa   (Nguồn: Internet)

Trong đơn khiếu nại, bà Nguyễn Bạch Mai cho biết từ năm 2012 đến 6/1/2016, bà đã gửi tại Phòng giao dịch số 14, chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng NCB khoản tiền cả gốc và lãi gần 9 tỷ đồng. Ban đầu khoản tiền này được gửi dưới hình thức sổ tiết kiệm, nhưng sau một thời gian gửi tại đây nhân viên ngân hàng, mà trực tiếp là bà Nguyễn Thị Thu Hà - nguyên Trưởng phòng giao dịch tư vấn, nên bà đã chuyển sang hình thức gửi bảo lãnh ngân hàng dành cho khách VIP với mức lãi suất 13% một năm.

Tuy nhiên, tới tháng 1/2017, bà Mai tới phòng giao dịch số 14 thì được nhân viên thông báo toàn bộ số tiền đã bị rút hết. Điều đáng nói, trong đơn phúc đáp gửi bà Mai sau khi nhận được khiếu nại , NCB cho biết, các chứng từ giao dịch như bảng kê tiền gửi có đóng dấu ngân hàng giữa bà Mai và bà Hà là các chứng từ không có trong sản phẩm và mẫu biểu của NCB.

“Việc đóng dấu này được thực hiện khi kiểm soát viên đi ra ngoài và bàn giao con dấu lại cho trưởng đơn vị”, đại diện NCB cho biết.

Phía ngân hàng nhận thấy bảng kê tiền gửi do bà Hà cung cấp thiếu một số thông tin như: mã số khách hàng, số CMT, địa chỉ, không có người thu tiền, người nộp tiền, người lập biểu… Ngoài ra, tại thời điểm bà Hà lập bảng kê tiền gửi, NCB không có sản phẩm bảo lãnh này cũng như bất cứ sản phẩm huy động nào có mức lãi suất 13% một năm như thể hiện trên bảng kê.

Qua kiểm tra, ngân hàng cho rằng bà Hà đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình ký, đóng dấu trên các tờ bảng kê tiền gửi. Giấy này do bà Hà tự lập ra, không thuộc mẫu biểu, chứng chỉ do ngân hàng cung cấp, không tuân thủ theo mẫu quy định của ngân hàng. “Các quy định, quy trình, biểu mẫu sản phẩm của NCB đều không có mẫu biểu này”, phía ngân hàng khẳng định.

Chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc về sự việc này, chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng - nên phân định rõ ràng trách nhiệm thuộc về ai? Ngân hàng đã làm đúng theo quy trình và tài khoản đã được tất toán thì trách nhiệm không còn là của ngân hàng nữa, và nếu sự việc xảy ra là do trách nhiệm cá nhân của khách hàng khi giao dịch với cán bộ nhân viên của ngân hàng.

Về con dấu, từ trước tới nay chúng ta luôn nghĩ sử dụng con dấu là an toàn, nhưng thực tế đã từng xảy ra những “khoảng trống” trong sử dụng con dấu của ngân hàng.

“Theo tôi, trong tương lai, ngành ngân hàng cần phải xem xét lại có nên sử dụng con dấu hay không?

Ở Mỹ, ngành ngân hàng không sử dụng con dấu. Những công văn, giấy tờ giao dịch gửi đi đều chỉ có  “letter head – biểu mẫu” bao gồm tên ngân hàng, địa chỉ và số điện thoại, và người phụ trách thông báo rồi ký tên chứ họ không sử dụng con dấu.

Việc này tuy trông không an toàn nhưng lại rất an toàn vì thường có hai người cùng ký tên. Ngoài ra, khách hàng thường gọi thẳng đến ngân hàng xác minh những thông báo của ngân hàng cho họ. Vì vậy, vấn đề giả mạo ở Mỹ là rất hiếm khi xảy ra.

“Trong khi ở Việt Nam chúng ta sử dụng con dấu, tưởng an toàn nhưng lại không an toàn vì con dấu có thể bị đánh cắp, bị làm giả. Ngoài ra, nhân viên có thể lợi dụng “khoảng trống” của con dấu để sử dụng cho mục đích của họ”, ông Hiếu cho hay.

Ngoài ra, để an toàn, ông Hiếu khuyến cáo: “Khách hàng không nên ủy thác, ủy quyền cho người thứ ba giao dịch với ngân hàng. Nếu khách hàng muốn giao dịch với ngân hàng đóng khoản tiền nào đó thì nên đến chi nhánh, phòng giao dịch, hội sở để trực tiếp làm việc với nhân viên của ngân hàng trong giờ hành chính. Còn việc gọi nhân viên ngân hàng đến tư gia để rút tiền, nộp tiền là cách làm không an toàn. Rõ ràng, đã từng xảy ra trong quá khứ nhiều trương hợp cán bộ ngân hàng lợi dụng điều này để chiếm đoạt tiền của khách hàng”.

Ngân hàng phải đào tạo nhân viên về văn hóa doanh nghiệp

Trong sự việc bà Nguyễn Thị Bạch Mai khiếu nại mất 9 tỷ đồng, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định, cần chờ kết luận của cơ quan điều tra xem giao dịch giữa cán bộ ngân hàng và khách hàng như thế nào: ai đưa tiền cho ai? Ai nhận tiền? Ai nắm giữ số tiền đó?

Còn về phía ngân hàng, họ đã làm đúng theo quy trình và tài khoản đã được tất toán thì trách nhiệm không còn là của ngân hàng nữa.

Về phía khách hàng, ông Hiếu cho rằng: “Nếu một người bình thường sẽ đặt ra câu hỏi “Tại sao lại có mức lãi suất quá “ngon” như vậy, tận 13% trong khi các ngân hàng khác chỉ trả lãi 6%-7%/năm?”.

“Tôi muốn nói, vấn đề ở đây là chúng ta nên cẩn trọng khi có những hứa hẹn  về mức lãi suất cao ngất ngưởng như vậy. Đây cũng là bài học rút ra cho các khách hàng trước khi có những quyết định đối với tài sản của mình”, ông Hiếu chia sẻ.

Và để giảm rủi ro cho khách hàng, vị chuyên gia này khuyến cáo các ngân hàng nên huấn luyện nhân viên làm đúng theo quy trình.

Ngoài ra, cần hạn chế giao dịch với khách hàng tại các địa điểm ngoài ngân hàng, đồng thời tăng cường những quy định nội bộ về đạo đức nghề nghiệp. Hầu như mọi ngân hàng đều có quy chế về đạo đức nghề nghiệp, nhưng việc huấn luyện để nhân viên thực hiện những quy chế đó còn rất hạn chế. Vì thế, cần huấn luyện nhân viên để họ hiểu hơn nữa về đạo đức hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Cùng chung quan điểm trên, chuyên gia tài chính – ngân hàng Cấn Văn Lực cũng chia sẻ, các ngân hàng đa số đều quản lý rất chặt chẽ, cẩn trọng về con dấu, về chữ ký…Ngoài ra, ngân hàng cũng có những đào tạo về văn hóa doanh nghiệp, rủi ro đạo đức và đặc biệt có những cơ chế, chế tài rất nghiêm khắc.

“Còn việc cán bộ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tôi cho rằng trong cuộc sống và công việc luôn có người này, người kia mình không thể kiểm soát được. Về phía khách hàng, tôi cho rằng luôn phải cẩn thận. Nếu thấy nhân viên ngân hàng đưa ra mức lãi suất cao quá, rồi chào mời mình với hình thức ăn chia thì phải càng phải cẩn thận. Vụ việc mất 9 tỷ đồng chính là bài học để mọi khách hàng rút kinh nghiệm trong giao dịch gửi tiền”./.

Hà Giang

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ