• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Say” với rượu chảy ra từ cây ở miền núi Thừa Thiên – Huế

Văn hoá 27/05/2017 08:49

(Tổ Quốc) - Đối với đồng bào dân tộc Tà Ôi sinh sống ở khuc vực huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế), rượu đoác không chỉ là một loại đồ uống đơn thuần. Đó còn là một nét văn hóa mang đậm bản sắc vùng miền nơi đây.

Vượt gần 70km theo con đường 49, chúng tôi ngược lên vùng rẻo cao huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Nơi đây hiện vẫn còn lưu truyền một loại rượu độc đáo hoàn toàn từ thiên nhiên của đồng bào dân tộc người Tà Ôi.

Với nhiều nét kỳ lạ, người dân nơi này vẫn quen gọi loại đồ uống này với cái tên đầy dân dã: “rượu trời”.

Lên A Lưới uống... “rượu trời”

Nghe tiếng về “rượu trời” vùng núi A Lưới đã lâu, nhưng đến nay chúng tôi mới có dịp đến đây để tìm hiểu kỹ. “Rượu trời” có tên chính xác là rượu đoác hay là rượu Tà Vạt, đây là một loại đồ uống có từ lâu đời được đồng bào người Tà Ôi  phát hiện từ thiên nhiên và gìn giữ từ nhiều đời nay.

Rượu đoác có màu sữa trắng đục, vị ngọt nhưng cũng có một chút đắng chát thanh thanh nơi đầu lưỡi.

Theo chỉ dẫn của nhiều người, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Hồ Nhật Tân (thôn Pơ Nghi 1, xã A Ngo, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế),  một người am hiểu khá rõ về loại rượu độc đáo này. Nghe có người muốn tìm hiểu về loại rượu đặc biệt của địa phương mình, ông Tân niềm nở: “Muốn tìm hiểu về rượu đoác, mời các anh vào nhà cùng thưởng thức vài ngụm. Có uống thử vài ngụm thì mới biết, mới viết bài về rượu Đoác được”.

Mang những chai thủy tinh chứa đầy rượu có màu trắng đục như sữa, ông Tân rót đầy cốc mời chúng tôi rồi làm một hơi ngon lành. Trong men nồng dịu nhẹ, có thể cảm nhận được rượu đoác có vị ngọt ngọt, mân mê nhưng cũng có một chút đắng chát thanh thanh nơi đầu lưỡi.

Theo ông Tân, thường chỉ có khách quý đến nhà mới được người dân thiết đãi loại rượu quý này.

Nghệ nhân Hồ Nhật Tân say sưa kể: “Người Tà Ôi không biết rượu đoác có từ bao giờ, chỉ biết là có từ rất lâu lắm rồi và được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Những cụ lớn tuổi thường kể lại rằng, khi xưa có nhóm thợ săn bị lạc trong rừng suốt mấy ngày liền mà không có thức ăn,  nước uống. Khi đã kiệt sức, ngồi nghỉ bên một cây rừng thì bắt gặp dòng nước từ thân cây chảy ra. Họ liền chặt ngọn, lấy nước uống thì thấy vị ngon lành.

Nhờ nguồn nước ấy mà nhóm thợ săn thoát chết, sau thì nhớ rồi đặt tên cho cây là cây đoác. Về sau, người Tà Ôi vào rừng lấy nước cây đoác về để làm rượu. Để tiện khai thác, nhiều nhà còn mang giống cây đoác về trồng ở quanh nhà. Rượu đoác dần trở thành một loại đồ uống quen thuộc, đặc trưng của người dân Tà Ôi vùng A Lưới”.

Nghệ nhân Hồ Nhật Tân hướng dẫn cách lấy rượu từ thân cây đoác.

Rượu chiết từ thân cây, lên men bằng vỏ cây

Để khai thác, chế biến rượu đoác sao cho ngon và hợp khẩu vị của từng người cũng trải qua nhiều công đoạn và cần có những hiểu biết cơ bản. Như gia đình ông Tân ngót nghét cũng đã qua 5 đời biết làm loại rượu này.

Để có những can rượu ngon, người dân phải băng rừng lội suối vào rừng tìm những cây đoác có thân to lớn. Ở trên thân cây dùng dao sắc đục một lỗ rồi chọc ống tre lồ ô vào để dòng nhựa cây chảy ra và hứng vào can.

“Nếu nhựa cây ít có thể dùng ớt cay hoặc lá môn giã mịn bịt vào phần ngọn cây bị đục để “kích thích” cây cho nhiều nhựa”, nghệ nhân Tân cho hay.

Thông thường cây đoác 4-5 năm tuổi đã có thể cho rượu, tùy theo thời tiết mà số lượng rượu nhiều hay ít. Nếu nhiều thì mỗi ngày có thể hứng đến 5 lít và 3 đến 4 tháng sau mới hết. Sau khi lấy hết nước từ thân, cây đoác nghỉ vài tháng thì có thể cho rượu trở lại.

Để làm nên rượu đoác, chất men xúc tác là một yếu tố không thể thiếu. Khác với các loại rượu thường thấy, men rượu đoác được làm từ vỏ cây chuồn lấy ở giữa đại ngàn Trường Sơn. Vỏ cây chuồn được bỏ sẵn vào can trong quá trình hứng rượu, tùy vào phần nhựa cây đoác hứng được và cách cho vỏ cây chuồn vào ủ như thế nào mà độ ngon của rượu cũng khác nhau.

Ông Tân chia sẻ: “Vỏ tước từ thân cây chuồn ra từng miếng một, dài ngắn tùy theo người lấy. Sau khi lấy xong phải đem phơi ngay, nếu không vỏ chuồn sẽ bị ẩm và thối, không dùng được. Thông thường, vỏ chuồn được phơi từ ba, bốn ngày đến một tuần. Khi nào bẻ nghe rắc một cái là đã dùng được”.

Rượu đoác thường được người dân dùng mời khách quý và không thể thiếu trong các dịp lễ hội, cưới hỏi, mừng lúa mới.. của người dân Tà Ôi.

Cái thú của rượu đoác ở chỗ cả nam và nữ đều uống được, nếu nữ uống thì khi làm cho men ít hơn. Rượu đoác được lấy hoàn toàn từ tự nhiên mà không hề trộn lẫn bất cứ hóa chất nào, vì thế khi uống có cảm giác lâng lâng nồng ấm nhưng tuyệt nhiên không hề say bí tỉ, gây đau đầu hay độc hại như rượu ở ngoài thị trường.

Ở A Lưới hiện nay có hàng chục gia đình làm rượu đoác. Cứ mỗi khi cây đoác ở vườn nhà hết mùa cho rượu, người dân lại băng rừng lội suối để vào rừng tìm rượu từ những cây đoác tự nhiên.

Già làng Hoàng Quỳnh (thôn Pơ Nghi 1, xã A Ngo) cho hay, cây đoác có rất nhiều ở những cánh rừng Trường Sơn hay các mạn giáp Lào nên cũng không phải khó tìm. “Cứ mỗi lít rượu đoác người dân đưa về bán từ 7 đến 10 nghìn đồng, đây cũng là một nguồn thu nhập cho nhiều hộ dân ở địa phương”, già làng Hoàng Quỳnh chia sẻ.

Đối với đồng bào dân tộc Tà Ôi sinh sống ở khuc vực huyện A Lưới, Thừa Thiên – Huế, rượu đoác không chỉ là một loại đồ uống đơn thuần. Đó còn là một nét văn hóa mang đậm bản sắc vùng miền nơi đây. Trong các dịp lễ hội, cưới hỏi, mừng lúa mới.. của người dân Tà Ôi  không thể thiếu hương vị loại rượu này.

Ngoài việc gìn giữ, hiện nay người dân Tà Ôi cũng tâm huyết và mong muốn phát triển nghề làm rượu đoác truyền thống. Việc làm này không chỉ giúp bảo tồn được một đặc sản hiếm có của người Tà Ôi mà còn gìn giữ được một nét đẹp văn hóa độc đáo.

Thế Trung - Đức Hoàng

Thế Trung - Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ