(Tổ Quốc) - Kết thúc quý II/2022, thị trường lao động Việt Nam có nhiều dấu hiệu khởi sắc khi lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,6 triệu người, tăng hơn 0,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước, trong đó số lao động trên 15 tuổi có việc làm là 50,5 triệu người, tăng trưởng 1,41% so với năm 2021.
Mặc dù sở hữu lực lượng lao động lớn nhưng ở Việt Nam vẫn còn quá ít người được tiếp cận với các dịch vụ tài chính bảo hiểm. Theo các chuyên gia đánh giá, dịch vụ tài chính bảo hiểm hiện nay tại Việt Nam đa phần đang phục vụ cho tầng lớp có mức thu nhập khá trở lên. Trong khi đó, số động còn lại bao gồm tầng lớp lao động nghèo và người có thu nhập thấp vẫn chưa được phổ cập các dịch vụ này một cách bền vững.
Theo thống kế của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2021, cả nước ta xảy ra hơn 6.500 vụ tai nạn lao động làm hơn 6.600 người gặp nạn, riêng khu vực không có quan hệ lao động (lao động tự do) có 707 vụ tai nạn lao động làm 748 người bị nạn, có 175 vụ gây nên chết người.
Chị T.Lan (lao động tự do - Hà Nội) cho biết khi trên đường đi làm về, chị có bị tai nạn giao thông do tránh xe khác đi ngược chiều, hậu quả là chị bị gãy tay, xe hỏng nhiều. Do chị là lao động tự do, không kí hợp đồng với doanh nghiệp nào, bản thân chị cũng không biết đến các sản phẩm bảo hiểm dành cho lao động tự do trên thị trường cho nên chị phải xoay sở để chi trả các chi phí y tế phát sinh.
Cũng là một lao động tự do, ông Đ.Khánh (Bình Dương) cũng từng trải qua một thời kỳ khó khăn khi không may gặp tai nạn trong khi làm việc nhưng lại không được hưởng các chế độ bảo hiểm. Ông chia sẻ, công việc của ông thường xuyên phải làm việc ở các vườn và rẫy của người dân. Mùa mưa năm ngoái khi đang đi làm, ông không may bị té ngã và phải nhập viện điều trị. Tuy nhiên vì không có bảo hiểm nên những chi phí phát sinh đó gia đình ông đều phải tự lo.
Thực tế, nhóm lao động thời vụ là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương hơn so với các nhóm lao động thông thường khác do thường lao động trong điều kiện bảo hộ kém, không đủ các phương tiên bảo đảm an toàn lao động. Hơn thế nữa, họ cũng không được hưởng các chế độ phúc lợi cũng như các chế độ về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Để kịp thời hỗ trợ nhóm đối tượng này, mới đây, PTI đã tập trung nghiên cứu dòng sản phẩm phù hợp nhằm đáp ứng được như cầu của người lao động cũng như góp phần ổn định xã hội, giảm bớt gánh nặng tài chính, y tế cho nhà nước. Đây sẽ là những sản phẩm bảo hiểm có mức phí nhỏ cùng quyền lợi hợp lý, dành riêng cho nhóm khách hàng có thu nhập thấp và không ổn định.
Đại diện PTI cũng chia sẻ, do đặc thù của thị trường Việt Nam nên có một số thách thức nhất định khi triển khai các dòng sản phẩm vi mô, đặc biệt là sản phẩm bảo hiểm dành riêng cho đối tượng là lao động tự do. Đầu tiên, người dân vẫn chưa có sự hiểu biết nhất định về giá trị bảo vệ của các gói bảo hiểm này trong khi họ chính là nhóm người chịu nhiều tổn thất nhất khi không may có rủi ro xảy ra. Điều này đặt ra cho các doanh nghiệp yêu cầu về các hoạt động truyền thông hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa của bảo hiểm cho người dân. Thứ hai, các sản phẩm này cần phải được đóng gói phù hợp với đặc thù công việc để người lao động tự do có thể dễ dàng tiếp cận, song song với đó là mức phí bảo hiểm hợp lí so với thu nhập, dễ dàng tra cứu và yêu cầu bồi thường.
PTI cho biết, trong tháng 8, doanh nghiệp phối hợp với Jupviec và Công ty bảo hiểm INCOME của Singapore tổ chức hội thảo nhằm làm rõ hơn về những thách thức mà người lao động tự do có thể đối mặt do thiếu kiến thức tài chính và những tác động xấu của chúng để từ đó đưa ra những giải pháp giúp tăng nhu cầu tài chính cho người lao động, đồng thời định nghĩa lại về bảo hiểm vi mô.
Không chỉ doanh nghiệp bảo hiểm bắt đầu chú ý đến đối tượng dễ tổn thưởng này, mà mới đây, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết sẽ nghiên cứu xây dựng dự thảo nghị định trình Chính phủ cho phép những người lao động không có quan hệ lao động có thể đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như các đối tượng ở khu vực chính thức. Qua đó, người lao động tự do có thể được hưởng các chế độ như người lao động có quan hệ lao động.