(Tổ Quốc) - Tiếp theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5, sáng 6/6, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung là Bộ trưởng đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.
Gia tăng việc rút bảo hiểm xã hội một lần
Chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu Tráng A Dương (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) cho biết, do dịch COVID-19 lan rộng, tình trạng lao động mất việc làm và rút bảo hiểm xã hội một lần đã ảnh hưởng rất nhiều đến an sinh xã hội.
Đại biểu Tráng A Dương đề nghị Bộ trưởng nêu rõ có nên thành lập một quỹ nhằm giúp người lao động ổn định cuộc sống?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về hưởng bảo hiểm xã hội một lần và Quỹ hỗ trợ người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, tình hình rút bảo hiểm xã hội một lần có gia tăng, đặc biệt tăng nhiều sau đại dịch Covid-19. Thời gian tới, cần tìm ra nguyên nhân và giải pháp cụ thể cho tình trạng này.
Về việc thành lập Quỹ hỗ trợ người lao động, Bộ trưởng cho rằng đó là một trong các giải pháp, bên cạnh nhiều giải pháp khác trong tháo gỡ vướng mắc cho thị trường lao động.
"Có nhiều phương pháp khác cần được thực hiện, triển khai đồng bộ, phương án lập Quỹ cần được rà soát, nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ ghi nhận và nghiên cứu kỹ phương án này" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ.
Chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội tăng
Là đại biểu tiếp theo chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) phản ánh tình trạng chậm và trốn đóng bảo hiểm xã hội thời gian qua. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ những nguyên nhân và giải pháp khắc phục vấn đề này?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đến hết năm 2022, khối lượng chậm đóng, trốn đóng tăng 2,69% so với mức của năm 2021, có 26.670 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng.
Bộ đã điều chỉnh, thực hiện các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng, cho đến nay, các đối tượng tham gia bảo hiểm bị ảnh hưởng về chế độ, chính sách đã được giải quyết một cách căn bản.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, cơ quan quản lý bảo hiểm chưa quản lý hết đối tượng, quản lý, sử dụng thiếu hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt.
Bộ đã triển khai các biện pháp cụ thể, thực hiện nguyên tắc người lao động thu đến đâu thì thực hiện chính sách tới đó.
Về lâu dài, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội, các nội dung này cũng được trình bày trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10, trong đó sẽ quy định rõ khái niệm, phạm vi hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, áp dụng một số chế tài mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả hơn đối với hành vi này như thông lệ quốc tế./.