(Tổ Quốc) -Bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã cho biết như vậy trong buổi trả lời phỏng vấn với phóng viên báo Điện tử Tổ Quốc.
Cán bộ “nằm vùng” tại các lễ hội nóng
- Thời gian qua, Cục đã phối hợp cơ quan chức năng đi kiểm tra các nơi, cử cán bộ “nằm vùng” tại các lễ hội nóng, xin bà cho biết một số thông tin về công tác kiểm tra này?
+ Ngay từ đầu mùa lễ hội, Cục Văn hóa cơ sở được Bộ trưởng giao thành lập các đoàn kiểm tra hoạt động lễ hội trên địa bàn cả nước, đặc biệt tập trung trọng điểm các lễ hội mà trong các mùa trước có vấn đề nổi cộm như cướp Phết ở Hiền Quan (Phú Thọ), Bàn Giản (Vĩnh Phúc), hay như lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh), Đông Cuông (Yên Bái)… Một số lễ hội có lượng du khách đến đông như lễ hội Đền Trần ở Thái Bình, Nam Định, Trần Thương ở Hà Nam, Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), Chùa Hương (Hà Nội)… Tại các điểm nóng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo phải có sự tham gia từ đầu của cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị, phối hợp với chính quyền địa phương và Sở VHTTDL. Có vấn đề gì phát sinh, nằm ngoài kế hoạch, hoặc có vấn đề nổi cộm là phải có sự phối hợp để bàn phương án, đưa ra cách thức xử lý cho phù hợp nhất.
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL, Trịnh Thị Thủy. Ảnh: Minh Khánh |
Cục Văn hóa cơ sở đã cử lãnh đạo và các phòng chuyên môn giám sát các lễ hội đó từ đầu để nắm bắt tình hình, kịp thời có yêu cầu điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh. Lãnh đạo Bộ cũng đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra trực tiếp tại 3 lễ hội có tập trung du khách đông nhất như đền Trần (Thái Bình), đền Trần Thương (Hà Nam) và đền Trần (Nam Định).
Qua kiểm tra cũng cho thấy, mùa lễ hội 2017, các địa phương đã vào cuộc quyết liệt. Ngay từ giữa năm 2016, chúng tôi đã phối hợp với Vĩnh Phúc để điều chỉnh tổ chức lễ hội cướp Phết vì vậy trong qua trình tổ chức diễn ra an toàn, đảm bảo an ninh trật tự.
Ở đền Đông Cuông, lãnh đạo UBND tỉnh, huyện đã quyết liệt chỉ đạo, không thực hiện nghi thức treo trâu trong lễ tế thánh nữa và cũng chỉ có người có trách nhiệm mới thực hiện nghi thức mổ trâu trong khu vực kín đáo, không treo trâu lên chờ tới chết, không có hành vi bạo lực, phản cảm.
Cục Văn hóa cơ sở đang yêu cầu các địa phương, mặc dù mùa lễ hội mới diễn ra được 3 tuần nhưng phải theo sát để kịp thời có hướng dẫn với Ban tổ chức các địa phương, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động để người dân thực hành nếp sống văn minh lễ hội tốt hơn.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng mới đây, Cục đã có văn bản yêu cầu địa phương báo cáo và chuẩn bị nội dung sơ kết công tác tổ chức lễ hội đầu xuân Đinh Dậu, dự kiến vào ngày 24 hoặc 25/2 tới.
- Khi tới các địa phương có lễ hội "nóng" để kiểm tra, phản ứng của Ban tổ chức các địa phương như thế nào khi đoàn kiểm tra đề nghị các phương án thay đổi một số nghi lễ bạo lực, phản cảm thưa bà?
+ Tại một số lễ hội, ví dụ như tại Hiền Quan, Phú Thọ, đoàn kiểm tra của Bộ cũng như tỉnh Phú Thọ đã nhiều lần chỉ đạo các huyện, xã điều chỉnh việc cướp Phết. Nhưng chính quyền sở tại và cộng đồng muốn tổ chức hình thức cũ. Một phương án đồng thuận được đưa ra là bố trí lực lượng an ninh với hơn 100 cán bộ và giới hạn không gian, số lượng người tham gia cướp Phết. Tuy nhiên sau đó, hàng ngàn người đã ùa vào, thậm chí thanh niên các làng khác cũng tập trung về cướp Phết. Tuy không có vụ việc nào nguy hiểm tới tính mạng và bạo lực như những năm trước nhưng chúng tôi cho rằng, lễ hội vẫn chưa theo phương án mình mong muốn từ đầu.
Với lễ hội này chắc chắn phải có phương án khả thi hơn. Sắp tới, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện sẽ trực tiếp đi kiểm tra tại Phú Thọ và đề nghị tỉnh tiếp tục tuyên truyền, thuyết phục người dân, tìm ra phương thức tổ chức phù hợp hơn.
Tìm nhiều cách để điều chỉnh hành vi ứng xử tại lễ hội
- Một mặt tích cực trong mùa lễ hội năm nay là sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân khi tham dự các lễ hội. Thời gian tới, Cục Văn hóa cơ sở sẽ đẩy mạnh hình thức tuyên truyền như thế nào, thưa bà?
+ Công tác tổ chức quản lý lễ hội đầu năm 2017 đã đạt được nhiều tích cực. Ví dụ như ở Đền Trần (Nam Định), Ban tổ chức đã có một bước tiến vượt bậc ở công tác đảm bảo an ninh trật tự, cũng như việc phân bố tổ chức vị trí, lực lượng khách mời. Chính quyền địa phương, ngành Văn hóa tỉnh Nam Định tìm nhiều cách thức để truyền thông nâng cao nhận thức của người tham gia lễ hội. Ban tổ chức đã có các bước cải tiến về công tác tuyên truyền trên cả phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, Trung ương, cũng như truyền thông trên loa, biển bảng..., để tất cả người dân đến tham gia lễ hội đều được tiếp nhận những thông tin đó. Do đó, năm nay lễ hội này đã giảm hẳn hành vi tranh cướp lộc, chen lấn, ăn xin, đổi tiền lẻ, đặt tiền lễ không đúng quy định.
Cướp phết Hiền Quang, Phú Thọ năm 2017. Ảnh: Nam Nguyễn |
Từ thực tế thành công tại Đền Trần, chúng tôi cho rằng, trước mỗi lễ hội "nóng", các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, những người hiểu biết về văn hóa, lễ hội… thường xuyên trao đổi, phân tích, cung cấp thông tin chuẩn xác trên truyền thông để người dân hiểu và điều chỉnh hành vi ứng xử phù hợp.
- Ngoài công tác tuyên truyền, hiện có các văn bản quản lý nhà nước nào liên quan đến việc xử phạt hành chính với những người tham gia lễ hội có hành vi không đúng với văn mình lễ hội không thưa bà?
+ Các văn bản quy định về công tác quản lý lễ hội nằm rải rác tại nhiều văn bản. Tuy nhiên chế tài xử lý người tổ chức cũng như người tham gia lễ hội thì chưa đầy đủ, các hành vi và mức độ xử phạt còn nhẹ.
Vì vậy trong năm 2017, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo Cục Văn hóa cơ sở phối hợp xây dựng dự thảo nghị định trình Chính phủ về quản lý hoạt động lễ hội. Trong đó sẽ kế thừa những quy định có ở các văn bản trước đây và cũng có những điều chỉnh, bổ sung những quy định mang tính răn đe. Bộ sẽ cố gắng hoàn thiện sớm để mùa lễ hội năm 2018 có căn cứ để xử phạt.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Song Đào (thực hiện)