(Tổ Quốc) - Sau Hội thảo phát huy giá trị di tích của Đền Ông Hoàng Mười, UBND huyện Hưng Nguyên sẽ đề nghị UBND tỉnh Nghệ An trình đề án đề nghị Bộ VHTTDL công nhận Đền Ông Hoàng Mười là Di tích quốc gia.
- 24.05.2017 Hải Vân Quan đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia
- 31.05.2017 Thêm 6 di tích quốc gia được xếp hạng
Ngày 10/6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Phát huy giá trị di tích Đền Ông Hoàng Mười. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Ông Hoàng Mười- một Đức thánh minh có vị trí hết sức đặc biệt trong nghi lễ thực hành Tam phủ, Tứ phủ nhưng nghiên cứu đánh giá về di tích, lễ hội gắn với tục thờ Ông Hoàng Mười còn thưa vắng.
Ông Hoàng Mười- một vị thánh có vai trò đặc biệt trong Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ (ảnh Hồng Hà) |
Hội thảo do Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam(Bộ VHTDL), UBND huyện Hưng Nguyên (UBND tỉnh Nghệ An), Viện nghiên cứu truyền thông văn hóa dân tộc (Hội truyền thông số Việt Nam) phối hợp tổ chức. Hội thảo nhằm nhận diện những giá trị lịch sử, văn hóa quý giá của di tích và lễ hội đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An), một mặt góp phần bổ sung, hoàn thiện thêm những tư liệu nghiên cứu về tục thờ Ông Hoàng Mười nói riêng, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ nói chung, mặt khác, tiến tới khai thác, phát huy, quảng bá những giá trị đặc sắc của di sản phục vụ phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Hơn 30 tham luận tại Hội thảo tập trung vào những chủ đề như: Nhận diện đầy đủ hơn về nhân vật thờ tự, làm rõ danh xưng, thân thế, hành trạng của Ông Hoàng Mười; phân tích, đánh giá vai trò của vị Thánh trong đời sống văn hóa cộng đồng, mối quan hệ giữa việc phụng thờ Ông Hoàng Mười với Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ.
Hội thảo nhằm phát huy giá trị di tích Đền Ông Hoàng Mười (ảnh Hồng Hà) |
Khảo sát, nghiên cứu về những giá trị di sản văn hóa vật thể (kiến trúc, cảnh quan, các hiện vật, đồ thờ…) và phi vật thể (thân tích, truyền thuyết, nghi lễ, lễ hội…) gắn với di tích đền Ông Hoàng Mười Nghệ An.
Đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích và lễ hội Đền Ông Hoàng Mười Nghệ An trong đời sống đương đại, làm sao để vừa bảo tồn được giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống, vừa phát huy khai thác để phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội của địa phương.
Theo ThS Nguyễn Thị Duyên, Khoa Lịch sử, Đại học Vinh, Đền Ông Hoàng Mười (còn được gọi là Mỏ Hạc linh từ, hay Đền Xuân Am) được xây dựng từ thế kỷ 17, dưới thời Hậu Lê. Trong hệ thống Đạo Mẫu, Ông Hoàng Mười là một nhân vật huyền thoại, con của Vua Bát Hải Động Đình (vị thần trên trời), ông được vua cha phân công coi sóc, giúp đỡ người dân vùng đất Nghệ An.
Tuy nhiên, khi về đến xứ Nghệ, trong đời sống tâm linh của nhân dân, Ông Hoàng Mười được hóa thân thành những nhân vật lịch sử có công chống giặc ngoại xâm, hết lòng giúp dân, giúp nước.
UBND huyện Hưng Nguyên, UBND tỉnh Nghệ An sẽ đề nghị công nhận Đền Ông Hoàng Mười là Di tích quốc gia (ảnh Báo Nghệ An) |
Đền Ông Hoàng Mười ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An là ngôi đền linh thiêng có tiếng, thu hút đông đảo người dân và thanh đồng đạo quan đến cúng lễ vào dịp hội xuân và tháng 9, 10 âm lịch hàng năm. Hiện nay, việc phụng thờ Ông Hoàng Mười đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh không chỉ giữa những người thực hành đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ mà cả với nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Sau hội thảo, UBND huyện Hưng Nguyên sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp kết nối di tích Đền Ông Hoàng Mười với những tài nguyên du lịch khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung và quần thể di tích gần đó là Phượng Hoàng- Trung Đô (nơi vua Quang Trung chọn đóng đô trên đường kéo quân ra Bắc đại phá quân Thanh) với khu khu du lịch nghỉ dưỡng Cửa Lò, Cửa Hội… Đặc biệt, UBND huyện Hưng Nguyên cũng đề xuất UBND tỉnh trình Bộ VHTTDL đề án công nhận Di tích Đền Ông Hoàng Mười là Di tích quốc gia./.