(Tổ Quốc) - "Tôi cũng chia sẻ thật, tôi nhận được hàng trăm tin nhắn của cổ đông, nhà đầu tư, một số là than phiền, một số khác còn đe dọa", ông Bolat Duisenov, chủ tịch Coteccons nói.
Mới đây, tại đại hội thường niên của Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD) tổ chức ngày 25/4, diễn biến nghịch chiều của doanh thu và lợi nhuận mục tiêu năm 2022, do vậy, đã trở thành chủ đề được quan tâm nhất.
Theo đó, câu hỏi được đặt ra nhiều nhất liên quan đến con số 20 tỷ đồng lợi nhuận mục tiêu, nhiều cổ đông thắc mắc tại sao lợi nhuận dự kiến năm nay lại thấp hơn cả kết quả năm 2021 trong khi kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Lý giải kế hoạch lãi thấp kỷ lục
Trả lời cổ đông, Chủ tịch HĐQT Coteccons Bolat Duisenov chia sẻ thời gian qua, ông đã nhận được nhiều ý kiến thẳng thắn, trực diện của nhà đầu tư bày tỏ sự không hài lòng về vấn đề lợi nhuận nêu trên.
Ông khẳng định luôn sẵn sàng đối diện sự chất vấn của nhà đầu tư vì tinh thần của công ty là minh bạch, nhìn thẳng vào hiện thực. Kế hoạch lợi nhuận cũng được tính toán dựa trên bức tranh thực tế của ngành xây dựng và công ty mặc dù cổ đông có thể phản đối.
Theo ông Duisenov, Coteccons đang đối diện nhiều bài toán như phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ khó đòi, chi phí vật tư tăng cao, biên lợi nhuận bị bào mòn. Song song đó, công ty vẫn duy trì đầu tư vào con người, hệ thống, không thể vì lợi nhuận mà đánh đổi chất lượng.
Chủ tịch Coteccons, ông Bolat Duisenov phát biểu tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2022. Ảnh: Coteccons
Thông tin tại đại hội đồng cổ đông năm 2022, lãnh đạo Coteccons cho biết năm 2021, công ty đạt doanh thu 9.077 tỷ đồng, hoàn thành 52% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 24 tỷ đồng, hoàn thành 7% kế hoạch. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2006, phản ánh một năm đầy khó khăn của Coteccons.
Tuy nhiên, lợi nhuận năm 2021 vẫn chưa phải là "đáy". "Đáy" nằm ở năm 2022, khi Coteccons công bố mục tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ 20 tỷ đồng (trong khi mục tiêu doanh thu thuần là 15.010 tỷ đồng, tăng trưởng 165% so với năm 2021).
Trả lời cổ đông về mục tiêu lợi nhuận siêu thấp này, chủ tịch Coteccons, ông Bolat Duisenov, cho biết có 5 nguyên nhân.
Một là, dự phòng tài chính cho nợ xấu. Theo ông Bolat, ngành xây dựng có "đặc trưng" nợ xấu, do đó công ty phải lập quỹ dự phòng. Hiện, Coteccons có tới 16 dự án đang gặp vấn đề nợ xấu và năm 2022 dự kiến phải trích lập dự phòng tới 95 tỷ đồng.
Hai là, chi phí nguyên vật liệu toàn cầu cũng như tại Việt Nam đang gia tăng, chỉ xét riêng chi phí làm bê tông cũng đã tăng 20%.
Ba là, dư âm của những khó khăn giai đoạn 2020 – 2021 vẫn còn rất lớn, ảnh hưởng mạnh tới tình hình sản xuất – kinh doanh năm 2022.
Bốn là, Coteccons luôn coi con người là tài sản quý giá nhất của công ty, bởi vậy bất chấp hoàn cảnh khó khăn, công ty vẫn chăm sóc cho sinh kế của người lao động.
"Nhiều công ty chỉ bảo vệ lợi nhuận mà mất đi nhân viên, nhưng tôi không muốn người Coteccons phải chịu thiệt thòi. Tôi sẵn sàng hi sinh lợi ích ngắn hạn vì lợi ích dài hạn. Tôi cho rằng đó là điều đúng. Tôi vẫn đang nỗ lực từng ngày và tin rằng điều này sẽ mang lại quả ngọt cho công ty trong tương lai", ông Bolat nói.
Năm là, ngay trong hoàn cảnh khó khăn, Coteccons vẫn không thỏa hiệp về chất lượng, luôn tuân thủ cam kết về chất lượng, tiến độ với chủ đầu tư dù chi phí lên cao.
Biểu đồ: Việt Đức/Dân trí
Chia sẻ chi tiết hơn về vấn đề dự phòng nợ xấu, Kế toán trưởng của công ty Cao Thị Mai Lê cho biết khoản trích lập dự kiến trong năm nay ước tính khoảng 95 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận trước trích lập dự phòng có thể đạt 115 tỷ đồng.
Theo bà Lê, những khó khăn từ năm 2021 chưa dừng lại và nền kinh tế sẽ không phục hồi nhanh như kỳ vọng. Những yếu tố vĩ mô như xung đột địa chính trị trên thế giới, sự kiện Tân Hoàng Minh cũng ảnh hưởng xấu đến thị trường.
Giải thích thêm với cổ đông về vấn đề chỉ tiêu lợi nhuận, bà Cao Thị Mai Lê, kế toán trưởng Coteccons, cho biết ban lãnh đạo công ty đã tính hết các rủi ro và khó khăn có thể gặp phải trong năm 2022. "Chúng tôi đưa ra bức tranh thực tế để cổ đông nhìn thấy, dù biết rằng sẽ vấp phải chỉ trích", bà nói.
Đối với 16 dự án có nợ xấu, bà Lê từ chối nêu danh tính của chủ đầu tư, với lý do tôn trọng khách hàng và điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng. Bà cho biết công ty đang nỗ lực đàm phán với khách hàng; trường hợp bất khả kháng sẽ công bố minh bạch thông tin, cần thiết sẽ đưa ra tòa án để thu hồi nợ.
Xin lỗi cổ đông khi cổ phiếu mất nửa giá
Tại đại hội, một số cổ đông của công ty cho biết dù tin tưởng ban lãnh đạo nhưng đồng thời cũng không thể không hoài nghi khi giá cổ phiếu CTD của Coteccons thời gian vừa qua giảm quá mạnh, từ vùng giá 100.000 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn mức hơn 54.000 đồng/cổ phiếu hiện tại.
Cụ thể, sau phiên bán tháo trên thị trường chứng khoán chiều 25/4, cổ phiếu của Công ty cổ phần Xây dựng Cottecons (CTD) giảm còn 54.900 đồng. Không mất hết biên độ như một số mã cùng ngành nhưng nếu tính ba tuần trở lại đây, cổ phiếu này giảm đến 45%, xuống vùng giá thấp nhất một năm.
Ông Bolat Duisenov nói rằng "rất tiếc" khi nhiều cổ đông Coteccons đang trải qua đợt giảm giá hơn 45%, nhưng khuyên họ nên kiên trì nhìn vào dài hạn vì giá cổ phiếu hiện tại không phản ánh đúng giá trị của công ty nếu nhìn vào lượng tiền mặt, tiềm lực tài chính của doanh nghiệp.
Ông tự tin giá cổ phiếu sẽ tăng trở lại vào cuối năm nay. Bản thân ông cam kết sau đại hội cổ đông sẽ đặt ra nhiều áp lực, thúc đẩy đội ngũ của mình đi nhanh hơn, quyết liệt hơn nữa.
"Năm 2021, ưu tiên lớn nhất của chúng tôi là ổn định sau giai đoạn biến động. Năm nay là năm đổi mới, 2023 sẽ là chuyển mình, 2024 khởi sắc và 2025 lớn mạnh", ông Bolat Duisenov cho hay mục tiêu của công ty sau 3 năm nữa sẽ đạt doanh thu 3 tỷ USD và cán mốc vốn hóa thị trường 1 tỷ USD.
Tính đến 14h24 hôm nay, cổ phiếu CTD đã vọt lên mức 57.200 đồng, tăng 4,19% so với kết phiên hôm qua. Nguồn: CafeF
"Hơn 1,5 năm qua, thi thoảng tôi vẫn nhận được tin nhắn đe dọa của cổ đông"
Một điểm đáng chú ý trong mùa đại hội năm nay của Coteccons là chủ tịch Bolat Duisenov đã có chia sẻ khá thẳng thắn về áp lực ông phải chịu trong 1,5 năm chèo lái công ty, kể từ khi nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương rời đi.
"Tôi đảm nhiệm vị trí này đã được 1,5 năm. Đây là đại hội cổ đông thứ 2 của tôi, trên cương vị chủ tịch HĐQT. Tôi cũng chia sẻ thật, tôi nhận được hàng trăm tin nhắn của cổ đông, nhà đầu tư, một số là than phiền, một số khác còn đe dọa. Tôi thấy 1,5 năm qua, da tôi dày hơn hẳn, mặt dày hơn. Nhưng tôi muốn cảm ơn các cổ đông đã luôn đồng hành và tương tác, dù trực diện, với chúng tôi.
Tôi khẳng định Coteccons có nền móng vững chắc, bất chấp những tin đồn hay các bài viết nói về chúng ta như thế nào. Thị trường đang phát triển trở lại, chúng ta cần đi đường dài. Hãy nhìn vào tương lai, các đồng nghiệp của tôi.
Những gì chúng ta làm bây giờ sẽ có kết quả trong tương lai. Còn năm 2021 đã qua, thật tồi tệ nhưng tất cả chúng ta đã làm hết sức mình. Tôi khẳng định không có ai ở Coteccons năm qua làm việc với 50% sức lực. Tất cả đều làm 100 % và hơn 100% sức lực của mình".