(Tổ Quốc) - Nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV chứng khoán Ngân hàng Đông Á - chi nhánh Hà Nội bị khởi tố về tội thao túng giá chứng khoán… Trong cơn tăng giá thẳng đứng của bitcoin trên thị trường, đã không ít người chơi loại tiền ảo này, thu hàng tỷ đồng… Đây là những tin tức nổi bật trong tuần qua.
Khởi tố nguyên Giám đốc Chứng khoán Ngân hàng Đông Á chi nhánh Hà Nội
Thông tin từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, qua quá trình điều tra, căn cứ tài liệu chứng cứ thu thập được ngày 22/11/2017, Cơ quan An ninh điều tra - Công an Thành phố Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Vân Giang, sinh năm 1981, Hộ khẩu thường trú: 145 Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội - nguyên giám đốc Công ty TNHH MTV chứng khoán Ngân hàng Đông Á - chi nhánh Hà Nội về tội thao túng giá chứng khoán quy định tại Điều 181c Bộ Luật hình sự.
Hiện Cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Giá bitcoin trong cơn “điên loạn”: Cảnh báo thao túng thị trường
Trong cơn tăng giá thẳng đứng của bitcoin trên thị trường, đã không ít người chơi loại tiền ảo này thu tiền trăm triệu đồng thậm chí cả tỷ đồng.
(Nguồn: Internet) |
Đáng nói là ngay cả người chơi cũng chưa hiểu chuyện gì xảy ra cũng như không nắm được cơ chế của đồng tiền ảo này. Họ chỉ nhìn vào giá bitcoin được tăng gấp hàng chục lần để bỏ tiền mua lấy hời.
Cộng đồng của bitcoin hiện nay lớn nhất trong số các đồng tiền điện tử từ trước đến nay. Loại tiền ảo được xem là khan hiếm nên người chơi ra sức đào, giải mã, khai thác. Các hoạt động thanh toán, trao đổi giữa bitcoin với các hàng hóa khác cũng đang diễn ra mạnh, khiến hệ số người sử dụng tăng lên.
Chưa bao giờ giá bitcoin tăng mạnh như vậy, song ai cũng mường tượng ở đó đầy bất trắc.
Hàng loạt sếp lớn phải từ chức
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) vừa được Quốc Hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ 15/1/2018, quy định: các lãnh đạo cấp cao của ngân hàng sẽ không được kiêm nhiệm giữ vị trí chủ chốt tại các doanh nghiệp.
Đây là một quy định nhằm tránh tình trạng sở hữu chéo.
Điều đó có nghĩa, chỉ trong vòng khoảng 1 tháng rưỡi nữa, hàng loạt đại gia Việt đang nắm giữ cùng lúc các chức vụ hàng đầu tại các tập đoàn, doanh nghiệp và 1 ngân hàng sẽ buộc phải từ chức một hoặc hàng loạt vị trí quan trọng.
Những đại gia Việt sẽ buộc phải từ bỏ hoặc vị trí chủ tịch ngân hàng hoặc chủ tịch các tập đoàn lớn có thể nhắc tới như: ông Dương Công Minh (hiện là chủ tịch Sacombank, chủ tịch Tập đoàn Him Lam), ông Đỗ Quang Hiển (chủ tịch Ngân hàng SHB, chủ tịch của Tập đoàn T&T, Chứng khoán SHS,... ), ông Đỗ Minh Phú (chủ tịch TPBank, chủ tịch DOJI Group), ông Hồ Hùng Anh (chủ tịch Techcombank, chủ tịch Masan), ông Đặng Khắc Vỹ (chủ tịch VIB Bank, chủ tịch Mareven Food Holdings), ông Vũ Văn Tiền (chủ tịch AnBank, chủ tịch Geleximco), ông Võ Quốc Thắng (chủ tịch KienLongBank, chủ tịch Đồng Tâm Group),...
Nhiều nữ chủ tịch cũng sẽ phải từ chức, như: bà Thái Hương TGĐ BacABank đang là chủ tịch của CTCP Sữa TH, Chủ tịch HDBank là bà Lê Thị Băng Tâm đang là chủ tịch của Vinamilk.
Thậm chí, một số người còn là lãnh đạo của rất nhiều DN, điển hình như bà Nguyễn Thị Nga: chủ tịch SeABank, chủ tịch của BRG Group, chủ tịch/thành viên HĐQT của hàng loạt công ty khác như Thăng Long GTC, Hanoi Toserco, Khách sạn Thắng Lợi, Khách sạn Hilton Hanoi, OSC Vietnam,...
Xử phạt vụ địa ốc Alibaba bán dự án "vịt trời"
Ngày 28/11, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, đơn vị này đang soạn thảo nội dung xử phạt hành chính đối với Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba - doanh nghiệp liên tục bị các cơ quan chức năng cảnh báo.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, thanh tra của Sở này sẽ xử phạt hành chính đối với Công ty địa ốc Alibaba về các lỗi vi phạm quy định trong Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở.
Cũng theo ông Tuấn, việc Công ty Alibaba chưa phải là chủ đầu tư của dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi nhưng đã “mạo danh” chủ đầu tư rao bán dự án và cho khách hàng đặt cọc giữ chỗ là sai quy định.
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM (Sở TNMT) đã phát đi cảnh báo khẩn về những thông tin sai sự thật của Công ty Địa ốc Alibaba và Công ty Alibaba Tây Bắc TPHCM.
Theo Sở TNMT, thời gian qua Sở nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc hai công ty nói trên có hành vi rao bán dự án chưa đầy đủ thủ tục cần thiết.
Qua kiểm tra và xác minh, Sở TNMT TPHCM nhận thấy những quảng cáo của Công ty Địa ốc Alibaba không đúng sự thật.
Cụ thể, dự án "Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII-3" (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) vẫn chưa có chủ đầu tư, chưa được phép công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ. Thế nhưng, công ty Địa ốc Alibaba và công ty Alibaba Tây Bắc TPHCM vẫn ngang nhiên rao bán nền và thu tiền giữ chỗ của hơn 400 khách hàng.
Bố mẹ chồng diễn viên Hà Tăng muốn gom khối cổ phiếu 90 tỷ
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn và bà Lê Hồng Thủy Tiên (Nguồn: Gading.net) |
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết, hai cổ đông lớn là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương và Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu vừa đăng ký mua vào lần lượt 1,66 triệu và 1,33 triệu cổ phiếu SAS của Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco).
Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 28/11 đến 30/11, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Nếu giao dịch thành công, hai doanh nghiệp này sẽ nâng tỷ lệ nắm giữ tại đây lên xấp xỉ 25% và 15%, tương đương 53,8 triệu cổ phiếu. Căn cứ mức giá mở cửa phiên giao dịch sáng nay, khối cổ phiếu này trị giá khoảng 90 tỷ đồng.
Cách đây hai tuần, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thông báo Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương đã mua thành công 3 triệu cổ phiếu SAS. Tuy nhiên, công ty này đính chính thông tin trên không chính xác do gửi nhầm biểu mẫu báo cáo kết quả giao dịch, trong khi thực tế mới đăng ký mua thêm.
Hai doanh nghiệp này đều là những công ty thuộc sở hữu của vợ chồng ông Johnathan Hạnh Nguyễn và bà Lê Hồng Thủy Tiên – bố mẹ chồng diễn viên Tăng Thanh Hà (còn gọi là Hà Tăng).
Hiện, ông Johnathan Hạnh Nguyễn giữ chức Chủ tịch HĐQT, còn bà Lê Hồng Thủy Tiên là thành viên HĐQT Sasco. Công ty này đặt kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế năm nay lần lượt đạt hơn 2.200 tỷ và 221 tỷ đồng.
Bộ Công Thương có thể thu 9 tỷ USD từ bán hết vốn ở Sabeco
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 1/12, Thứ trưởng Công Thương - Đỗ Thắng Hải cho biết, giá mỗi cổ phiếu của Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) (mã CK: SAB) liên tục tăng sau ngày công bố giá chào bán. Chốt phiên giao dịch ngày 1/12 mỗi cổ phiếu SAB chốt ở mức 330.000 đồng, tăng 10.000 đồng so với giá chào bán 320.000 đồng cách đây 2 ngày.
Trước lo lắng giá chào bán SAB quá cao, 320.000 đồng một cổ phiếu, sẽ khiến thương vụ bán vốn Nhà nước lần này khó thành công, ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, thực tế thị trường đang rất khả quan.
"Với mức giá thị trường hiện nay chúng tôi dự tính nếu bán hết 53,59% vốn Nhà nước tại Sabeco, tổng giá trị thu về có thể lên tới 9 tỷ USD, tăng 4 tỷ USD so với con số ước tính trước đó", ông Hải thông tin.
Công bố giá xe năm 2018: Không có chuyện xe giảm giá sâu
Với những Nghị định mới của Chính phủ ban hành và giá xe năm 2018 của một số hãng vừa công bố, có thể thấy sẽ không có chuyện giá giảm sâu như kỳ vọng...
Thời gian gần đây, nhiều nhà sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước đã công bố giá bán các mẫu xe lắp ráp trong nước (CKD) cho những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018.
Trong các bảng giá bán cho năm 2018, có thể thấy giá bán mới của những mẫu xe ăn khách không hề giảm mạnh. Cụ thể, Kia Morning được giảm cao nhất khoảng 15 triệu đồng trong khi mẫu CX-5 cũng chỉ được giảm khoảng 20 triệu đồng. Tương tự, mẫu Hyundai Grand i10 được giảm từ 20-40 triệu đồng tùy từng phiên bản hay Toyota Vios là từ 48-58 triệu đồng.
Khi giá xe CKD được công bố người tiêu dùng trong nước hiện chỉ trông chờ vào giá bán của các mẫu xe nhập khẩu từ ASEAN khi thuế NK các mẫu xe này được miễn hoàn toàn về 0%.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại các thương hiệu lớn vẫn án binh bất động. Với nghị định 116/2017 mới đây, nhiều chuyên gia dự đoán rằng giá xe nhập khẩu cho dù được miễn thuế thì cũng khó có thể giảm sâu hơn nữa. Nghị định 116 mới với nhiều rào cản sẽ khiến chi phí nhập khẩu cũng như kiểm định tăng lên. Điều đó, khiến giá xe nhập khẩu không những giảm mà có thể sẽ tăng nhẹ. Như vậy, giấc mơ sở hữu ô tô “giá hợp lý” của nhiều người tiêu dùng Việt tiếp tục xa vời.
Vì sao EVN lãi nghìn tỷ vẫn tăng giá điện?
(Nguồn: Internet) |
Giá điện đã tăng thêm 6,08% lên mức bán lẻ bình quân mới 1.720,65 đồng một kWh từ 1/12.
Theo công bố của Bộ Công Thương, năm 2016 doanh thu bán điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hơn 265.510 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.661,57 đồng một kWh. Hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 lỗ gần 594 tỷ đồng. Tuy nhiên, thu nhập từ các hoạt động có liên quan tới sản xuất kinh doanh điện năm 2016 của tập đoàn này gần 3.252 tỷ đồng, đã giúp EVN lãi 2.658 tỷ.
“Tại sao ngành điện đang lãi nhưng giá điện bán lẻ thêm 6,08% vào thời điểm này?" là câu hỏi được báo giới đặt ra cho lãnh đạo Bộ Công Thương.
Trả lời câu hỏi trên ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công Thương cho biết, do chi phí sản xuất kinh doanh cao hơn doanh thu dẫn tới khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng trong sản xuất kinh doanh điện.
Theo đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2016 sau giảm trừ thu nhập từ nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện... là trên 266.104 tỷ đồng. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 1.665,29 đồng một kWh.
Nếu so với giá thành sản xuất kinh doanh điện thì giá bán điện bình quân tại các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo, Bạch Long Vĩ, Cù Lao Chàm và Đảo bé, Đảo Lý Sơn và các xã, đảo Khánh Hòa tương ứng lần lượt bằng 9,5 - 28,6% giá thành điện thực tế ở các đảo. Chi phí sản xuất điện tại các huyện, xã đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016.
Với thực tế này, doanh thu bán điện năm 2016 hơn 265.510 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.661,57 đồng kWh.
Trên cơ sở chi phí sản xuất cao hơn doanh thu dẫn tới khoản lỗ gần 594 tỷ đồng, nhà chức trách đã tính toán và đề xuất phương án tăng giá bán lẻ điện. Ông Đỗ Thắng Hải khẳng định, việc tăng giá điện lần này đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi Tổ công tác liên Bộ gồm Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam...
"Mức tăng giá điện lần này đã có sự tính toán kỹ lưỡng của Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN tác động tới kinh tế vĩ mô, lạm phát và ảnh hưởng tới người dân", người phát ngôn Bộ Công Thương khẳng định./.
Hà Giang (T/h)