• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

SGK sẽ như thế nào sau khi công bố khung chương trình giáo dục phổ thông mới?

Giáo dục 01/10/2018 06:21

(Tổ Quốc) - Mới đây Chánh Văn phòng Bộ GDĐT Nguyễn Viết Lộc đã thông tin Hội đồng Thẩm định quốc gia đã thẩm định xong chương trình giáo dục phổ thông mới và Bộ sẽ công bố chương trình này trong tháng 10/2018.

Sau khi có khung chương trình chuẩn để xây dựng SGK, theo chủ trương, Bộ GDĐT sẽ áp dụng phương thức "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa", từ khung chương trình này có thể có nhiều bộ sách.

Ông Nguyễn Viết Lộc cho hay, đến thời điểm này (29/9) Hội đồng Thẩm định quốc gia đã thẩm định xong chương trình, trong tháng 10/2018 Bộ GDĐT sẽ ban hành Thông tư về chương trình GDPT mới. Sau khi ban hành Thông tư, trên cơ sở đó Bộ GDĐT sẽ tổ chức tập trung biên soạn một bộ SGK trên tinh thần công khai, minh bạch.

Sau đó, công tác thẩm định sẽ được tiến hành đối với bộ SGK do Bộ GDĐT chỉ đạo, cũng như các bộ SGK do các tập thể, cá nhân tổ chức biên soạn.

Thẩm định xong, Bộ GDĐT sẽ có hướng dẫn biên soạn tài liệu giáo dục địa phương. Từ đó phê duyệt, cho phép sử dụng SGK dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng Thẩm định quốc gia.

Bộ GDĐT cũng sẽ hướng dẫn cơ sở giáo dục lựa chọn và sử dụng sách, đồng thời, Bộ cũng ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên sư phạm, các chương trình đào tạo bồi dưỡng đi kèm và tổ chức đào tạo bồi dưỡng giáo viên. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT còn hướng dẫn các địa phương thực hiện đề án cơ sở vật chất sau khi Thủ tướng ban hành.

Ảnh minh họa/zing.vn

Theo nội dung đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông được đưa ra theo Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 (điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông) có quy định, SGK cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học. Bộ GDĐT ban hành tiêu chí đánh giá SGK và phê duyệt SGK được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK; hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Chính phủ ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng SGK. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.

Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GDĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn. Và các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.

Cũng theo Nghị quyết 51/2017/QH14, chậm nhất là từ năm học 2020-2021, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu được thực hiện từ lớp đầu cấp của cấp tiểu học; và từ năm học 2021-2022 đối với lớp đầu cấp của cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với lớp đầu cấp của cấp trung học phổ thông.

Minh Vy (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ