(Tổ Quốc) - Giá nhà đất liên tục tăng cao, nguồn cung về sản phẩm nhà ở vừa túi tiền thiếu hụt đã khiến nhiều người trẻ có nhu cầu mua nhà gặp khó. Thêm vào đó, việc ngân hàng siết tín dụng vào bất động sản đang nhân đôi khó khăn về giấc mơ an cư của nhiều người trẻ.
Theo các thống kê gần đây, Việt Nam đang ở thời kỳ "dân số vàng" với cơ cấu đạt 98,72 triệu người trong đó đối tượng người trẻ dưới 35 tuổi chiếm khoảng 36%. Báo cáo "Tâm lý người tiêu dùng bất động sản Việt Nam năm 2022" cũng cho thấy, nhu cầu sở hữu bất động sản của người Việt Nam sau đại dịch Covid-19 tăng từ 60% - 300%. Với cơ cấu dân số vàng cùng tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu về nhà ở của nhóm người trẻ là rất lớn, đặc biệt tại khu đô thị lớn như TP.HCM.
Giá tăng "chóng mặt" – Tiền tỉ cũng khó mua được nhà
Có thể thấy, đối với những người trẻ, nhà ở không chỉ là nơi an cư lạc nghiệp, mà còn được xem như một món đầu tư, tích trữ tài sản lớn. Tuy nhiên, để có thể sở hữu được một căn nhà hay một bất động sản đang là điều ngoài sức tưởng tượng với những người trẻ, bởi giá nhà tại TP.HCM hiện nay liên tục thiết lập những kỷ lục mới. Với thực tế, nguồn cung nhà giá bình dân khan hiếm, lượng cầu tăng cao khổng lồ. Người dân tại thành phố ngày càng khó tìm được một nơi an cư cho riêng mình.
Sống và làm việc tại TP.HCM được hơn 8 năm, anh Nguyễn Minh Luận ( 31 tuổi, quê Tây Ninh) chia sẻ, sở hữu một căn nhà phố là điều anh chưa dám mơ tới nhưng mua một căn hộ chung cư để định cư lâu dài tại TP.HCM là mục tiêu mà mấy năm nay anh luôn theo đuổi.
Theo anh Luận, với mức lương khoảng 25 triệu/tháng, sau nhiều năm tích góp anh đã để dành được gần 1 tỉ đồng, dự định tìm mua một căn hộ chung cư gần trung tâm thành phố để tiện việc đi lại, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên dù đã nghe ngóng, tìm hiểu nhiều nơi, nhưng nhiều tháng qua anh Luận vẫn chưa tìm được một căn hộ nào ưng ý phù hợp với ngân sách hiện có. Hiện nay một dự án dù cách trung tâm thành phố 15 – 20km cũng có giá trung bình 2,5 tỉ đến 4 tỉ đồng.
"Đi tham khảo gần 10 dự án dù là vùng ven của thành phố nhưng mức giá hiện nay thấp nhất cũng 35 triệu/m2. Đối với căn diện tích 60m2 thì giá cũng hơn 2 tỉ, chưa kể các chi phí liên quan. Nếu vay ngân hàng, trả lãi suất nữa thì chi phí cũng đội lên đến 3 tỉ đồng, một chi phí quá lớn" anh Luận than thở.
Chia sẻ về giấc mơ an cư của mình, chị Mai Hương (ngụ quận Bình Thanh) cũng tiếc nuối kể, thời điểm 2017, chị đã tích góp được 500 triệu và lên kế hoạch vay, góp mua một căn hộ chung cư cao cấp tại quận Bình Thạnh với mức giá khoảng 1,5 tỉ đồng (diện tích 60m2).
Dù đã chuẩn bị hoàn tất mọi thứ nhưng vì nghe lời khuyên bạn bè đợi tích góp đủ số tiền rồi hãy mua, sẽ đỡ áp lực vay vốn… chị đã thay đổi quyết định của mình. Thế nhưng, điều chị Hương không ngờ tới là lúc chị dành dụm được số tiền gần 1,5 tỉ thì giá căn hộ chị muốn mua thời điểm đó đã tăng lên gần 2,5 tỉ đồng.
"Tôi cứ nghĩ đợi vài năm sau, thời điểm bàn giao căn hộ rồi mua trả trọn gói sẽ đỡ áp lực tài chính cho bản thân. Biết mua trễ thì giá sẽ có tăng nhưng nghĩ cũng ở mức 5% - 10% là cùng. Bây giờ mua nhà với ngưỡng giá quá cao như thế thì phải vay mượn thêm một khoản khổng lồ, gánh nặng tài chính thật sự quá lớn. Nếu thời điểm trước quyết đoán hơn thì giờ tôi đã có nhà để ở rồi" Chị Hương tiếc nuối.
Trên thực tế, không chỉ riêng anh Luận và chị Mai Hương mà còn rất nhiều người dân ở TP. HCM cũng rơi vào cảnh khó mua nhà vì giá bất động sản tăng quá cao trong thời gian ngắn. Vài năm qua, mặt bằng giá nhà căn hộ, nhà phố ở TP. HCM đã không ngừng leo thang.
Theo đại diện một doanh nghiệp môi giới BĐS tại quận Thủ Đức, nếu quay về thời điểm 4 năm trước, thu nhập ở ngưỡng 20-30 triệu đồng/tháng thì hoàn toàn có thể sở hữu căn nhà có mức giá từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng/căn, thậm chí cao hơn. Nhưng hiện tại, với thu nhập trên thì rất khó để mua được căn nhà vì giá đã tăng lên quá cáo, dự án thấp nhất cũng có giá 2 tỉ đồng/căn (cạn nguồn cung giá nhà dưới 1 tỉ đồng). Thêm vào đó việc thị trường bất động sản TP. HCM xuất hiện nhiều dự án hạng sang, có giá "triệu đô" cũng góp phần đẩy mặt bằng giá nhà đất tại đây lên cao, liên tiếp thiết lập kỷ lục mới về giá.
Siết tín dụng - Nhân đôi khó khăn giấc mơ an cư
Thực tế khi có nhu cầu mua nhà, đa phần người mua thường phải tìm đến các kênh vay vốn để nhận hỗ trợ từ 50 - 70% giá trị căn nhà, đặc biệt trong bối cảnh giá bất động sản đang tăng vọt. Tuy nhiên theo phản ánh của nhiều người, giấc mơ an cư của họ vốn dĩ đã khó khăn nay lại bị nhân đôi khi mới đây Ngân hàng Nhà Nước yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản.
Với những người đang có dự định mua nhà để ở nhưng không đủ tiềm lực tài chính, khi nghe tin ngân hàng siết tín dụng BĐS đã khiến họ tỏ ra e dè. Anh Minh (ngụ Bình Dương) cho biết, anh đang tìm hiểu và dự định mua trả góp một căn hộ chung cư tại TP. Dĩ An, Bình Dương. Tuy nhiên khi đề cập tới việc vay vốn thì các nhận viên cho biết lãi suất hiện nay đã tăng và dự án này chỉ liên kết với một ngân hàng thương mại nên anh không được lựa chọn ngân hàng và lãi suất vay phù hợp hơn.
"Các nhân viên giải thích ngân hàng đang có chủ trương kiểm soát hoạt động cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản nên nguồn vốn dành cho lĩnh vực này không còn dồi dào như trước, điều kiện vay chặt hơn và lãi vay cũng cao hơn. Giờ chi phí sinh hoạt cũng cao, nếu phải trả lãi hằng tháng cao nữa thì tôi thật sự không gánh nổi" anh Minh nói.
Theo tìm hiểu của PV, thời gian qua một số ngân hàng thương mại như Sacombank, Tecombank, Agribank… cũng bắt đầu có động thái siết cho vay. Đồng thời lãi suất cho vay đối với cá nhân mua nhà cũng tăng dần với mức tăng từ 0,5 – 1,5% so với đầu năm. Theo khảo sát, nhiều ngân hàng hiện cho cá nhân vay mua nhà với lãi suất 8,9%/năm trong 12 tháng đầu tiên và sau đó lãi suất được cộng với biên độ từ 4 – 4,5%, lên khoảng 12 – 12,5%.
Không chỉ tăng lãi suất, hiện nay thủ tục vay vốn của các ngân hàng cũng ngặt nghèo hơn, đặc biệt đối với các ngân hàng quốc tế, các gói vay có phần ưu đãi hơn nhưng hồ sơ phải sạch và tài sản vay được thẩm định gắt gao, phí phạt trả trước hạn cao ở mức 4%. Đặc biệt, đối với những khách hàng mua nhà ở hình thành trong tương lai, tài sản thế chấp chính là căn hộ thì thủ tục còn khó hơn nhiều.
Theo đánh giá của các chuyên gia, chủ trương của một số ngân hàng là chỉ siết cho vay với người mang tiền đi đầu cơ, nhưng vẫn tiếp tục cho người dân có nhu cầu mua nhà, sửa nhà được vay. Tuy nhiên, sẽ khó để các ngân hàng xác định ai có nhu cầu thật, ai vay để đầu tư. Bởi vậy, không ít người có nhu cầu vay mua nhà thật sẽ bị ảnh hưởng, khi bị đánh đồng là vay tiền đầu cơ, khiến họ khó vay vốn.