(Toquoc)- Mới lên đến Bắc Hà, cái oi bức chợt biến mất. Đêm mưa rả rích. Sáng ra trời se lạnh, lại mưa lui bui, mà con đường từ Bắc Hà đi Si* những 27 cây số đường dốc.
(Toquoc)- Mới lên đến Bắc Hà, cái oi bức chợt biến mất. Đêm mưa rả rích. Sáng ra trời se lạnh, lại mưa lui bui, mà con đường từ Bắc Hà đi Si* những 27 cây số đường dốc.
Người bạn mới quen cho tôi mấy quả mận cuối vụ, vừa chua vừa ngọt, dặn: “Dốc nhiều lắm đấy! Lại hay có sương mù. Đi xe máy cẩn thận! Nhớ lên dốc số nào, xuống dốc số ấy.” Đoạn dốc bắt đầu từ km14 thoai thoải và xuống dần đến chân dốc km10. Tôi về số mo, bắt chước mấy thanh niên bản thả dốc cho đỡ tốn xăng. Hai bên đường lấp xấp những hàng samu cao hơn đầu người, chắc mới trồng chừng ba bốn năm, lại mơn mởn xanh thẫm những nương ngô bò ngang sườn núi.
Gió vèo vèo bên tai. Xe lướt như bay, cảm tưởng như mình là con chim đang soải cánh hạ từ trên đỉnh núi xuống, chiếc áo mưa mỏng dính giá hai nghìn đồng bay phần phật. Quá thú vị khi được “bay” một lèo năm cây số xuống dốc. Sương mù y như lão già tai quái luôn rình rập người ta từ dưới thung lũng. Khi xe máy bắt đầu vào số leo dốc, lão ta thình lình chụp chiếc chăn bạc phếch xuống, tối mù. Phải bật đèn xe, cố căng mắt ra mới nhìn thấy mặt đường mờ mờ dưới mưa. Tôi bắt đầu run, nhưng nếu quay lui thì tiếc công lặn lội mấy trăm cây số lên đây mà không đến được Si-ma-cai (* Si). Phía trước mặt, những chiếc xe tải cũng bật đèn gầm vàng ệch, rì rì xuống dốc. Chốc chốc những ánh đèn pha xe máy lại vụt hiện ra từ một góc cua nào đó. Tôi cố ghìm cơn lạnh run người, nắm chặt tay lái. Chỉ cần sơ ý một chút là va phải xe khác hoặc bay vèo xuống vực như cánh chim. Không biết bao nhiêu đoạn dốc, bao nhiêu khúc cua, chỉ thấy hơi nóng bốc hơi từ máy xe phả vào bàn chân hầm hập. Bất chợt nghe ồn ào tiếng người cười nói, tiếng ngựa hí…Lão già sương mù hốt hoảng lặn đi đâu mất, trước mắt tôi là một bãi phẳng đỏ rực màu váy áo của các cô gái H’mông. Đã đến chợ Cán Cấu, cửa ngõ của Si. Một thứ hương vị nồng thơm, ngầy ngậy thoảng trong gío, mùi của thức ăn, nhưng không biết là món gì. Phải đến sáng hôm sau, ngày chủ nhật chợ phiên Si, ngồi trong gian lán chợ chờ chảo thắng cố chín tới, tôi mới lờ mờ nhận ra thứ hương vị đặc trưng của chợ phiên vùng cao. Đó là mùi thắng cố, mùi canh tẩu chúa, mùi xôi nếp nương lẫn với mùi rượu ngô. Mấy anh trong Ban quản lí dự án giảm nghèo của huyện mời tôi đi ăn sáng. Không vào nhà hàng, quán phở mà vào thẳng chợ Si, đánh phệt xuống tấm gỗ thấp dùng làm ghế, chờ nồi thắng cố sôi sùng sục. Bất chợt, sương mù từ trái núi cao bên phía đồn biên phòng hạ thấp, tràn vào chợ. Khói củi và mù quyện vào nhau, ngột ngạt.
Bán thổ cẩm ở Si-ma-cai
Chúng tôi đến sớm quá. Chợ phiên mới thưa thớt người. Ông chủ quán thắng cố tên là Hà vừa bớt củi dưới đít chảo, chỉ để lửa liu riu. “Như thế bao giờ mới được ăn?” Anh Nông Chí Cường Phó ban quản lí dự án cười an ủi tính háu ăn của tôi. “ Bây giờ phải hãm lửa, chừng chín rưỡi mười giờ mới nổi lửa lại, lúc ấy chợ đông người. Đun bây giờ thịt chín nát mất ngon.”Tôi lang thang khắp chợ trong màn sương mờ ảo của mây núi và khói bếp. Chợ Si chia làm ba cấp. Bãi dưới cùng gần đường đi nhấp nhô mấy tảng đá lớn như đàn voi nằm nghỉ, tiếng ngựa hí vọng vào vách đá. Mấy phụ nữ người H’mông áo váy rực rỡ bắt đầu bày ra ven đường những bó rau cải xanh mỡ, những bắp ngô núi dài và nhỏ. Một dãy hàng mận ngồn ngộn, màu vàng lẫn màu đỏ tím. Có một loại mận núi màu đỏ như mận Bắc Hà nhưng quả nhỏ bằng đầu ngón tay, ăn ròn và ngọt, người ta bảo đó là giống mận núi, rất ngon. Tôi tiếc không mang về xuôi được vì đường xa. Bãi giữa rộng và phẳng, ngổn ngang những đống phân gia súc. Một anh trai Mông đang cố sức kéo sợi dây thừng buộc ngang cổ con lợn đen nhỏ loại “cắp nách”, con lợn kêu eng éc, vùng vẫy không chịu lên bãi chợ. Bên cạnh hai con ngựa nâu đang sốt ruột hí vang là cô gái cô gái có chiếc khăn choàng rất đẹp, một tay cô ôm con gà trống cái mào cũng rực rỡ chẳng kém chiếc khăn, tay kia nắm sợi dây buộc cả hai con chó và lợn. Đây là bãi dành riêng để mua bán gia súc. Lợn gà, dê ngựa, chó…ồn ã những tiếng súc vật bên những bóng người im lặng, bất động. Bãi trên cùng là nhà lồng chợ với hàng chục gian nhà chỉ có cột bê tông và tấm lợp xi măng. Hàng tạp hoá và nhiều nhất là những quán ăn. Tôi mừng rỡ và hồi hộp khi bát thắng cố ngựa nghi ngút khói được múc ra. Bốn người xì xụp với vị ớt cay và thịt hổ lốn nóng rãy. Hình như mới đi được hai chén rượu thì có thêm khách. Hai vị khách mới đến góp thêm một bát lòng ngựa. Đó là Giàng A Dơ, phó chủ tịch xã Cán Cấu và cậu kế toán xã người Kinh tên là Ngô Duy Sơn. Công nhận ruột ngựa béo và ròn, ngon tuyệt. Lại chào hỏi nhau, chạm chén rồi bắt tay thân mật, các anh chủ nhà bảo bắt tay sau uống rượu là “đặc sản” của Lào Cai, mà trước đó tôi đã thấy dân Phú Thọ cũng nhận là của mình. Một thanh niên trẻ măng vai đeo túi thổ cẩm ngồi xuống mâm với bát óc lợn và gói mèn mén* trắng mịn. Phó trưởng ban quản lí dự án vỗ vai chàng trai, giới thiệu: “Vàng Seo Sài, chủ tịch xã Lử Thẩn. Nó mới 27 tuổi, trẻ nhất trong hàng ngũ chủ tịch xã của tỉnh Lào Cai đấy. Tuổi trẻ tài cao! Nào mời rượu các nhà báo đi!” Anh bạn ngồi gần tôi mặt đỏ gay, khoát tay. “ Anh thấy lạ lắm hả? Tí nữa mấy ông trong huyện ra, ngồi vào mâm rượu lại góp thêm mồi, thoải mái uống rượu. Phong tục trên này thế đấy. Cứ thêm khách là có thêm mồi góp vào.” Đúng như lời giới thiệu, quãng 9 giờ còn thêm ba bốn ông khách ở mấy xã gần chợ đến góp thêm mồi và rượu. Thịt dê, thắng cố …chó, xôi nếp nương ba màu xanh, đỏ, vàng… Bữa ăn sáng thành bữa trưa luôn. “Thôi ăn cho no rồi về Ban làm việc luôn". Anh Cường nói như vậy rồi rỉ tai tôi. “Nói thật với anh. Trình độ quản lí của cán bộ xã còn non lắm. Phòng tài chính huyện thứ bảy, chủ nhật vẫn phải tổ chức cho anh em về bồi dưỡng thêm nghiệp vụ kế toán.”
Đã 7 năm huyện Si-ma-cai được thành lập, mà phố huyện vẫn ngổn ngang đất đá như một công trường lớn. Chỉ những con đường là được định hình trước cho những dãy phố dọc ngang tương lai. Phía trái huyện lị có một dãy nhà lớn, trụ sở của mấy cơ quan mới được xây dung. Phòng Giáo dục- Đào tạo; Phòng Tài chính- Kế hoạch… vẫn lúp xúp những dãy nhà cấp bốn đã xuống cấp. Chủ tịch xã Cán Cấu là Giàng A Dơ năm nay 40 tuổi, râu quai nón xanh rì, mắt chim ưng lúc nào cũng trợn tròn nhìn thẳng người đối diện. Vậy mà nụ cười rất hiền. Anh chính là chủ nhân của cái chợ Cán Cấu họp ven đường sáng thứ bảy. Chợ mới được nâng cấp, rất đông khách, có cả khách Tây đi xe máy lên du lịch. Giàng A Dơ nói Cán Cấu còn một chợ trâu nữa, nhiều trâu bò nhất Si đấy, có những phiên 500- 600 con trâu, ngựa. Tiền của thu từ chợ trâu cũng khá, mà lâu nay Nhà nước không cho họp nữa vì dịch lở mồm, long móng…người dân thất thu nặng. Bây giờ dịch cũng đỡ rồi, phải cho chợ trâu họp lại không thì “gay lắm”! Chủ tịch Dơ còn khoe xã mình có hồ nước rộng, cảnh quan cũng đẹp, làm du lịch được thì tốt. Cả xã có năm dân tộc anh em, người H’mông, Phù lá thích làm nương trên núi, nhưng người Kinh, Tày, Nùng lại thích làm dịch vụ, mình thấy dân nghĩ đúng thì ủng hộ thôi. Vừa rồi dự án giảm nghèo hỗ trợ làm hệ thống thuỷ lợi Cán Cấu- Lệnh Sui dài 9 cây số hết 3 tỉ đồng. Giờ Nhà nước cho nửa số tiền ấy thôi để làm du lich thì tốt quá. Anh Cường giả vờ nạt. “ Ông to như con gấu mà hay mơ mộng. Du lịch thì tính sau, giờ làm sao tăng diện tích trồng rừng phòng hộ để chống cạn kiệt. Xã Cán Cấu đưa ngô lên tận đỉnh núi rồi đấy. Các ông thấy không? Rừng chạy xa tít tận đâu rồi. Khu rừng nguyên sinh rộng 2 ha nằm giữa huyện, chẳng qua giữ lại được là để người H’mông có nơi tổ chức lễ hội Lồng tồng, chứ không cũng đi rồi.”
Trái ngược với Giàng A Dơ, anh chàng trẻ tuổi Vàng Seo Sài trông rất thư sinh. Mới 27 tuổi mà đã quản lí 267 hộ dân với gần 1.600 nhân khẩu. Điều thuận lợi nhất của anh chủ tịch xã Lử Thẩn là ở đây toàn người H’mông. Người cùng dân tộc dễ lãnh đạo hơn, bảo ban nhau cũng dễ hơn. Điều khó khăn nhất lại là địa thế. Xã Lử Thẩn nằm trong khu vực hai vùng đới khí hậu đặc trưng của huyện Si. Vùng một từ giáp sông Chảy đến giáp chợ Cán Cấu, độ cao trung bình dưới 600m, khí hậu tương đối thuận nên trồng được lúa hai vụ. Vùng hai từ trên chợ đến Lử Thẩn, địa hình cao trên 1000m, giá rét nên trồng lúa một vụ cũng vất vả lắm rồi. Vậy nên người H’mông ở Lử Thẩn chú trọng trồng ngô. “Năng suất ngô cao không?” Thay vì trả lời tôi, Vàng Seo Sài cười buồn kể chuyện trồng ngô của xã mình. “Người H’mông mình cái đầu nghĩ ít lắm. Khuyến nông huyện bảo trồng ngô lai năng suất cao gấp ba, bốn lần giống ngô cũ, bán lại được giá cao hơn nhưng dân nó không nghe. Chả là ngô mới phải chăm sóc cẩn thận, đến vụ thu hoạch phải bẻ ngay, phơi ngay. Chỉ vất vả ít ngày nhưng có nhiều tiền hơn. Cán bộ biết taị sao không? Tại các bản người H’mông mình còn nặng nề việc đám ma, đám cưới lắm. Nhà nào có đám, cả bản bỏ việc đến giúp, ăn cỗ, uống rượu, cả trẻ con cũng đi, đến con chó cũng theo chủ đi ăn cỗ mà. Liên miên cả tuần lễ, không làm được việc. Lỡ đúng dịp thu hoạch ngô giống mới, trong bản có đám thì bỏ hỏng hết ngô thôi. Thế nên cứ trồng giống ngô cũ, quả bé tí, năng suất thấp, nhưng thuận tiện là khi ngô chín, cứ lột vỏ để “treo đèn” trên nương cho khô, lúc nào bẻ về nhà cũng được. Cái tật ăn cỗ ma, cỗ cưới mất thì giờ mình đã giáo dục dân bản bỏ bớt rồi. Xã quy định rồi. Đám cưới không quá hai ngày, đám ma không quá ba ngày. Nhưng việc trồng ngô thì vẫn chưa làm hết được. Do khí hậu nên chỉ có hai thôn Chính Chu Phình và Chẻ Lử Thẩn trồng được ngô lai thôi, còn các thôn Sẻng Chải; Sẻ Nằng Cẳng…lạnh lắm không trồng được, nhưng dân bản trồng giống ngô Quần cải của Trung Quốc, năng suất cũng khá hơn.
Trong công cuộc xoá đói giảm nghèo ở địa phương, xã Lử Thẩn có mục tiêu phấn đấu đưa điện đến khắp xã, để 2 thôn Sẻng Nằng Cẳng và Sảng Nằng Cẳng dân không còn phải xay ngô bằng cối đá như ngày xưa nữa. Vừa rồi huyện cho chủ tịch xã đi xem và học tập kinh nghiệm trồng cây thuốc lá ở Cao Bằng, liệu xã có làm được không? Trồng thuốc lá, có công ty họ hỗ trợ vốn, lại sẵn sàng thu mua với giá 8000-10000đ/cân, tính ra mỗi ha thu 18 triệu, khá quá. Nhưng trồng thuốc lá là phải chịu khó, không được ăn cỗ uống rượu liên miên. Vàng Seo Sài đang hi vọng vào đợt vận động mới để dân bản tìm cách làm giàu. Còn một số việc mệt đầu nữa là nạn trộm cắp trâu đưa sang bán bên kia biên giới. Kể trộm không ở trong xã nên khó phát hiện. Chúng đến, lẻn vào chuồng dắt con trâu to nhất cuả nhà mình đi, tức lắm. Ông V. cán bộ văn phòng uỷ ban xã hồi trước bị mất trâu, tiếc quá lội qua sông Chảy đi tìm, bị chết đuối đấy. Còn cả việc có hai người dưới Bảo Thắng lên tuyên truyền dân theo đạo giáo nữa. Theo đạo thì nhà nước có cấm đâu, nhưng lên Lử Thẩn dụ dỗ người dân theo đạo mà chẳng có giấy tờ gì chứng minh là người của đạo nào. Lại còn hứa với Chủ miên ở xã, nếu rủ thêm được người nào theo đạo, mỗi tháng trả cho 600.000đ. Thế là có ý xấu rồi. Có 14 người đã nghe theo, nhưng vừa rồi có ba người lên uỷ ban xã báo cáo đã bỏ đạo. Chủ tịch xã cười bảo. “Lúc theo đạo có báo cáo đâu, giờ bỏ lại lên xã báo cáo?”
Cả hai ông chủ tịch xã đều kêu ca còn bận nhiều việc lắm. Nào là lo làm thêm nhà ở cho giáo viên miền xuôi lên cắm bản. Nó bỏ quê từ
Họ bảo tôi. Ngồi kể không hết chuyện đâu, mời nhà báo lên thăm dân bản, cái gì nhìn thấy, nghe thấy thì biết thôi. Tôi cũng nghĩ vậy và hứa ngày mai sẽ làm một cuộc thượng sơn lên các xã vùng cao của huyện Si. Ngày mai chắc hết sương mù. Cuộc hành trình sắp tới sẽ nhiều vất vả nhưng chắc chắn đầy thú vị. Tôi bắt chặt tay Vàng Seo Sài. Cho mình ăn cơm mèn mén với nhé!
PHƯƠNG QUÝ