• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sinh viên du lịch ‘tay trắng’ xin việc

Du lịch 26/06/2009 10:34

(Toquoc)-‘Không thực tế, kiến thức được đào tạo mơ hồ…’-một doanh nghiệp ‘vẽ’ chân dung của SV du lịch.

(Toquoc)- ‘Không thực tế, kiến thức được đào tạo mơ hồ…’- một doanh nghiệp ‘vẽ’ chân dung của sinh viên du lịch.

Doanh nghiệp “chê”

Anh Hà Văn Cường, Tổng Giám đôc Công ty Du lịch Trung Tâm Việt (Hà Nội), một cựu sinh viên lớp hướng dẫn, khoa Du lịch trường ĐH Văn Hoá, thuở “hàn vi” cũng từng “ôm” bằng cử nhân đi xin việc khắp nơi. Khi ấy, anh Cường thường nhận được những cái lắc đầu kèm theo lời phán khá “sốc”: “không kinh nghiệm thực tế, kiến thức mơ hồ chung chung, thậm chí siêu tưởng…”

Vậy là dù có bằng đại học nhưng vẫn “tay trắng”, anh Cường đành chấp nhận làm trái nghề để kiếm sống. Trong thời gian một năm ấy, anh Cường vẫn chạy vạy xin làm thêm ở một số công ty du lịch để tích luỹ kinh nghiệm.ư

Những hướng dẫn viên có kinh nghiệm đóng vai trò quan trọng cho một chuyến đi thành công (Ảnh Phạm Toàn)

Sau năm năm, anh Cường đã kịp có “lưng vốn” là Công ty du lịch Trung Tâm Việt. Tuy nhiên, mỗi một lần doanh nghiệp tuyển dụng, anh vẫn gặp những tân cử nhân “giống y mình hồi xưa”, đi xin việc mà chẳng biết làm việc gì(!).

Lý do mà anh Cường đưa ra không ngoài kinh nghiệm thực tế, yếu ngoại ngữ, khả năng giao tiếp với khách hàng, khả năng kinh doanh... quá hạn chế. “Trong quá trình học tại trường họ ít có điều kiện và cơ hội đi và làm việc thực tế nên yếu kém nhiều mặt kể cả với những công việc đơn giản như làm chương trình, tính giá tour”, anh Cường bày tỏ.

Không chỉ các doanh nghiệp lữ hành, cả các khách sạn, nhà hàng cũng gặp khó khi tuyển dụng, nhất là các vị trí lễ tân, buồng bàn, chế biến món ăn… Ông Bùi Văn Nam, điều hành khách sạn Hà Nội ASIA cho biết: “Từ năm 2007 đến nay khách sạn đã đổi bốn nhân viên lễ tân. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tuyển được người đáp ứng yêu cầu vì kiến thức của  ứng viên quá vênh so với thực tế công việc”.

Ông Nam cũng cho biết thêm, nhân viên chế biến món ăn tại khách sạn cũng không đạt yêu cầu, họ không phát huy được kiến thức đã học ở trường để hỗ trợ cho việc chế biến món ăn tại khách sạn.

Sinh viên “than”

Thanh Phương, tốt nghiệp khoa Chế biến món ăn trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội phản ánh một thực tế không biết nên khóc hay cười: Thời gian học tại trường là hai năm rưỡi trong đó thực hành chế biến món ăn chỉ chiếm 40% thời lượng chương trình học với rất nhiều những món ăn; Âu. Á, Mỹ…cao cấp. Mỗi buổi học chúng em phải thực hành ba món cao cấp như vậy nên rất khó nhớ, còn thực hành ở các khách sạn thì lại không có những món đó, hoặc nếu có lại mang tên gọi khác, cách chế biến cũng khác. Các khách sạn thường chế biến các món thấp cấp hơn, gần gũi hơn nhưng chúng em lại không được đào tạo nên: trên không xong, dưới cũng chẳng xuôi”.

Tiết thực hành phục vụ: Lễ tân, bàn, buồng, Trường Cao đẳng Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang

Thiếu thốn cơ sở vật chất; phòng thực hành, thuyết trình… cũng là nguyên nhân khiến chất lượng học tập không cao. Bạn H.D, sinh viên khoa Hướng dẫn (trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) cho biết: “Điều kiện để sinh viên đi thực tế ở các tuyến điểm rất hạn chế vì còn liên quan đến kinh phí, thời gian…”. Có lẽ chính vì vậy mà H.D ước ao: “giá mỗi phòng thực hành có một máy chiếu, giáo trình học thực tế có thể thay bằng hình ảnh, phim về các tuyến điểm chắc sẽ rất hiệu quả”.

Anh Lê Cẩm Vịnh cũng đưa ra một góc nhìn thực tế sau khi tốt nghiệp khoa Du lịch trường Đại học Văn hoá: “Những sinh viên của Khoa Du lịch Đại học Văn hóa sau khi ra trường thường gặp khó khăn về ngoại ngữ vì đầu vào là khối C (Văn- Sử- Địa) trong đó có những người ở bậc phổ thông chưa từng biết tới ngoại ngữ hoặc như mình học tiếng Pháp sau lên Đại học lại học Anh văn. Mặt khác thời lượng dành cho môn ngoại ngữ trong trường quá ít và học kiểu “cưỡi máy bay phản lực xem hoa” nên phần lớn sinh viên ra trường khó lòng “đầu quân” được cho các công ty chuyên Lữ hành quốc tế.

Đánh giá về chất lượng của những sinh viên sau khi tốt nghiệp hay có thời gian thực tập tại công ty, bà Dương Mai Lan, Công ty Du lịch Vietravel nói: Nhìn chung, phần lớn sinh viên ra trường đều có kiến thức nền, tuy nhiên về tính thực tế chưa đáp ứng được đòi hỏi của doanh nghiệp vì sự biến đổi của xã hội rất nhanh so với kiến thức cơ bản. Hầu hết sinh viên đều thiếu khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và kinh nghiệm thực tế cả chuyên môn nghiệp vụ lẫn kiến thức xã hội.

Đây là một thực tế đang tồn tại trong cách thức đào tạo nhân lực du lịch hiện nay. Bà Lê Giang, Giám đốc công ty du lịch Bến Thành- Hà Nội đưa ra lời giải “bài toán” này: “Trước hết ngành học phải đáp ứng được nhu cầu cần thiết của xã hội và doanh nghiệp. Nên đào tạo theo hướng “đặt hàng” của doanh nghiệp để sinh viên khi ra trường có thể thích ứng ngay môi trường làm việc mới. Thời gian thực tập nên dài hơn đủ để sinh viên nắm bắt được thông tin và những yêu cầu từ doanh nghiệp”.

Vậy là, trong lúc các cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành du lịch loay hoay tìm cách nâng cao chất lượng dạy và học, còn sinh viên của họ sau khi ra trường 2, 3 năm vẫn chưa kiếm được việc làm và còn phải “trau dồi” kinh nghiệm thực tế(!?).

Bài 2: Đào tạo nhân lực du lich: Chuyện dạy và học

Phạm Toàn

NỔI BẬT TRANG CHỦ