• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sinh viên thất nghiệp có một phần do chất lượng đầu vào thấp

Giáo dục 20/08/2018 17:44

(Tổ Quốc) - Đó là ý kiến chia sẻ của ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội - cơ quan giám sát của Quốc hội về lĩnh vực giáo dục, trước vấn đề tuyển sinh đại học năm nay của các trường khi chỉ cần 13 điểm là đỗ đại học.

Ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội: Nguồn Quốc hội 

PV: Ông có chia sẻ gì về công tác tuyển sinh đại học năm nay, khi mà chỉ cần 13 điểm là đỗ đại học?

Ông Phạm Tất Thắng: Có bột mới gột nên hồ. Đầu vào tốt là điều kiện cần để đầu ra tốt. Việc các trường lấy điểm thấp sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đầu ra. Điều này cũng có thể lý giải một phần vì sao sinh viên của chúng ta ra trường thất nghiệp, không xin được việc làm, bởi thực tế hiện nay vấn đề giáo dục đại học của chúng ta cũng đang có nhiều vấn đề cần phải xem xét và thay đổi. Đào tạo không tập trung, dàn trải, giáo trình nghèo nàn, mang nặng lý thuyết, thiếu kiến thức thực tế…nên sinh viên ra trường không làm được việc và lại phải mất thời gian để đào tạo lại – học việc. Điều này vừa gây lãng phí về mặt thời gian cũng như sự bất hợp lý về vấn đề nguồn nhân lực trong xã hội.

PV: Vậy theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến việc các trường lấy điểm đầu vào thấp như vậy?

Ông Phạm Tất Thắng: Sở dĩ năm nay các trường đại học lấy điểm đầu vào thấp như vậy (chỉ 13 điểm là đỗ đại học) có một phần nằm ở việc đề thi THPT Quốc gia. Năm nay, theo đánh giá của các chuyên gia mức độ đề khó hơn năm ngoái. Ra đề khó nên mặt bằng điểm thấp hơn so với năm ngoái. Cùng với đó, những năm gần đây có hiện tượng nguồn tuyển của các trường đại học top dưới gặp khó khăn, vì thế các trường cũng đưa ra điểm xét tuyển thấp để nhằm thu hút được thí sinh, đảm bảo chỉ tiêu đào tạo của nhà trường…

PV: Vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án luật Giáo dục sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi THPT Quốc gia. Được biết Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đang nghiêng về ý kiến giữ lại và duy trì kỳ thi này. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Ông Phạm Tất Thắng: Hiện nay Luật giáo dục của chúng ta có quy định học sinh học xong một cấp học phải trải qua kỳ thi, mặc dù luật không nói rõ là kỳ thi gì. Kỳ thi THPT Quốc gia đã được triển khai mấy năm qua, trong kỳ thi này có chất lượng rất khác nhau giữa các vùng miền. Vì thế, nếu không tổ chức thi chung như vậy thì rất khó để đánh giá chất lượng đào tạo ở các địa phương. Thông qua kỳ thi này sẽ xác định được mặt bằng chất lượng giảng dạy cũng như kết quả chung của học sinh cả nước. Đồng thời, thông qua kết quả của kỳ thi này, thí sinh có thể dễ dàng đăng ký tham gia vào các chương trình đào tạo trong nước và quốc tế.

PV: Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 đã bộc lộ nhiều lỗ hồng bằng việc phát hiện hàng loạt sai phạm tại các địa phương. Ông có ý kiến gì về việc này?

Ông Phạm Tất Thắng: Đúng là kỳ thi THPT Quốc gia năm nay (2018) đã bộc lộ nhiều khuyết điểm. Quan điểm của chúng ta là lỗ hổng ở đâu thì bịt ở đó, sai ở đâu thì sửa ở đó. Chính phủ cũng thống nhất việc tiếp tục kỳ thi này đến hết năm 2020.  Thời điểm đó, khi mà chương trình sách giáo khoa mới được biên soạn xong và đưa vào thực tế, sau đó sẽ xem xét để xác định hình thức thi nào phù hợp. Việc duy trì kỳ thi này cũng là để ổn định tâm lý của học sinh và người dân.

Năm 2019, kỳ thi THPT Quốc gia sẽ có nhiều thay đổi, tuy nhiên nền tảng và phương thức cơ bản của kỳ thi vẫn sẽ được giữ nguyên nên không gây ảnh hưởng hay xáo trộn cho tâm lý của học sinh.

Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho Báo Điện tử Tổ Quốc!

Trả lời phóng viên Báo Điện tử Tổ Quốc, ông Lưu Bình Nhưỡng đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho rằng, việc các trường đại học lấy 13 điểm đầu vào là điều đáng buồn, tuy nhiên cũng không nên đặt nặng quá vấn đề 13 hay 12 điểm vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố và phải xem liệu bản chất của đề thi có thực sự khó hay không. Nếu đề thi khó thì 13 điểm cũng chưa phải là thấp.

Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng có ý kiến cho rằng, việc các Đại học vùng lấy lý do đào tạo cho miền núi nên lấy điểm đầu vào thấp là không hợp lý “Tôi cho rằng không nên lấy lý do này. Vì nếu lấy việc đào tạo cho miền núi mà hạ điểm thì mãi mãi giáo dục miền núi sẽ không phát triển được.  Có lẽ chúng ta nên xem xét việc bỏ điểm vùng, điểm ưu tiên, để tạo ra sự công bằng giữa học sinh miền núi và miền xuôi. Chúng ta có nhiều cách để hỗ trợ cho giáo dục miền núi chứ không nên cộng điểm như vậy. Cộng điểm như hiện nay thì không đánh giá được thực chất trình độ của học sinh cũng như chất lượng giáo dục tại miền núi để từ đó có những phương thức điều chỉnh cho phù hợp”.

Vi Phong

 

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ