(Tổ Quốc) - Công nghiệp văn hóa (CNVH) là một khái niệm tương đối mới mẻ tại Việt Nam mặc dù với nhiều nước phát triển trên thế giới đã có ngành CNVH rất phát triển. Để có thể đưa CNVH thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, một trong những yếu tố quan trọng là đào tạo đội ngũ lao động làm việc trong lĩnh vực này.
Trong xu thế hội nhập thế giới, việc bắt kịp các xu hướng phát triển cũng như tận dụng những cơ hội để hòa nhập với mạng lưới văn hóa toàn cầu là cơ hội và cũng là thách thức để đào tạo ra những lao động có đầy đủ kiến thức, kỹ năng phục vụ cho quá trình này.
Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho các ngành CNVH, trường ĐH Văn hóa TP.HCM (ĐHVHTP.HCM), một trong những trường đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành Văn hóa nghệ thuật, đã có những bước khởi đầu nhằm đào tạo ra những lao động có chất lượng cho lĩnh vực này.
Tại trường ĐHVHTP.HCM, chuyên ngành CNVH thuộc Khoa Văn hóa học ra đời khoảng 4 năm về trước chính là sự cụ thể hóa của chủ trương "Các ngành CNVH là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành CNVH", là nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển các ngành CNVH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mà Chính phủ đã phê duyệt ngày 08/9/2016. Một trong những mục tiêu chủ yếu của Chiến lược là đến năm 2030, phấn đấu doanh thu của các ngành CNVH đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.
Là một trường đào tạo chuyên sâu về các chuyên ngành Văn hóa nghệ thuật, Nhà trường khẳng định, việc ra đời của Chuyên ngành đào tạo này trong khi nhu cầu về lực lượng lao động trong các ngành CNVH ngày được mở rộng, tạo thành một lực lượng lao động riêng, gắn kết giữa tính sáng tạo, văn hóa và các phương thức kinh doanh nhằm hướng đến sự thỏa mãn nhu cầu văn hóa đa dạng của người dân là thực sự cần thiết.
Với chương trình đào tạo, Nhà trường xác định các cử nhân CNVH sẽ được đào tạo một chương trình đáp ứng trên cả ba mục tiêu: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Trong các khóa học tại Trường, sinh viên chuyên ngành CNVH được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản cũng như chuyên sâu để phục vụ cho công tác chuyên môn sau khi tốt nghiệp.
Tham gia đào tạo chuyên ngành CNVH tại Trường, về kiến thức, sinh viên được đào tạo và cung cấp các kiến thức về nguồn lực phát triển các ngành CNVH (nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính), thị trường sản phẩm văn hóa, vấn đề bản quyền, quyền tác giả, quyền liên quan, phát triển khán giả, xây dựng thương hiệu cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật, làm cơ sở đề xuất các giải pháp phát triển các ngành CNVH phù hợp với bối cảnh của đất nước trong thời kỳ hội nhập. Đồng thời được cung cấp các kiến thức chuyên sâu về nghiệp vụ quản lý quy trình sáng tạo, sản xuất, dịch vụ, phân phối và tiêu dùng sản phẩm văn hóa trong các ngành CNVH để có thể làm việc trong môi trường hiện đại, đa văn hóa, không gian sáng tạo và khởi nghiệp.
Ngoài những kiến thức về ngành nghề, lĩnh vực đặc biệt này, sinh viên cũng được đào tạo và thực hành chuyên sâu các kỹ năng như: phân tích, tổng hợp, đánh giá chất lượng công việc; tổ chức, điều hành, quản lý; phản biện, phê phán và sử dụng các giải pháp thay thế; khởi nghiệp; tổ chức hoạt động sản xuất và phân phối các sản phẩm công nghiệp văn hóa để có thể làm việc trong môi trường đa văn hóa ở Việt Nam và quốc tế; quay phim, chụp ảnh, tổ chức sự kiện... ứng dụng vào việc phát triển các ngành CNVH cụ thể (quảng cáo, mỹ thuật, triển lãm, thời trang...).
Lựa chọn theo học chuyên ngành này, một sinh viên đang theo học tại Trường cho biết, em mong muốn được làm việc trong môi trường dịch vụ, doanh nghiệp, sản xuất các sản phẩm về thời trang, điện ảnh, du lịch, quảng cáo, sự kiện có tính văn hóa và trau dồi bản thân với nhiều kỹ năng có ích cho bản thân sau này.
Chỉ qua một học kỳ học tập tại trường, sinh viên này đã được học nhiều kiến thức hữu ích về văn hóa con người, được rèn luyện nhiều kỹ năng như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng phân tích, tổng hợp ý kiến tập thể, kỹ năng phản biện, kỹ năng truyền đạt, thuyết phục và giải pháp khởi nghiệp trong lĩnh vực CNVH như du lịch, điện ảnh, mỹ thuật, kiến trúc, xuất bản, kỹ năng về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu sáng tạo, sản xuất, phân phối sản phẩm và dịch vụ văn hóa…
Có thể nói, sự phát triển của xã hội về mọi mặt trong thời gian gần đây đã khiến cho xu hướng về cơ hội nghề nghiệp cho các sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành đào tạo về văn hóa có những phân cực rõ rệt. Trong đó, xu hướng đầu tiên chính là một số ngành nghề trở nên bão hòa, nhu cầu của xã hội giảm dần, trái lại, ở xu hướng thứ hai chính là ở một số lĩnh vực, ngành nghề được tạo cơ hội để phát triển, nhu cầu của xã hội cũng ngày tăng lên, cơ hội nghề nghiệp rộng mở, trong đó có CNVH.
Chính sự đa dạng cũng như các cơ hội nghề nghiệp mà sinh viên theo học chuyên ngành CNVH có thể đáp ứng sau khi tốt nghiệp như, làm việc trong các lĩnh vực hoạt động sáng tạo, sản xuất, phân phối dịch vụ CNVH (Điện ảnh, Quảng cáo, Thời trang, Thủ công mỹ nghệ, Nghệ thuật biểu diễn...), trong lĩnh vực kinh doanh văn hóa, trong lĩnh vực du lịch, hay quản lý nghiệp vụ văn hóa tại các tổ chức, cơ quan thuộc ngành văn hóa- nghệ thuật, thông tin, du lịch, thậm chí là những công việc trong lĩnh vực truyền thông… đã khiến cho nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT quyết định lựa chọn học chuyên ngành này.
Trong xu hướng tuyển sinh đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực văn hóa truyền thống đang ngày càng gặp khó khăn, do ít người lựa chọn theo học, thêm vào đó, việc hội nhập với thế giới qua văn hóa là xu thế của thời đại, thì việc phát triển và tập trung đầu tư đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành CNVH là việc các trường đào tạo về văn hóa cần tính đến. Đây không chỉ là một trong những ngành mới có thể thu hút đông học viên mà còn bởi những cơ hội mà ngành nghề này mang lại cho sự phát triển và hội nhập của văn hóa Việt Nam với thế giới trong một tương lai của CMCN 4.0.