• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Số hoá di sản văn hoá

29/03/2010 08:53

(Cinet)-Dự án Hệ thống thông tin điện tử văn hoá xã hội do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) làm chủ quản, Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ VH,TT&DL) làm chủ đầu tư đã chính thức được khởi động. Đây được coi là dự án lớn nhất, dài hơi nhất và cũng nhận được nhiều kỳ vọng nhất từ những ai nặng lòng với di sản văn hoá nước nhà.

(Cinet)-Dự án Hệ thống thông tin điện tử văn hoá xã hội do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) làm chủ quản, Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ VH,TT&DL) làm chủ đầu tư đã chính thức được khởi động. Đây được coi là dự án lớn nhất, dài hơi nhất và cũng nhận được nhiều kỳ vọng nhất từ những ai nặng lòng với di sản văn hoá nước nhà.

Ước tính, có tới 10 vạn di sản văn hoá phi vật thể, hơn 10 nghìn lễ hội, di tích, di chỉ… cần được lưu giữ bằng công nghệ số và thời gian thực hiện trong 5 năm (2010- 2015) với mục tiêu cơ bản của dự án Hệ thống thông tin điện tử văn hoá xã hội là lưu giữ, bảo tồn các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể trước nguy cơ đang mai một dần.

Bên cạnh việc tìm kiếm, phân loại, lưu giữ tài nguyên văn hoá, dự án sẽ hình thành một cổng thông tin quốc gia về văn hoá, mà theo những người thực hiện, thì đây sẽ là một bảo tàng số đầy đủ, chân thực. Mọi người có thể theo dõi đầy đủ hồ sơ, tư liệu và hình ảnh của các di sản văn hoá đang nằm rải rác trên khắp mọi miền đất nước chỉ bằng những cái kích chuột.

Theo ông Mai Linh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin- Chủ đầu tư của dự án- ngoài việc nhằm lưu giữ tài nguyên văn hoá, dự án còn có tác dụng rất lớn trong việc quảng bá hình ảnh văn hoá đặc sắc của Việt Nam. Những di sản đầu tiên được số hóa sẽ là các công trình kiến trúc của Hà Nội xưa như Văn miếu Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, sau đó là các di sản ở khắp các địa phương trên cả nước.Bảo tàng số là một hình thức mới mẻ và tiện lợi. Người ta có thể dạo quanh từ Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Mỹ thuật… với những thao tác rất đơn giản và nhanh chóng.

Có thể nói, giá trị lưu giữ và tuyên truyền trong việc số hoá di sản là không thể bàn cãi. Điều đó đồng nghĩa với việc di tích lịch sử sẽ được xây dựng lại theo công nghệ 3D, phục dựng lại các không gian di tích đã hoàn toàn biến mất trên thực tế.

Theo đó, những hồ sơ trình lên UNESCO sẽ thêm phần phong phú, đa dạng theo đúng chuẩn quốc tế. Chưa kể những lễ hội, những buổi trình diễn của các nghệ nhân sẽ tiếp tục được lưu truyền.

Tuy nhiên, để có thể số hoá di sản, khôi phục các giá trị văn hoá đã và đang mai một là một thách thức không nhỏ.

Trong cuộc Hội thảo “Di sản văn hoá và số hoá không gian di tích” mới được Trung tâm Công nghệ thông tin tổ chức, nhà nghiên cứu văn hoá Chăm, Inrasara (Phú Trạm), hy vọng số hoá 3D sẽ cứu được nhiều di sản văn hoá Chăm đã và đang mất dần.

Ông Inrasara chia sẻ: Dân tộc Chăm đã sáng tạo một nền văn học dân tộc phong phú và đặc sắc, nhưng sau hai trăm năm không được chăm sóc, đã bị thất tán rất nhiều. “Một công trình kiến trúc bị tàn phá, người ta có thể phục chế và tôn tạo để người đời sau thưởng lãm; một nền văn học không còn thế hệ kế thừa sáng tạo, nhà nghiên cứu có thể sưu tầm, dịch thuật để đưa vào thư viện lưu trữ; nhưng một ngôn ngữ “sống” bị mất đi, thì nhân loại hết cơ hội phục hồi nó”. 

PGS. TS Tống Trung Tín- Viện trưởng Viện khảo cổ học-cho biết: Các kinh đô cổ của Việt Nam nói chung hầu như đã biến mất khỏi lòng đất. Trên mặt đất may mắn còn sót lại chút ít đoạn tường thành, một vài cổng thành hay một vài nến móng kiến trúc cung điện. Ngay như kinh đô Huế, các kiến trúc cung điện cũng bị phá huỷ rất nhiều. Vì vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu về các kinh đô cổ vẫn luôn là một việc lâu dài và khó khăn.

PGS Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán nôm, trong nỗi trăn trở về những tấm bia đang có nguy cơ bị hư hại, thất lạc bởi quá trình hiện đại hoá đô thị, mừng vì đã có tiền đề cho một ngân hàng dữ liệu văn bia số phục vụ công tác bảo tồn.

Ở một góc nhìn khác, nhà văn Nguyên Ngọc lo ngại về một không gian văn hoá giả đang tồn tại ở vùng Tây Nguyên. Theo nhà văn, cái nhà Rông mà người ta vẫn kéo nhau nườm nượp tham quan theo các tour du lịch kia, đâu có phải văn hoá Tây Nguyên đích thực. Mất đi không gian văn hoá, các lễ hội như lễ hội cồng chiêng, sẽ không còn “hồn”, chẳng khác nào màn kịch được diễn trên sân khấu.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Cục Di sản Văn hoá (Bộ VH,TT&DL) lạc quan cho rằng, nếu có một bảo tàng số đẹp, hiện đại, chắc chắn sẽ kích thích người xem đến tận nơi chiêm ngưỡng di sản.

Theo PGS.TS Đinh Ngọc Vượng- Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Khi thực hiện xong dự án, không chỉ người Việt Nam mà thế giới có thể truy cập vào, có thể tìm hiểu về di sản văn hoá Việt Nam, cả vật thể và phi vật thể. Người ta có thể thấy cả Hoàng thành Thăng Long được phục dựng, biết hoàng cung thế nào, vua ngồi ở đâu, thậm chí, cả những chi tiết trên long bào….Tất cả là nhờ công nghệ 3D. Có thể nói, khi hoàn thành, Hệ thống Thông tin điện tử văn hoá, xã hội là một bảo tàng điện tử về di sản.

Sử dụng công nghệ cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa dưới dạng ảo không còn là mới so với thế giới, nhưng là một công việc không đơn giản trong hoàn cảnh của Việt Nam. Sự hôn phối giữa tư duy văn hóa và tư duy công nghệ vẫn là một câu hỏi lớn.

Vì vậy, nỗ lực bảo tồn các di sản văn hóa, khôi phục các giá trị văn hóa không chỉ cần đến tiền của, công sức mà còn cần đến sự hiểu biết tường tận về khoa học trong lĩnh vực di sản và sử dụng công nghệ 3D cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa là một giải pháp mà nhiều nước trên thế giới đã làm.

 

HLL

NỔI BẬT TRANG CHỦ