• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Số hóa dữ liệu lễ hội: Nâng cao hiệu quả quản lý lễ hội

Văn hoá 01/08/2021 15:04

(Tổ Quốc) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 2139/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt Đề án "Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025", nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, thống nhất chuyên môn hóa về nghiệp vụ lưu trữ trong lĩnh vực lễ hội.

100% lễ hội được số hóa dữ liệu

Đề án sẽ tập trung thu thập các thông tin cơ bản nhằm rà soát, đánh giá thực trạng lễ hội ở nước ta phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Việt Nam. Qua đó tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội; góp phần chuyển đổi phương thức quản lý dữ liệu lưu trữ truyền thống sang quản lý, lưu trữ điện tử, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội truyền thống.

Số hóa dữ liệu lễ hội: Nâng cao hiệu quả quản lý lễ hội - Ảnh 1.

Đề án nhằm số hóa 100% dữ liệu các loại hình lễ hội truyền thống Việt Nam

Đề án được triển khai thực hiện trong thời gian 5 năm, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I từ 2021 - 2022, với các nội dung: Điều tra, thống kê các loại hình lễ hội tại Việt Nam; đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin; xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và Cổng thông tin về Lễ hội Việt Nam; số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội truyền thống. Giai đoạn II từ 2023 - 2025 sẽ tiến hành số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài; hoàn thiện phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và Cổng thông tin về Lễ hội Việt Nam; đào tạo tập huấn khai thác sử dụng phần mềm; duy trì, vận hành.

Mục tiêu cụ thể của đề án nhằm số hóa 100% dữ liệu các loại hình lễ hội truyền thống. Theo đó, những dữ liệu được số hóa đảm bảo chất lượng, sử dụng hiệu quả trong công tác quản lý và cập nhật bổ sung định kỳ các loại hình lễ hội truyền thống; hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quản lý các loại hình lễ hội truyền thống, đảm bảo sử dụng hiệu quả. Bên cạnh đó, đầu tư hoàn thiện trang thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và Cổng thông tin về Lễ hội truyền thống Việt Nam.

Lâu nay, dư luận và báo chí vẫn nêu con số Việt Nam có hơn 8.000 lễ hội, tuy nhiên đây là con số được đưa ra trên cơ sở các địa phương thống kê với những phương pháp khác nhau, tiêu chí chưa rõ ràng. Do vậy, việc số hóa dữ liệu lễ hội cũng là dịp "tổng kiểm kê" với những tiêu chí được xây dựng đảm bảo tính khách quan, chính xác. Điều này rất cần thiết đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội hiện nay…

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: "Số hóa dữ liệu lễ hội có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong việc giữ gìn, bảo quản tư liệu một cách hiệu quả, lâu bền, phù hợp với xu thế công nghệ mới, mà còn thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực di sản có ý nghĩa đối với việc khẳng định giá trị văn hóa Việt Nam, để các di sản này có thể phát huy tiềm năng, tạo động lực cho sự phát triển chung của đất nước".

Phối hợp các nguồn lực thực hiện

Ông Nguyễn Quốc Huy, Trưởng Phòng Nếp sống văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở cho biết, với số lượng lễ hội trong cả nước lớn, loại hình phong phú, đề án số hóa sẽ triển khai khối lượng công việc khá lớn, bao gồm: Điều tra, thống kê các loại hình lễ hội; số hóa, chuẩn hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội; xây dựng, vận hành phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu nhập số liệu điều tra, Cổng thông tin về Lễ hội Việt Nam và bổ sung trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ việc nhập liệu, xử lý, tổng hợp và khai thác cơ sở dữ liệu; đào tạo, tập huấn khai thác sử dụng phần mềm; duy trì, vận hành hằng năm. Việc xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu về lễ hội Việt Nam cho phép lưu trữ, quản lý, khai thác và báo cáo từ các nguồn dữ liệu số hóa và điều tra thống kê, đảm bảo việc tra cứu thuận tiện đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước về lễ hội, có khả năng tích hợp, chia sẻ và kết nối với các cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ VHTTDL, hệ thống đảm bảo an toàn dữ liệu. Cơ sở dữ liệu quản lý trên phần mềm sẽ được đẩy lên Cổng thông tin Lễ hội Việt Nam, phục vụ nhu cầu tra cứu, quảng bá về giá trị văn hóa của lễ hội Việt Nam…

Số hóa dữ liệu lễ hội: Nâng cao hiệu quả quản lý lễ hội - Ảnh 2.

Số hóa dữ liệu lễ hội là một công việc đòi hỏi huy động sự quan tâm, tham gia của toàn xã hội

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, số hóa dữ liệu lễ hội là một công việc đòi hỏi huy động sự quan tâm, tham gia của toàn xã hội. Đề án có giao cho Cục Văn hóa cơ sở chủ trì nhưng cần sự phối hợp, hỗ trợ của nhiều đơn vị để có thể số hóa kho dữ liệu di sản lễ hội đồ sộ này.

"Việc số hóa nên được bắt đầu bằng hoạt động tổng hợp toàn bộ các dữ liệu về lễ hội tại các đơn vị đang thực hiện công tác lưu trữ di sản văn hóa như Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Viện Âm Nhạc, Cục Di sản văn hóa, Vụ Văn hóa dân tộc… và các Sở VHTTDL, Sở VH&TT các tỉnh, TP trong cả nước. Tiếp theo đó là việc chuẩn bị nguồn lực để thực hiện đề án. Bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, phù hợp thì khâu chuẩn bị nguồn nhân lực cũng cần phải chú ý đầy đủ. Hợp tác quốc tế là một hướng đi đúng khi chúng ta biết rằng trên thế giới đã có nhiều trung tâm dữ liệu di sản, nhiều kinh nghiệm về việc số hóa di sản, trong đó có lễ hội, và việc chúng ta tham gia vào các mạng lưới, trung tâm này giúp chúng ta không chỉ có thêm kinh nghiệm, nguồn vốn hỗ trợ, mà còn giúp quảng bá di sản văn hóa Việt Nam, khẳng định vị trí văn hóa dân tộc trong dòng chảy chung của văn hóa thế giới"- PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết.

Bên cạnh đó, theo ông Bùi Hoài Sơn, cần huy động nguồn lực toàn xã hội trong việc tham gia thực hiện đề án. Nhiều sáng kiến hay, kinh nghiệm tốt của các cá nhân, doanh nghiệp, đặc biệt từ các bạn trẻ năng động, sẽ giúp cho hoạt động số hóa có hiệu ứng xã hội tốt hơn. Đó cũng là một trong số những mục đích của đề án số hóa dữ liệu lễ hội./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ