• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Số hóa giấy chứng nhận F0

Thời sự 15/03/2022 14:46

(Tổ Quốc) - Từ năm ngoái, người dân được yêu cầu cài app để khai báo y tế liên quan COVID-19, nhưng nay các F0 vẫn phải đến trạm y tế phường/xã khai báo và chờ được cấp giấy chứng nhận. Với việc trở lại cách làm thủ công như thế trong thời đại 4.0, xem ra chuyển đổi số khó len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống.

Mắc COVID-19, F0 gọi điện đến trạm y tế phường và được đề nghị đến cơ sở y tế này để làm xét nghiệm nhanh, đồng thời mang thêm que xét nghiệm dương tính tại nhà để đối chiếu, sau đó khai báo y tế và ký cam kết cách ly tại nhà. Lực lượng y tế mỏng do nhân viên y tế cũng mắc COVID-19, thế là tại trạm y tế, F0 vừa khỏi bệnh và F0 mới đều phải chờ đợi…

Tình trạng người dân chen chúc chờ test hoặc lấy giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 diễn ra ở nhiều địa phương trong những ngày qua. Để có được tờ giấy A4 xác nhận khỏi Covid- 19 mà bao người phải tập trung lại, bất chấp nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Việc người dân tự giác khai báo khi mắc COVID-19 để được chăm sóc y tế và hưởng chính sách hỗ trợ cũng như hưởng bảo hiểm xã hội là cần thiết, nhưng thủ tục cấp giấy chứng nhận lằng nhằng, mất nhiều thời gian như thế thì chẳng thể trách người dân chần chừ, e ngại, thậm chí không khai báo y tế.

Số hóa giấy chứng nhận F0 - Ảnh 1.

Rất đông người dân chen chân trước cửa vào để chờ làm thủ tục xin giấy xác nhận khỏi Covid-19 tại trạm y tế lưu động ở phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Ảnh chụp ngày 7/3 vừa qua.

Hiện nay, số ca nhiễm được ghi nhận mỗi ngày tăng cao, lên đến hơn 160.000 ca (ngày 14/3); hầu hết các ca mắc mới được điều trị, cách ly tại nhà. Gánh nặng điều trị, giám sát cách ly đang dồn lên lực lượng y tế tuyến cơ sở. Thêm việc cấp giấy chứng nhận F0 thì nhiệm vụ của y tế tuyến cơ sở thực sự quá tải. Trong khi đó, việc số hóa quy trình khai báo và xác nhận F0 vừa thuận tiện, giảm đi lại cho người dân, vừa giúp cơ quan chức năng thống nhất hệ thống dữ liệu, giảm tải cho các cơ sở y tế. Vậy mà chủ trương đã chậm hơn thực tiễn; khi xảy ra tình trạng lộn xộn, ùn tắc ở các trạm y tế cơ sở thì các địa phương mới thay đổi hình thức xác nhận F0.

Chẳng hạn, từ ngày 11/3, Sở Y tế TPHCM triển khai chuyển đổi số công tác quản lý F0 cách ly tại nhà. F0 chỉ cần ở nhà thực hiện theo 2 quy trình: khai báo và cấp giấy hoàn thành cách ly y tế tại nhà.

Hà Nội thay đổi quy trình cấp giấy chứng nhận F0 bằng cách sử dụng điện thoại, mạng Zalo, cập nhật thông tin lên phần mềm quản lý F0 và hệ thống thông tin giám định của Bảo hiểm xã hội…

Tại Đà Nẵng, Trung tâm Y tế các quận, huyện, trạm y tế cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin như tạo nhóm Zalo quản lý F0 để người dân đăng ký nhu cầu cấp giấy chứng nhận nghỉ việc, hưởng bảo hiểm xã hội, đặt lịch hẹn trả kết quả... Sở Y tế Đà Nẵng và Hà Nội còn hướng dẫn việc xác nhận tình trạng mắc COVID-19 bằng cách quay lại toàn bộ quá trình tự xét nghiệm và sau đó gửi cho nhân viên y tế qua Zalo.

Tháng 6/2020, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030, giáo dục và y tế được xếp ở vị trí đầu tiên vì đây là hai ngành tác động đến nhiều người nhất. Hiểu đơn giản, chuyển đổi số (Digital Transformation) là ứng dụng công nghệ số để thay đổi, chuyển đổi cách làm truyền thống. Chuyển đổi số y tế là ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện, tập trung vào người bệnh, thay đổi mô hình và cách thức cung cấp dịch vụ y tế nhằm tạo thuận tiện nhất cho người dân.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn thế giới, nhất là trong lúc thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả COVID-19 để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đại dịch COVID-19, nhiều nền tảng công nghệ đã ra đời, từ khai báo y tế, đến truy vết ca mắc, tiêm chủng… Từ năm ngoái, người dân được yêu cầu cài app để khai báo y tế liên quan COVID-19. Vấn đề đặt ra là chúng ta đã có chủ trương chuyển đổi số, đã và đang thực hiện chuyển đổi số, thì chủ trương này cần đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống kịp thời và phù hợp, chứ không phải chờ xảy ra những bất cập rồi mới dùng công nghệ để chuyển đổi, khắc phục. Điều mà người dân mong muốn vẫn là sự thuận tiện nhất, giảm thời gian đi lại, giảm thời gian chờ đợi, bảo đảm an toàn trong bối cảnh dịch bệnh… 

Ánh Dương

NỔI BẬT TRANG CHỦ