(Tổ Quốc)- Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn 2 đã bổ sung thêm 40 đầu sách và ra mắt ngày 10/10 tại Thư viện Quốc gia, Hà Nội.
Tiếp nối Dự án điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến (giai đoạn 1), do NXB Hà Nội thực hiện để chào mừng Thủ đô ngàn năm tuổi vào năm 2010, giai đoạn 2 của dự án được triển khai từ năm 2013 đến nay, với nhiều hoạt động nhằm hệ thống hóa mọi mặt của Thăng Long- Hà Nội qua tiến trình 1.000 năm lịch sử.
Tủ sách đã được bổ sung thêm 40 đầu sách với 74 tập thuộc tất cả các lĩnh vực: Địa lý, Lịch sử, Kinh tế- Văn hóa- Xã hội, Văn học Nghệ thuật, Tư liệu
Trong 7 năm thực hiện, đến nay, tủ sách đã đạt được những thành công đáng mong đợi. Trong đó, ở hạng mục sưu tầm, tủ sách đã được bổ sung tư liệu nước ngoài về Thăng Long- Hà Nội (tại Anh, Pháp và Hà Lan) với trên 9.000 trang tư liệu, gấp gần 2 lần kế hoạch và xây dựng hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long trên địa bàn 30 quận huyện.
Nhiều tư liệu quý về Thăng Long- Hà Nội được sưu tầm, biên soạn và số hóa. Ở hạng mục biên soạn và xuất bản, tủ sách đã được bổ sung thêm 40 đầu sách với 74 tập thuộc tất cả các lĩnh vực: Địa lý, Lịch sử, Kinh tế- Văn hóa- Xã hội, Văn học Nghệ thuật, Tư liệu tổng hợp với dung lượng hơn 50.000 trang.
Tủ sách xuất bản 20 đầu sách phổ thông phục vụ rộng rãi bạn đọc nhiều lứa tuổi, thành phần
Các đầu sách được tổ chức nghiên cứu, biên soạn chặt chẽ, nghiêm túc như thực hiện các đề tài khoa học thông qua một quy trình nghiêm túc từ khâu đề cương cho đến hoàn thiện bản thảo sau nghiệm thu.
Ngoài ra, tủ sách còn xuất bản 20 đầu sách phổ thông phục vụ rộng rãi bạn đọc nhiều lứa tuổi, thành phần. Ở hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin, hiện nay, Tủ sách đã được số hóa toàn bộ sách và tư liệu thuộc giai đoạn 1 và sẽ tiếp tục tổ chức số hóa sách và tư liệu giai đoạn 2 nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội. Số trang sách và tư liệu đưa vào số hóa lên đến hơn 200.000 trang giúp việc nghiên cứu và tìm hiểu thông tin được thuận lợi, dễ dàng hơn.
Theo Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Hà Nội Lê Tiến Dũng, ở giai đoạn 2, NXB Hà Nội đã tổ chức điều tra, khảo sát nguồn tư liệu văn hiến về Thăng Long- Hà Nội từ thực địa và tại các cơ quan lưu trữ trung ương, địa phương. Đặc biệt, những vùng đất mới của Hà Nội mở rộng được tập trung nghiên cứu. Sự tiếp nối tạo nên những công trình sách giá trị về Thăng Long- Hà Nội như thế, sẽ giúp bạn đọc hiểu về Hà Nội đầy đủ, khái quát, sâu sắc hơn; từ đó kế thừa, phát huy truyền thống để phát triển Thủ đô ngày càng hiện đại, văn minh, thanh lịch./.