(Cinet)- Trong hai năm tới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ lưu trữ bằng hình thức số hóa tất cả những thông tin đang nắm giữ về di sản tuồng Huế.
(Cinet)- Trong hai năm tới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ lưu trữ bằng hình thức số hóa tất cả những thông tin đang nắm giữ về di sản tuồng Huế.
Ảnh minh họa. Nguồn: khamphahue.com.vn |
Đó là nội dung của đề tài khoa học “Xây dựng cơ sở dữ liệu cho tuồng Huế” đang được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thực hiện. Đề tài này nhằm lưu trữ và hệ thống lại toàn bộ những nguồn tài liệu hiện có về Tuồng Huế, đồng thời tiếp tục bổ sung những “khoảng trống” còn thiếu, nghiên cứu chuyên sâu hơn về ngôn ngữ, vũ đạo, phục trang, mặt nạ,… nhất là kịch bản.
Tuồng Huế là loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp cao, trong đó có đủ cả thơ, ca, nhạc, họa và diễn xuất. Tuồng Huế cũng được đánh giá là một hiện tượng phát tích rực rỡ trong truyền thống kịch hát dân tộc. Đặc biệt, dưới triều đại nhà Nguyễn, Tuồng đã phát triển rực rỡ, nâng lên thành một bộ môn nghệ thuật hoàn thiện, mang tính bác học cả về mặt kịch bản cũng như biểu diễn.
Những năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã không ngừng nỗ lực trong công tác bảo tồn nghệ thuật tuồng Huế. Nhiều vở tuồng và trích đoạn tuồng đã được phục dựng thành sản phẩm nghệ thuật phục vụ du khách tham quan tại nhà hát Duyệt Thị Đường và tại các điểm tham quan thuộc khu di sản Huế. Tuy nhiên, trước thực trạng số lượng nghệ nhân tuồng Huế ngày càng giảm, yêu cầu về một cơ sở dữ liệu cho loại hình nghệ thuật này là vô cùng cần thiết để từ đó tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc, phát huy. Từ đó giới thiệu nghệ thuật truyền thống nổi tiếng của Kinh đô Huế đến với khán giả trong và ngoài nước.
Thủy Trịnh (t/h)