• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sở hữu cả “kho báu”, vì sao Bảo tàng Mỹ thuật chưa hút khách?

Du lịch 19/09/2017 21:13

(Tổ Quốc)- Dù sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn, tuy nhiên, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhiều năm qua vẫn đìu hiu khách đến.

Nguyên nhân của tình trạng đã được các chuyên gia lữ hành mổ xẻ, đồng thời đưa ra những kế sách giúp bảo tàng thu hút du khách hơn trong thời gian tới. 

Vì sao “kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng”?

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sở hữu rất nhiều điều kiện thuận lợi để có thể trở thành điểm đến hấp dẫn của thủ đô Hà Nội. Bảo tàng sở hữu một tòa nhà kiến trúc Châu Âu đẹp và độc đáo, nằm ở trung tâm của thủ đô, gần các khu du lịch nổi tiếng như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn miếu Quốc Tử Giám… rất hấp dẫn và thuận lợi để tham quan.

Bên cạnh đó, theo chia sẻ ông Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đây là một trong những số ít bảo tàng quốc gia có tuổi đời trên 50 tuổi. Sự ra đời của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng chứa đựng những câu chuyện thú vị, không phải ai cũng biết.

Dù sở hữu bộ sưu tập mỹ thuật vô giá, Bảo tàng Mỹ thuật vẫn đang trăn trở tìm giải pháp để thu hút du khách

Hiện nay, bảo tàng đang lưu giữ hơn 20 ngàn tác phẩm của những họa sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân… Ngoài ra, bảo tàng hiện đang cất giữ hơn 8 ngàn tác phẩm hội họa quý nhưng chưa có đủ điều kiện để trưng bày, nên công chứng chưa có cơ hội được tiếp cận.

Tuy nhiên, dù sở hữu một “kho báu” các tác phẩm mỹ thuật vô giá, độc nhất vô nhị và nhiều điểm mạnh để thu hút khách, song Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi cảnh thưa thớt khách giống như nhiều bảo tàng trên địa bàn Hà Nội. Được biết, năm 2016, trong khi “người hàng xóm” Văn Miếu thu hút đến 1,5 triệu lượt khách, thì Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chỉ  đón được lượng khách  “khiêm tốn” 54 ngàn lượt. “Đó là điều khiến chúng tôi rất suy nghĩ, làm sao để thu hút khách đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam?” – ông Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Bảo tàng trăn trở.

Cần đẩy mạnh truyền thông, tạo điểm nhấn cho bảo tàng

Bà Đặng Bích Thọ, Phó Tổng giám đốc Công ty du lịch Hanoi Redtours cho rằng, nguyên nhân khiến ít du khách biết đến Bảo tàng Mỹ thuật là công tác quảng bá tới lữ hành và cách tiếp cận du khách của bảo tàng chưa thực sự tốt. “Ngay cả giới lữ hành cũng chưa biết nhiều về bảo tàng thì du khách rất khó tiếp cận thông tin về bảo tàng. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ra đời sau, nhưng đã vươn lên trở thành top bảo tàng thu hút khách nhất vì họ đã tiếp cận các công ty du lịch, đẩy mạnh quảng cáo. Do vậy, bảo  tàng cần bắt đầu lại để tiếp cận du khách nhiều hơn”- bà Thọ góp ý.

Bên cạnh đó, bà Thọ cho rằng, Bảo tàng cần chú trọng đầu tư hơn cho “diện mạo” bên ngoài để tạo sự nổi bật và để du khách nhận diện được đây là thiết chế văn hóa hàng đầu đất nước về mỹ thuật.

Đồng quan điểm này, bà Kim Khánh (Hiệp hội Đào tạo du lịch) cho rằng, Bảo tàng cần phải thay đổi để “đẹp từ bên ngoài” và du khách biết được đây là Bảo tàng Mỹ thuật, nơi sở hữu những tác phẩm mỹ thuật hàng đầu Việt Nam. Bên cạnh đó, bà Kim Khánh cũng góp ý cần đầu tư cho công nghệ để phục vụ du khách tốt hơn; phân loại thị trường khách để xây dựng sản phẩm phù hợp; khai thác những giá trị khác của bảo tàng như: thẩm định tranh; đấu giá tranh…

Bà Đoàn Thị Thanh Vân (Giám đốc Công ty Du lịch ICSTravel) góp ý, dù sở hữu những hiện vật vô cùng quý giá, song cách trưng bày và thuyết minh, giới thiệu về hiện vật của bảo tàng chưa thực sự sống động hấp dẫn, chưa làm nổi bật được tác phẩm được trưng bày. 

Ngoài ra, bà Vân cũng góp ý cần tăng cường thông tin liên quan đến bảo tàng cho các công ty du lịch, để họ có thể dễ dàng quảng bá đến khách du lịch. “Thực tế, Bảo tàng là nơi thuận tiện để tổ chức các event, sự kiện, nhưng chúng tôi chưa được biết. Nếu thúc đẩy lĩnh vực đó thì sẽ thuận lợi hơn trong việc thu hút khách quốc tế đến với bảo tàng” – bà Vân cho hay.

 Bên cạnh đó, bà Vân cũng đề xuất, Bảo tàng Mỹ thuật có thể học tập cách làm của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trong việc hợp tác với Hiệp hội Bảo tàng của Đức để quảng bá, thu hút khách. “Hiện nay, các công ty lữ hành không phải quảng bá cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia tại thị trường Đức, mà hệ thống Bảo tàng ở Đức đã tự động chia sẻ thông tin, kết nối quảng bá cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tại Việt Nam. Vì thế, địa chỉ này cũng là điểm đến không thiếu trong các tour tham quan của du khách Đức tại Việt Nam” – bà Vân cho hay.

Nhiều đại diện lữ hành khác cũng đều góp ý Bảo tàng cần chỉnh trang lại “diện mạo”, tạo điểm nhấn và tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo sức hấp dẫn cho bảo tàng.

Đại diện Tổng cục Du lịch, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương nhấn mạnh, ý kiến của các nhà làm tour chính là những đóng góp rất cần thiết cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Vụ trưởng Nguyễn Quý Phương cũng khẳng định, để các bảo tàng, trong đó có Bảo  tàng Mỹ thuật Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, rất cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp lữ hành trong việc giới thiệu, quảng bá tới du khách. Các doanh nghiệp lữ hành chính là nhân tố có thể tạo ra động lực thay đổi thói quen của du khách, để khách biết được cái hay cái đẹp của bảo tàng.

Đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn và tâm huyết, Giám đốc Nguyễn Anh Minh cho biết, trong thời gian tới, Bảo tàng Mỹ thuật sẽ có ngay những thay đổi để đáp ứng nhu cầu của du khách. Trước mắt, bảo tàng sẽ xây dựng, thiết kế các ấn phẩm như tờ rơi, tờ gấp, tài liệu giới thiệu về bảo tàng; bổ sung hoạt động trải nghiệm dành cho du khách; nâng cấp trang web giới thiệu về bảo tàng… Giám đốc Bảo tàng cũng khẳng định trong năm 2018, Bảo tàng sẽ có thêm các ứng dụng Audio Guide để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách./.

Lâm Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ