(Tổ Quốc) - Số liệu thống kê cho thấy chỉ 24% số người Nhật sở hữu hộ chiếu, chỉ bằng một nửa tỷ lệ sở hữu của công dân Mỹ chưa chưa nói đến số lượng tuyệt đối. Đây cũng là tỷ lệ sở hữu hộ chiếu thấp nhất trong số những nước giàu trên thế giới.
Năm 2019, hộ chiếu Nhật Bản được coi là một trong những tấm vé thông hành quyền lực nhất thế giới khi có hơn 191 quốc gia chấp nhận cho công dân nước này nhập cảnh mà không cần thị thực (visa). Con số này nhiều gấp đôi so với Kuwait và 5 lần so với Nepal. Có thể nói những du khách Nhật thường được chào đón ở rất nhiều nơi trên thế giới vì tính lịch sự, thân thiện và không quá tằn tiện.
Trớ trêu thay, số liệu thống kê cho thấy chỉ 24% số người Nhật sở hữu hộ chiếu, chỉ bằng một nửa tỷ lệ sở hữu của công dân Mỹ chưa chưa nói đến số lượng tuyệt đối. Đây cũng là tỷ lệ sở hữu hộ chiếu thấp nhất trong số những nước giàu trên thế giới.
Vậy tại sao người Nhật lại không thích tận dụng lợi thế hộ chiếu của mình?
Tỷ lệ sở hữu hộ chiếu của một số nước (%)
Nếu xét về số lượng thống kê, người Nhật đi ra nước ngoài không hề ít với khoảng 20 triệu lượt trong năm 2019, cao hơn mức 19 triệu lượt của năm 2018. Tuy nhiên phần lớn trong số đó là những người đi công tác hoặc phải di chuyển nhiều nơi do đặc thù việc làm. Tỷ lệ những người sở hữu hộ chiếu để đi du lịch hay các mục đích khác đang ngày càng giảm. Năm 2005, tỷ lệ sở hữu hộ chiếu tại Nhật vẫn còn là 27% thì nay đang giảm dần.
Chuyên gia Morishita Masami, một cố vấn cho chương trình thúc đẩy du lịch quốc tế của chính phủ Nhật nhận định ít nhất 2/3 số công dân nước này không hứng thú với việc rời quê hương. Nguyên nhân thì có nhiều, từ việc phải làm đơn xin nghỉ phép rắc rối, quan ngại về sự an toàn, không phù hợp thức ăn, hay đặc biệt hơn cả là nỗi lo sợ bị mất mặt khi bị hiểu nhầm ở nước ngoài.
Ngoài ra, nền kinh tế khó khăn cùng đồng Yên yếu đã khiến du lịch nước ngoài trở nên không còn thu hút. Ngay cả những người già nghỉ hưu, vốn có thừa thời gian cũng như tiền tiết kiệm cũng hạn chế ra nước ngoài.
Điều này khá trái ngược với thời kỳ thập niên 1980-1990 khi người Nhật tỏa đi khắp thế giới. Sinh viên Nhật Bản chu du nhiều nước để khám phá, học hỏi hay thậm chí là tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Thời điểm đó, đồng Yên còn có giá và khiến du khách Nhật trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt người bản địa.
Dẫu vậy từ cuối thập niên 1990, tăng trưởng giảm tốc buộc chính phủ hạ lãi suất để kích thích kinh tế, qua đó hạ giá đồng Yên nhằm thúc đẩy xuất khẩu (khiến giá sản phẩm sản xuất từ Nhật rẻ hơn). Chính điều này khiến việc chu du nước ngoài ngày càng trở nên khó khăn hơn cho công dân Nhật dù cuốn hộ chiếu của họ vẫn đầy quyền lực.
Bên cạnh đó, số sinh viên du học nước ngoài của Nhật cũng đi xuống, từ mức đỉnh 82.945 người năm 2004 xuống chỉ còn 55.969 năm 2016 và vẫn tiếp tục giảm. Nguyên nhân chính là do tỷ lệ sinh thấp, giới trẻ không chịu kết hôn sinh con. Thêm nữa, việc phải tốn tới 4 triệu yên/năm, tương đương 36.000 USD đi du học là một gánh nặng khá lớn cho nhiều gia đình Nhật Bản.
Trong khi đó, dù gắn mác du học sinh nhưng cơ hội việc làm của họ tại Nhật cũng chẳng cao hơn.
"Bạn chẳng cần phải du học nước ngoài mới kiếm được công việc tốt ở Nhật", chuyên gia Suematsu Kazuko của trường đại học Tohoku cho biết.
Một cuộc khảo sát năm 2019 cho thấy 53% số học sinh Nhật không quan tâm đến việc du học, tỷ lệ cao nhất trong số 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới.