• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sơ kết tình hình thực hiện bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích

Văn hoá 27/10/2017 14:58

(Tổ Quốc) -  Ngày 27/10, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Bộ  Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã  tổ chức hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Thông tư liên tịch 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.  Ngày 27/10, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Bộ  Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã  tổ chức hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Thông tư liên tịch 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đã đến dự và phát biểu khai mạc.

Hội nghị có sự tham dự của ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; đại diện lãnh đạo các sở địa phương, các ban quản lý khu di tích...

Trong bài khai mạc, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề về biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đảng và Nhà nước ta đã xác định môi trường là vấn đề toàn cầu, bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững, là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại Hội nghị

Trước tình hình trên, Bộ VHTTDL đã xác định phát triển du lịch, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, là xu hướng tất yếu, là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn phát triển bền vững.

Năm 2013, Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch số 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT về “Hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích” nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm góp phần phát triển du lịch bền vững, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước.

Sau khi Thông tư được ban hành, Bộ VHTTDL đã tích cực phổ biến, tuyên truyền trong cả nước đồng thuận triển khai, đôn đốc thực hiện Thông tư. Sau gần 4 năm thực hiện, với sự hưởng ứng của các địa phương, các bên liên quan và cộng đồng... việc thực hiện Thông tư đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó nổi bật là nâng cao nhận thức của các bên liên quan đối với công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch, di tích, lễ hội; Nguồn nhân lực và kinh phí cũng như cơ sở vật chất trang thiết bị bảo vệ môi trường được tăng cường; Công tác thanh kiểm tra được chú trọng, ô nhiêm môi trường tự nhiên được giảm thiểu, môi trường xã hội nhân văn được cải thiện.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đề nghị thông qua hội nghị này, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị quản lý di tích, khu, điểm du lịch, các chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình quản lý, đề xuất định hướng, giải pháp trong thực tiễn bảo vệ môi trường tại các địa phương và cơ sở.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh, sau khi Thông tư được ban hành, Tổng cục Du lịch đã tích cực xây dựng, ban hành và trình ban hành các văn bản, kế hoạch hướng dẫn thi hành Thông tư nói riêng và kế hoạch bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch nói chung nhằm bảo đảm tính thống nhất, phù hợp giữa các quy định đặc thù của Thông tư với Luật Du lịch, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan.

Trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong ngành du lịch, Tổng cục Du lịch đã hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và khách du lịch thực hiện bảo vệ môi trường thông qua nhiều hoạt động. Trong đó tiêu biểu là đã lồng ghép các nội dung về bảo vệ môi trường du lịch vào Dự án du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ; Tham mưu xây dựng các Tiêu chuẩn Việt Nam về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch, tàu thủy du lịch, trong đó có các quy định về bảo vệ môi trường; Xây dựng Bộ tiêu chí nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh áp dụng đối với các cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam; Tổ chức các lớp tập huấn về bảo vệ môi trường cho cán bộ quản lý, điều hành doanh nghiệp, lái xe và hướng dẫn viên; Thường xuyên phối hợp với các ban ngành chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường du lịch, tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về bảo vệ môi trường du lịch.

Quang cảnh Hội nghị

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, theo báo cáo từ các địa phương, các cơ sở lưu trú du lịch và các điểm mua sắm đạt chuẩn đã có nhận thức tốt về sự cần thiết của công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, mức độ đầu tư vào trang thiết bị, việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường giữa các địa phương, các loại hạng cơ sở lưu trú là chưa đồng đều. Đại đa số các khách sạn cao sao (4-5 sao) đã có sự chủ động đầu tư trang thiết bị và nhân lực chuyên trách triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Đối với các khu, điểm du lịch, và doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, nhìn chung đã có sự chủ động hướng dẫn khách du lịch thực hiện quy định về bảo vệ môi trường; chủ động trang bị lại kiến thức về bảo vệ môi trường cũng như biện pháp ứng cứu trong trường hợp có sự cố cho nhân viên, hướng dẫn viên, lái xe; cập nhật thông tin về tình hình môi trường cho du khách, nỗ lực bảo đảm an toàn cho sức khỏe, tính mạng của du khách. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đã chủ động phát triển các loại hình du lịch thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu, xu hướng của khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam và khách có khả năng chi trả cao.

Để công tác bảo vệ môi trường du lịch tiếp tục phát huy hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đề nghị cần tiếp tục bố trí nguồn lực cho ngành du lịch để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường du lịch, phổ biến các mô hình tốt, triển khai các dự án du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch có trách nhiệm. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, quy chuẩn về bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch, trong phương án kinh doanh của doanh nghiệp lữ hành, điểm mua sắm đạt chuẩn. Tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra…

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu cũng đã trình bày về tình hình thực hiện Thông tư 19 tại các địa phương, khu du lịch, điểm du lịch... và tổ chức trao đổi, thảo luận nhóm về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích./.

(Nguồn: vietnamtourism.gov.vn)

NỔI BẬT TRANG CHỦ