(Tổ Quốc) - Hai nhà máy thép Dana-Ý và Dana-Úc (đóng tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) có được tiếp tục hoạt động nữa hay không trong thời gian tới đang là mối quan tâm của dư luận.
Sắp công bố kết quả quan trắc
Liên quan đến việc hai nhà máy thép Dana-Ý và Dana-Úc (đóng tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, Báo điện tử Tổ Quốc đã phản ánh thời gian qua) có được tiếp tục hoạt động nữa hay không trong thời gian tới đang là mối quan tâm của dư luận.
Tại cuộc họp báo quý III do UBND TP Đà Nẵng tổ chức vào chiều 28/9, trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề này, ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, Sở này đã tham mưu UBND TP Đà Nẵng tiến hành thuê đơn vị quan trắc độc lập về môi trường đối với tất cả các yếu tố như: không khí, đất, nguồn nước ngầm.
“Để có phương án xử lý tiếp theo đối với hai nhà máy thép này, cần phải dựa trên kết quả quan trắc và đánh giá tác động môi trường. Dự kiến ngày 3/10, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo kết quả quan trắc với UBND TP Đà Nẵng để có phương án xử lý”, ông Lê Quang Nam cho biết.
Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết dự kiến ngày 3/10 tới đây sẽ có kết quả quan trắc. Ảnh: Đức Hoàng |
Trong lúc đó, UBND TP Đà Nẵng cũng vừa có văn bản giao nhiệm vụ cho Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND huyện Hòa Vang và các cơ quan, đơn vị liên quan, trên cơ sở kết quả đo đạc và phân tích mẫu môi trường của đơn vị quan trắc môi trường cung cấp, tổ chức công bố kết quả quan trắc môi trường khu vực 02 nhà máy thép thuộc Công ty Cổ phần Thép Dana-Ý và Công ty Cổ phần Thép Dana-Úc và khu vực xung quanh 02 nhà máy thép tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, theo quy định pháp luật. Cùng với đó, tiến hành thủ tục xử lý vi phạm về môi trường đối với tổ chức, cá nhân vi phạm (nếu có).
Đồng thời, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Thanh tra thành phố khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, và thanh tra toàn diện công tác quản lý nhà nước về quá trình thành lập, hoạt động, quản lý đất đai ở khu vực lân cận và xử lý về môi trường của Công ty Cổ phần Thép Dana-Ý và Công ty cổ phần Thép Dana-Úc, báo cáo UBND thành phố.
UBND huyện Hòa Vang chủ trì, phối hợp UBMTTQVN huyện Hòa Vang chỉ đạo UBND, UBMTTQVN xã Hòa Liên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân 02 thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 và huyện Hòa Vang hiểu và ủng hộ chủ trương của thành phố trong việc xử lý hoạt động sản xuất thép trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Trước đây, nhiều lần người dân sống gần hai nhà máy thép phản ánh với báo chí rằng thành phố cần làm rõ ràng, một là dân đi, hai là hai nhà máy phải di dời. Ảnh: Đức Hoàng |
Hàng ngàn người lao động chờ quyết định của thành phố
Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Thép Dana-Ý cho biết: Hơn 1.000 lao động của nhà máy đang thấp thỏm chờ đợi quyết định từ chính quyền Đà Nẵng. Theo ông Tân, việc ngừng hoạt động sản xuất thời gian vừa qua đã gây thiệt hại cho công ty hơn rất lớn, hơn 100 tỷ đồng.
“Trong hơn 10 năm xây dựng và phát triển, công ty chúng tôi đã trở thành doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng lớn nhất miền Trung và Tây Nguyên. Thương hiệu thép Dana-Ý cũng được đối tác trong và ngoài nước biết đến.
Hàng năm, công ty nộp ngân sách thành phố hàng chục tỷ đồng tiền thuế mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Công ty cũng đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong những năm qua.
Tuy nhiên, hiện nay công ty phải đứng trước bờ vực chấm dứt hoạt động và hàng ngàn lao động có nguy cơ mất việc làm”, ông Tân chia sẻ.
Nhà máy thép Dana - Ý. Ảnh: Đức Hoàng |
Theo ông Tân, từ khi hoạt động tới nay, hàng năm đều có đầy đủ các ngành chức năng kiểm tra, đánh giá tác động môi trường và chưa lần nào kết luận nhà máy “ô nhiễm môi trường”, mọi chỉ số đo đạc đều nằm trong giới hạn cho phép.
“Với hệ thống xử lý khí thải và chất thải được công ty đầu tư kỹ lưỡng và hiện đại với kinh phí gần 200 tỷ đồng, hiện tại nhà máy sản xuất hầu như không có khí thải và nước thải ô nhiễm. Đến nay, vẫn không có bất kỳ kết luận nào của cơ quan có thẩm quyền xác định nhà máy Dana-Ý hoạt động gây ô nhiễm môi trường và thuộc trường hợp phải dừng hoạt động do vi phạm pháp luật về môi trường”, ông Tân cho biết.
Lỗi do không nhất quán thực hiện quy hoạch Cụm công nghiệp Thanh Vinh?
Theo ông Tân, công ty không có lỗi trong vụ việc này, mà lỗi do chính quyền Đà Nẵng đã thực hiện quy hoạch Cụm công nghiệp Thanh Vinh không nhất quán, không phù hợp tiêu chuẩn quy hoạch cụm công nghiệp. Ngay từ ban đầu, nhà máy thép và lĩnh vực hoạt động của công ty đã phù hợp với chủ trương quy hoạch và lĩnh vực khuyến khích đầu tư của thành phố tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh.
Nhưng, là khu vực sản xuất công nghiệp nặng nhưng Cụm công nghiệp Thanh Vinh không có vành đai phân cách với khu dân cư, việc để người dân sinh sống sát cụm công nghiệp dẫn đến những tác động không thể tránh khỏi cho cuộc sống người dân trong quá trình các doanh nghiệp hoạt động sản xuất.
Đã có nhiều cuộc đối thoại giữa người dân và chính quyền thành phố, nhưng bài toán di dời dân hay nhà máy vẫn chưa có lời giải. Ảnh: Đức Hoàng |
Ông Huỳnh Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Thép Dana-Ý trong một lần đối thoại với người dân sống gần nhà máy. Ảnh: Đức Hoàng |
“Từ năm 2006, thành phố đã có chủ trương di dời các hộ dân sát cạnh nhà máy để tạo vành đai phân cách cho phù hợp với tiêu chuẩn quy hoạch cụm công nghiệp. Tuy vậy, các thủ tục giải tỏa, đền bù, tái định cư cho các hộ dân vẫn không thông suốt chậm tiến độ nhiều năm dẫn đến bức xúc và phản ứng gay gắt của người dân”, ông Tân cho biết và đề nghị chính quyền Đà Nẵng cần thể hiện trách nhiệm của mình trong việc quy hoạch Cụm công nghiệp Thanh Vinh đối với người dân và doanh nghiệp.
Ông Tân cũng đề ra phương án giải quyết tình hình hiện tại là hoặc là di dời nhà máy và thực hiện hỗ trợ, đền bù theo quy định pháp luật để phát triển khu dân cư; hoặc là di dời các hộ dân cạnh Cụm công nghiệp Thanh Vinh đến nơi khác phù hợp với tiêu chuẩn quy hoạch cụm công nghiệp để nhà máy tiếp tục hoạt động.
"Nếu phương án di dời nhà máy đi thì trước khi di dời cần phải nói rõ nhà máy không ô nhiễm để chúng tôi còn đi nơi khác hoạt động sản xuất và được chào đón. Có đi thì vì chỉnh trang đô thị chứ không phải đi vì ô nhiễm.", ông Tân nói và cho biết phải có một giải pháp chứ không thể để hai bên sống chung được. Nếu thành phố có đủ khả năng, đủ điều kiện thì vận động dân như thế nào nhưng không được bao vây nhà máy để còn sản xuất.
"Cứ để dân suốt ngày bao vây nhà máy thì chúng tôi làm sao mà sản xuất được. Tại sao mình sống trong một đất nước có đầy đủ pháp luật mà để xảy ra việc này một cách không thể hiểu nổi?", ông Tân nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn An, Phó Tổng GĐ Công ty CP thép Dana-Úc nói: “Dana-Úc ra đời sau Dana-Ý 2 năm và cũng thực hiện chủ trương đầu tư của thành phố. Chúng tôi đặt nhà máy ở đó có đầy đủ cơ sở pháp lý và mong muốn thành phố quan tâm vì cả hai doanh nghiệp đã đầu chi phí vào hai nhà máy rất lớn. “Nếu tình hình này còn kéo dài thêm khoảng 2 tháng nữa, thì có lẽ doanh nghiệp chúng tôi sẽ công bố phá sản vì không đủ tiền trả nợ ngân hàng và mất uy tín với các đối tác trong và ngoài nước”, ông An chia sẻ”.