• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

SÓC TRĂNG - Đình Hòa Tú

07/08/2015 23:12

(Cinet-DL)- Hòa Tú là một trong những làng được thành lập sớm ở Sóc Trăng. Trải qua các thời kì lịch sử, có ngôi Đình cổ được công nhận là di tích Lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Ngôi đình là thờ sắc phong vua Tự Đức ban. Sắc phong này được các bậc tiền hiền, hậu hiền có chức vị trong Ban Hội đình nối tiếp luân phiên cất giữ cho đến ngày nay.

(Cinet-DL)- Hòa Tú là một trong những làng được thành lập sớm ở Sóc Trăng. Trải qua các thời kì lịch sử, có ngôi Đình cổ được công nhận là di tích Lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Ngôi đình là thờ sắc phong vua Tự Đức ban. Sắc phong này được các bậc tiền hiền, hậu hiền có chức vị trong Ban Hội đình nối tiếp luân phiên cất giữ cho đến ngày nay.

1. Tên di sản/di tích : Đình Hòa Tú

2. Thời gian: Vào ngày 29/11/1852 – năm Tự Đức thứ V, Vua Tự Đức đã phê sắc phong thần ban thưởng cho dân làng Hòa Tú. Sau đó, dân làng quyết định xây dựng ngôi đình Hòa Tú để thỉnh sắc phong về thờ.

3. Năm công nhận: Ngày 16/6/1992, Đình Hòa Tú được đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 734/QĐ-BVHTT.

4. Địa hình/ Vị trí:

- Địa hình:

Sóc Trăng có địa hình thấp và tương đối bằng phẳng. Độ cao cốt đất tuyệt đối từ 0,4 - 1,5 m, độ dốc thay đổi khoảng 45 cm/km chiều dài. Nhìn chung địa hình tỉnh Sóc Trăng có dạng lòng chảo, cao ở phía sông Hậu và biển Đông thấp dần vào trong, vùng thấp nhất là phía Tây và Tây Bắc.

+ Tiểu địa hình có dạng gợn sóng không đều, xen kẽ là những giồng cát địa hình tương đối cao và những vùng thấp trũng nhiễm mặn, phèn. Đó là những dấu vết trầm tích của thời kỳ vận động biển tiến và lùi tạo nên các giồng cát và các bưng trũng ở các huyện Mỹ Tú, thị xã Sóc Trăng, Mỹ Xuyên, Long Phú, Vĩnh Châu.

+ Vùng đất phèn có địa hình lòng chảo ở phía Tây và ven kinh Cái Côn có cao trình rất thấp, từ 0 - 0,5 m, mùa mưa thường bị ngập úng.

+ Vùng cù lao trên sông Hậu cũng có cao trình thấp, thường bị ngập khi triều cường.

- Vị trí:

Đình Hoà Tú hiện nay nằm trong phạm vi ấp Hoà Trực, xã Hoà Tú I, huyện Mỹ Xuyên. Đình cách UBND xã 300 m về hướng Tây - Nam, trước mặt là kênh rạch Rò, bờ rạch cách mặt tiền ngôi đình 34m. Ngôi đình gồm 2 gian nhà phân bố theo hướng đông Bắc - Tây Nam, cổng nhìn ra hướng Đông - Bắc, nghĩa là nhìn ra bờ kênh rạch Rò.

5. Thổ nhưỡng:

- Sóc Trăng có tổng diện tích đất tự nhiên là 331.176,29 ha. Đất đai của Sóc Trăng có độ màu mỡ cao, thích hợp cho việc phát triển cây lúa nước, cây công nghiệp ngắn ngày như mía, đậu nành, bắp, các loại rau màu như hành, tỏi và các loại cây ăn trái như bưởi, xoài, sầu riêng...

- Đất đai Sóc Trăng có thể chia thành các nhóm chính sau:

+ Nhóm đất cát có 8.491 ha, bao gồm các giồng cát tương đối cao từ 1,2 - 2 m thành phần cơ giới nhẹ, chủ yếu là cát mịn đến cát pha đất thịt, có thể trồng một số loại rau màu;

+ Nhóm đất phù sa có 6.372 ha thích hợp cho việc trồng lúa tăng vụ và các cây ăn trái đặc sản, nhóm đất giây có 1.076 ha, ở vùng thấp, trũng, thường trồng lúa một vụ;

+ Nhóm đất mặn có 158.547 ha có thể chia ra làm nhiều loại: đất mặn nhiều, đất mặn trung bình, đất mặn ít, đất mặn sú, vẹt, đước (ngập triều) trong đó đất mặn nhiều chiếm diện tích lớn 75.016 ha thích hợp với việc trồng lúa, rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn, dài ngày...; các loại đất mặn khác chủ yếu trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản;

+ Nhóm đất phèn có 75.823 ha, trong đó chia ra làm 2 loại đất phèn hoạt động và đất phèn tiềm tàng, sử dụng loại đất này theo phương thức đa canh, trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản; nhóm đất nhân tác có 46.146 ha.

6. Khí hậu: Sóc Trăng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới chịu ảnh hưởng gió mùa, hàng năm có mùa khô và mùa mưa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 26,8 0C, ít khi bị bão lũ. Lượng mưa trung bình trong năm là 1.864 mm, tập trung nhất từ tháng 8,9,10, độ ẩm trung bình là 83%.

7. Dân cư:

- Tính đến năm 2010, đơn vị hành chính của tỉnh có 10 huyện, 01 thành phố với 109 xã, phường, thị trấn. Theo số liệu Thống kê ngày 01/4/2009, dân số toàn tỉnh là 1.289.441 người, mật độ dân số 389 người / km2 .

- Dân cư Sóc Trăng chủ yếu là ba dân tộc Kinh (836.513 người, chiếm 65,16%), Khmer (371.305 người, chiếm 28,92%), Hoa (75.534 người, chiếm 5,88%) đã cùng chung sức khai phá, xây dựng và bảo vệ vùng đất này.

8.Tóm tắt nội dung :

Ngoại thất


- Ngôi đình đầu tiên được xây dựng trên nền đất rất rộng.

+ Dấu vết nền còn lại cho thấy diện tích lên đến 364 m2, gồm 03 gian song song (chữ tam), bố trí theo hướng Đông Bắc, Tây Nam, cổng đình nhìn ra hướng Đông Bắc.

+ Mái đình lợp ngói âm dương, cột đình bằng gỗ căm xe, thân to chắc. Trong đình, từ cột kèo, bài vị, bệ thờ, liễn đối đều được chạm trổ khéo léo tinh vi.

+ Gian đầu là nhà võ ca, gian giữa là nhà khách, gian sau là điện thờ thần, có 02 đầu hồi là 02 máng hình tam giác dựng đứng trên đầu mái, được xây kín bằng gạch trát xi măng và không có trang trí. Hai mái còn lại ở trước và sau có độ nghiêng 300.

- Cách kết cấu vì kèo ở đình Hòa Tú tương đối đơn giản.

+ Dưới mỗi góc mái có 03 nhánh kèo nghiêng gác từ đầu 03 cột góc vòng ngoài đi vào giao nhau tại đầu cột to ở góc trong tương ứng.

+ Dưới 2 thanh kèo ngoài là 2 xà nách ngang xuất phát từ 2 đầu cột, 2 bên góc ngoài đi vào và giao nhau thẳng góc tại một điểm trên thân cột to góc trong cách chân cột 3m30.

+ Toàn bộ khung sườn đình được đúc bằng xi măng cốt sắt. Để giữ độ bền vững lâu dài cho di tích, người ta đã xây dựng ngôi đình toàn bằng vật liệu nặng.

- Trên nóc của gian nhà võ ca dọc theo đòn dông là tượng hai con rồng chầu mặt nguyệt được đúc tròn bằng xi măng cốt thép, trang trí bằng sơn dầu, mỗi con dài 1 m 20, rồng trong tư thế lượn cong (hình yên ngựa), sừng ngắn, vi lưng và đuôi ngắn, mặt dữ tợn.

Nội thất

- Phần trang trí nội thất của gian điện thờ được đơn giản hoá rất nhiều so với một ngôi đình chính thống.

+ Bệ thờ thần giữa điện là một khối hình hộp, cao 90cm, xây bằng gạch trát xi măng gắn liền vào bức vách xây nối giữa hai thân cột tròn to bên trong, trên vách giữa bệ treo một bảng nền đỏ gắn chữ.

+ Thần bằng gỗ sơn dầu nhũ vàng, đồ thờ là một bộ tam sư gồm một bình gốm cắm hương và 2 chân nến bằng gỗ 2 bên, hình tượng hai con hạc cưỡi lưng quy được vẽ bằng sơn dầu trực tiếp lên mặt trước của bệ thờ thần.

- Hai bên góc trong của điện thờ là 2 bệ thờ khác đồng dạng nhưng nhỏ hơn bệ thờ thần.

+ Bên trái thờ đồng chí Văn Ngọc Chính (có ảnh chân dung) và các liệt sĩ hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Hoà Tú năm 1940, bệ bên góc phải thờ các liệt sĩ và nhân dân Hoà Tú đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ.

+ Trên vách bên cạnh bệ thờ góc trái ghi danh sách 06 đồng chí trong Ban chỉ huy khởi nghĩa Nam kỳ cùng với bản đồ khởi nghĩa, vách bên phải ghi danh sách các ban xây dựng đình qua các năm 1957 và 1990.

+ Trên vách trong cùng giữa hai bệ thờ là danh sách các đơn vị và các cá nhân đã góp tiền, vật liệu xây dựng công trình.

- Bốn thân cột tròn to giữa điện thờ được trang trí bằng sơn dầu, hai thân cột trong vẽ hình rồng cuốn xung quanh, hai thân cột ngoài là hai câu đối viết theo dạng liễn, chữ vàng, nền đen, câu bên trái: "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại"; câu bên phải: "Vô cùng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến".

- Bia lưu niệm được xây dựng trước cổng đình nhưng hơi lệch về bên phải, cách cổng 14 m.

+ Thân bia làm bằng xi măng, dày 20cm hình thang vuông góc, lõm tròn ở góc trên bên trái, đỉnh rộng 1 m, chân rộng 1,90m2, được dựng đứng trên một nền 2 cấp cao 30cm.

+ Mặt trước bia tô đá rửa, trên đó trang trí một lá cờ đỏ sao vàng hình tròn chạm nổi, dưới cờ là một ô vuông được tạm gắn một bảng thiếc dòng chữ: "Truyền thống Hoà Tú 23/11/1940". Mặt sau của thân bia quay vào đình và không có trang trí

- Hiện nay, ở đình Hòa Tú còn lại một số hiện vật sau:

+ Hai chiếc mai rùa bằng gỗ, tượng tròn, dài 40 cm.

+ Hai cái lưng hạc bằng gỗ, tượng tròn, dài 40 cm, có khắc văn bia tự Hán Nôm, một cái ghi: "Biên Hoà tỉnh tổng chánh Mỹ Trung"; một cái ghi: "Tân Trạch thôn xã trưởng phụng cúng".

+ Đôi chân bài vị bằng gỗ hình chữ nhật dày 4cm có chạm hoa văn quanh viền.

+ Một mảnh gỗ chạm hình rồng lượn trong mây dày 3cm, kích thước 20cmX60cm.

+ Một mảnh gỗ chạm hình mặt rồng phun nước dày 3cm, kích thước 25 cmX40cm.

+ Sắc phong làng Hoà Tú do vua Tự Đức phê ngày 25 tháng 11 năm Tự Đức thứ V (tức năm 1852).

+ Một khẩu súng 02 nòng - di vật của cuộc khởi nghĩa Nam kì tại làng Hoà Tú năm 1940.

Di tích đình Hòa Tú là một địa chỉ đỏ, một điểm son chói lọi và mãi mãi phát huy tác dụng lâu dài trong công tác giáo dục truyền thống về lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Cho đến nay, đình đã được tu sửa nhiều lần. Sau giải phóng 30/4/1975, UBND tỉnh Sóc Trăng đã vài lần tiến hành trùng tu, lần gần đây nhất là vào năm 2010.

Đình Hòa Tú
Ban thờ các vị tiền hiền của làng Hòa Tú trong đình
Đường vào đình Hòa Tú
Hình rồng trên cột đình
Kiến trúc trong đình
Ngọc Anh ( Tổng hợp)

Nguồn tài liệu tham khảo
:

 www.vietnamtourism.com;   www.soctrang.gov.vnwww.dulichsoctrang.org

NỔI BẬT TRANG CHỦ