(Tổ Quốc) - Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Sóc Trăng đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, tỉnh đã ban hành các văn bản nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (Nghị quyết số 08), Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời ban hành Thông báo số 281-TB/TU ngày 18/7/2017 thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số công việc cần tập trung chỉ đạo phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy số 606-TB/TU ngày 06/8/2018 về sơ kết thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 02/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Chương trình động 06 của UBND tỉnh về phát triển du lịch
Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 1990/UBND-VX ngày 18/10/2017 về việc thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 03/8/2018 thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; công văn số 1940/UBND-VX ngày 10/10/2018 về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Đề án tổng thể số 08-ĐA/TU ngày 24/8/2018 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tỉnh Sóc Trăng tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Đề án số 1665/ĐA-SVHTTDL ngày 15/10/2018 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Đề án tổng thể số 08-ĐA/TU ngày 24/8/2018 của ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong đó có các phương án về cơ cấu lại, sắp xếp các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp về du lịch nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, đảm bảo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 02/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2017 – 2020, tham mưu dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách về hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025.
Công tác xã hội hóa lĩnh vực du lịch được khởi sắc, có 08 dự án xã hội hóa đã được triển khai với tổng kinh phí trên 800 tỷ đồng, trong đó có một số dự án tiêu biểu như: Khu Văn hóa Tín ngưỡng Sóc Trăng; chùa Quan Âm Linh Ứng (chùa Phật Học 2); chùa Quan Âm Đông Hải (Hồ Bể), tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo…
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch được quan tâm, trong 2 năm 2017 và 2018 đã tổ chức 8 lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ hướng dẫn, thuyết minh, nghiệp vụ lễ tân, kỹ năng giao tiếp phục vụ khách du lịch, kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cơ bản trong hoạt động du lịch cho hơn 400 học viên.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển Du lịch tỉnh với 26 thành viên kiêm nhiệm công tác ở các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác chỉ đạo, điều hành, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi tường, thu hút dự án đầu tư du lịch,…
Hiện nay toàn tỉnh có tổng số 69 cơ sở lưu trú gồm 01 khách sạn 3 sao, 11 khách sạn 2 sao, 21 khách sạn 1 sao và 36 nhà nghỉ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch với gần 1.400 phòng đạt chuẩn, tăng 07 cơ sở so với năm 2016 (01 khách sạn 3 sao, 11 khách sạn 2 sao, 14 khách sạn 1 sao và 33 nhà nghỉ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch với gần 1.300 phòng).
Về công ty lữ hành: hiện nay trên địa bàn tỉnh có 13 công ty du lịch và 01 chi nhánh, năm 2016, tỉnh chỉ có 06 công ty lữ hành và chưa có chi nhánh công ty lữ hành.
Về điểm du lịch: hiện nay tỉnh có 04 điểm du lịch địa phương được công nhận bao gồm: Điểm du lịch Chùa Mahatup (chùa Dơi), điểm du lịch Bửu Sơn Tự (chùa Đất Sét), Điểm du lịch Tân Huê Viên và Điểm du lịch Trung tâm Văn hóa Triển lãm Hồ Nước Ngọt, tăng 01 điểm so với năm 2016.
Về các dự án đầu tư du lịch: trong giai đoạn 2017 – 2018 tỉnh đã tập trung kêu gọi các nhà đầu tư vào khai thác, phát triển du lịch, trong đó có 02 dự án hoàn thành đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch là dự án tàu cao tốc Trần Đề (Sóc Trăng) đi Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) và Dự án Điểm du lịch tâm linh Chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu) tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên với tổng số vốn hơn 112 tỷ đồng.
Bến tàu cao tốc Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) đi Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)
Về phát triển sản phẩm du lịch và liên kết khai thác phát triển du lịch: thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các tổ hợp tác phát triển du lịch, các cụm liên kết như Tổ Hợp tác du lịch cộng đồng Cồn Mỹ Phước (huyện Kế Sách), mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại ấp An Nghiệp, xã An Thạnh 3 huyện Cù Lao Dung.
Năm 2018 tỉnh Sóc Trăng đón hơn 2 triệu lượt khách du lịch, tăng hơn 40% so với năm 2016 (hơn 1,4 triệu lượt), doanh thu du lịch đạt gần 760 tỷ đồng, tăng hơn 65% so với năm 2016 (hơn 460 tỷ đồng).
Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình hành động số 06/CTr-UBND ngày 12/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 02/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 với sự tham dự của gần 180 đại biểu trong và ngoài tỉnh, Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đã có những chỉ đạo cụ thể cho các ngành, địa phương tập trung các nguồn lực, thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để phát triển du lịch; đồng thời huy động các nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng với Nhà nước thực hiện đầu tư phát triển du lịch; phấn đấu đến năm 2020 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 08 trong thời gian tới, tỉnh đề ra 11 giải pháp, trong đó có một số giải pháp như: tiếp tục quán triệt và tuyên truyền Nghị quyết số 08, rà soát các quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết về phát triển du lịch, xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng lưu niệm, đặc sản, làng nghề, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh du lịch, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm…