• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

SÓC TRĂNG – Trường Taberd

07/08/2015 22:11

(Cinet-DL)- Trên đường Tôn Đức Thắng, thuộc địa bàn phường 6, TP. Sóc Trăng, có một trường học mang tên Trường Taberd. Trong ngôi trường này, vào tháng 9 năm 1945 đã diễn ra một sự kiện lịch sự hết sức quan trọng...

(Cinet-DL)- Trên đường Tôn Đức Thắng, thuộc địa bàn phường 6, TP. Sóc Trăng, có một trường học mang tên Trường Taberd. Trong ngôi trường này, vào tháng 9 năm 1945 đã diễn ra một sự kiện lịch sự hết sức quan trọng: nơi đón tiếp, an dưỡng đoàn quân cách mạng, những tù chính trị từ nhà tù Côn Đảo được Đảng, Chính phủ.
1. Tên di sản/di tích : Trường Taberd

2. Thời gian: Trường Taberd là một trường tiểu học nội trú do tổ chức Công giáo của chính quyền thực dân Pháp xây dựng từ năm 1912 tại Sóc Trăng.

Ngày 23/09/1945, trường là nơi đón các đồng chí Cách mạng từ nhà tù Côn Đảo trở về Sóc Trăng.

3. Năm công nhận: Ngày 16/6/1992, Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích trường Taberd thuộc phường 6 Thành phố Sóc Trăng là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia theo Quyết định số 734/QĐ-BVHTT .

4. Địa hình/ Vị trí:

- Địa hình:Sóc Trăng có địa hình thấp và tương đối bằng phẳng. Độ cao cốt đất tuyệt đối từ 0,4 - 1,5 m, độ dốc thay đổi khoảng 45 cm/km chiều dài. Nhìn chung địa hình tỉnh Sóc Trăng có dạng lòng chảo, cao ở phía sông Hậu và biển Đông thấp dần vào trong, vùng thấp nhất là phía Tây và Tây Bắc.

+ Tiểu địa hình có dạng gợn sóng không đều, xen kẽ là những giồng cát địa hình tương đối cao và những vùng thấp trũng nhiễm mặn, phèn. Đó là những dấu vết trầm tích của thời kỳ vận động biển tiến và lùi tạo nên các giồng cát và các bưng trũng ở các huyện Mỹ Tú, thị xã Sóc Trăng, Mỹ Xuyên, Long Phú, Vĩnh Châu.

+ Vùng đất phèn có địa hình lòng chảo ở phía Tây và ven kinh Cái Côn có cao trình rất thấp, từ 0 - 0,5 m, mùa mưa thường bị ngập úng.

+ Vùng cù lao trên sông Hậu cũng có cao trình thấp, thường bị ngập khi triều cường.

- Vị trí:

Trường nằm trên địa bàn phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Phạm vi của ngôi trường được khung trong một vòng tường rào gần vuông vức (104 m x 107 m), bốn cạnh quay ra bốn hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Cổng trường đặt ở giữa cạnh rào hướng Đông. Bên ngoài vòng rào là bốnđoạn đường nội ô bao bọc xung quanh, đường Mậu Thân 68 ở mặt Đông, đường Calmette ở mặt Tây, đường Lê Lợi mặt Nam và đường Lý Thái Tổ mặt Bắc. Trường cách trung tâm thành phố Sóc Trăng 1 km, cách UBND phường sáu 650 m.

5. Thổ nhưỡng:

- Sóc Trăng có tổng diện tích đất tự nhiên là 331.176,29 ha. Đất đai của Sóc Trăng có độ màu mỡ cao, thích hợp cho việc phát triển cây lúa nước, cây công nghiệp ngắn ngày như mía, đậu nành, bắp, các loại rau màu như hành, tỏi và các loại cây ăn trái như bưởi, xoài, sầu riêng...

- Đất đai Sóc Trăng có thể chia thành các nhóm chính sau:

+ Nhóm đất cát có 8.491 ha, bao gồm các giồng cát tương đối cao từ 1,2 - 2 m thành phần cơ giới nhẹ, chủ yếu là cát mịn đến cát pha đất thịt, có thể trồng một số loại rau màu;

+ Nhóm đất phù sa có 6.372 ha thích hợp cho việc trồng lúa tăng vụ và các cây ăn trái đặc sản, nhóm đất giây có 1.076 ha, ở vùng thấp, trũng, thường trồng lúa một vụ;

+ Nhóm đất mặn có 158.547 ha có thể chia ra làm nhiều loại: đất mặn nhiều, đất mặn trung bình, đất mặn ít, đất mặn sú, vẹt, đước (ngập triều) trong đó đất mặn nhiều chiếm diện tích lớn 75.016 ha thích hợp với việc trồng lúa, rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn, dài ngày...; các loại đất mặn khác chủ yếu trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản;

+ Nhóm đất phèn có 75.823 ha, trong đó chia ra làm 2 loại đất phèn hoạt động và đất phèn tiềm tàng, sử dụng loại đất này theo phương thức đa canh, trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản; nhóm đất nhân tác có 46.146 ha.

6. Khí hậu: Sóc Trăng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới chịu ảnh hưởng gió mùa, hàng năm có mùa khô và mùa mưa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 26,8 0C, ít khi bị bão lũ. Lượng mưa trung bình trong năm là 1.864 mm, tập trung nhất từ tháng 8,9,10, độ ẩm trung bình là 83%.

7. Dân cư:

- Tính đến năm 2010, đơn vị hành chính của tỉnh có 10 huyện, 01 thành phố với 109 xã, phường, thị trấn. Theo số liệu Thống kê ngày 01/4/2009, dân số toàn tỉnh là 1.289.441 người, mật độ dân số 389 người / km2 .

- Dân cư Sóc Trăng chủ yếu là ba dân tộc Kinh (836.513 người, chiếm 65,16%), Khmer (371.305 người, chiếm 28,92%), Hoa (75.534 người, chiếm 5,88%) đã cùng chung sức khai phá, xây dựng và bảo vệ vùng đất này.

8.Tóm tắt nội dung :

Ngoại thất

- Trường Taberd là một tổng thể kiến trúc bằng vật liệu nặng, như xi-măng, gạch, ngói, phạm vi nhà trường được xác định trong một khung tường rào vuông vức có diện tích 11.128 m2, bốn cạnh rào quay về bốn hướng.

+ Cổng trường rộng 4,2 mét đặt giữa mặt rào phía Đông.

  • Trên cổng, một tấm biển tên trường được đúc bằng xi-măng đẹp có hình cầu vồng vắt ngang đầu 2 cột trụ cổng.
  • Một con đường nhựa rộng 3 m chạy từ cổng thẳng vào xuyên ngang giữa sân trường và dừng lại tiếp giáp với nhà giải trí thể thao dài 60 mét, rộng 12,6 mét nằm vắt ngang thẳng góc với con đường.
  • Nhà giải trí có khung sườn gồm hai hàng cột vuông xếp song song, mỗi hàng có 14 cột cao 5 mét đỡ hai mái nghiêng lợp bằng tôn.

 + Một bệ hình trụ bằng xi măng, đường kính 0,6 mét, cao 2,0 mét  được đặt trên con đường nhựa giữa sân, cách cổng trường 28 mét.

  • Quanh thân bệ có hai đường gờ bằng xi măng, xoắn ốc làm cho bệ giống như một mũi khoan khổng lồ đang khoan sâu xuống lòng đất.
  • Trên bệ này trước đây nhà trường đặt tượng một nhà khoa học người Pháp.
  • Sau bệ cột là cờ cao dựng trên nền xi-măng tròn tam cấp.
  • Một con đường thẳng góc với đường giữa sân dẫn qua hai dãy nhà hai bên sân trường chạy từ vị trí cột cờ và bệ tượng.
  • Sân trường bằng phẳng, rộng rãi, trên sân có 8 cây cồng to trồng đã lâu năm, tán rộng vươn ra rợp mát cả sân trường.
Nội thất

- Hai dãy nhà hai bên sân trường là hai công trình chính của toàn khu.+ Mỗi dãy có chiều ngang rộng 13,5 mét, kéo dài 76,8 mét theo hướng Đông - Tây.

+ Hai đầu cuối của hai dãy này (từ phía Tây) tiếp giáp hai đầu nhà giải trí thể thao thành hình chữ U vuông góc nằm án ngữ 3 phía sân trường tạo nên một không gian khép kín, yên tĩnh biệt lập với khung cảnh sinh hoạt huyên náo bên ngoài.

+ Dãy phía bên trái cổng trường, cách tường rào bên hướng Nam 6 mét, bao gồm:

  • Một căn nhà trệt dài 20,8 mét, tường xây, bốn mái lợp ngói dính liền với một dãy lầu 2 tầng dài 50 mét. Ở phần trệt của dãy nhà có hai hành lang rộng 2 mét chạy dài hai bê. Mỗi bên hành lang có 20 cửa vòm rộng 3 mét, đỉnh vòm cao 3,85 mét được thiết kế theo mô típ Rô-măng cổ điển.
  • Cửa vòm hành lang không có cánh, có đắp hình tượng cách điệu tượng trưng một cây đuốc với ý nghĩa soi sáng trí tuệ, tạo cho kiến trúc nốt nhấn bớt vẻ đơn điệu.

- Tầng trệt của dãy lầu cao 4,2 mét được ngăn thành một dãy phòng học tương ứng với từng đôi cửa vòm hành lang hai bên.

+ Mỗi phòng học có một đôi cửa thông ra ngoài hành lang, mỗi cửa hai cánh và rộng 1,20 m, cao 2,10 m đủ cho ánh sáng thiên nhiên từ bên ngoài qua hành lang hoà vào khắp phòng.

+ Đường lên lầu thông qua hai cầu thang bằng gỗ chắc chắn đặt tại hai phòng đầu và hai tầng trệt.

- Tầng lầu có chu vi và chiều cao được tính đến trần lầu bằng với tầng trệt nhưng không có hành lang hai bên, ngăn cách với tầng trệt bởi một nền bê tông dày 40 cm, sàn lầu lát ván kín khít.

+ Kỹ thuật kiến trúc các công trình này có sự tính toán rất chu đáo. Vì vậy, trước đây có cả trăm học sinh nội trú trên tầng này, tiếng động ồn ào của nó vẫn không hề bị ảnh hưởng đến các phòng học bên dưới.

+ Tầng lầu trước đây được ngăn ra nhiều phòng nhỏ vách ván, nay các tấm vách ngăn mất đi làm cho cả tầng lầu trở nên rộng thênh thang tạo cảm giác trống trải, chỉ còn lại 4 căn phòng nhỏ của 4 vị trí giám thị ở 4 góc phòng.

  • Hai bên vách lầu là hai dãy cửa sổ có vị trí và số cửa tương ứng với số cửa vòm hành lang bên dưới, cửa sổ có hai cánh, làm rập khuôn như cửa vòm hành lang nhưng kích thước nhỏ hơn  với chiều cao 1,2 mét, rộng 1 mét, chân cửa sổ cách sàn lầu 0,8 m.
  • Trần lầu (plafon) hơi uốn cong lên, được lợp bằng loại giấy ép cứng (giấy carton), loại giấy này rất tốt, cho đến nay vẫn không bị bong dộp.

- Bốn mái lầu lợp ngói móc, hai mái hình thang cân chạy dọc theo chiều dài dãy lầu, hai mái ngang hình tam giác cân ở hai đầu, độ nghiêng mỗi mái chừng 450.

+ Đặc biệt ở chính giữa thanh đòn dông trên nóc mái người ta dựng cây thánh giá (crucifix) cao khoảng 0,8 mét. Đây chính là dấu hiệu đặc trưng của một trường học Công giáo.

+ Bộ vì kèo ở phần khung sườn mái được kết cấu bằng những thanh gỗ to chắc chắn và được bào trơn, không có trang trí gì đặc biệt, giống như ở các công trình kiến trúc dân dụng bình thường.

+ Cho đến nay, toàn bộ dãy nhà chưa có chỗ nào bị sụt lún, chứng tỏ cấu trúc của nền móng được xây dựng rất kiên cố.

- Song song và đối diện với dãy nhà vừa kể trên là một dãy khác, có cách bố trí và qui mô kích thước cũng như kiểu thức gần như đối xứng với dãy nhà kia ở hai bên sân trường.

+ Chỉ tồn tại vài điểm khác nhau giữa hai dãy nhà, đó là dãy này nằm cách tường rào Bắc là 10 m, trên khoảng cách đó xây một nhà bếp, tiếp theo là hai bể chứa nước to.

+ Căn nhà trệt đầu dãy trước đây là nhà ăn tập thể, có nóc bằng bê tông làm sân thượng, nhà này cũng nối liền với dãy lầu hai tầng.

+ Năm 1945 Nhật đảo chính Pháp đã dùng máy bay ném bom làm sập tầng lầu, sau đó tầng lầu được khôi phục lại nhưng được xây vách ngăn ra làm nhiều phòng, có đường hành lang nội bộ để đi vào các phòng, các cửa sổ thì được làm lại vuông vắn, sàn lầu không còn lát ván mà lát gạch bông.

- Xét về tổng thể, trường Taberd Sóc Trăng có cách bố trí và kết cấu tương tự như các trường học khác xây dựng thời Pháp thuộc ở miền Nam vào khoảng một, hai thập niên đầu thế kỉ XX.

+ Những đặc điểm chung gần như qui thức đã khiến khi nhìn vào, chúng ta dễ nhận ra ngay nguồn gốc của công trình kiến trúc này gần giống như các trường Taberd Sài Gòn, Taberd Mỹ Tho, Collège Cần Thơ… Cũng có nền móng cao, kiểu thức chân phương, tường gạch dày kiên cố, mái ngói đỏ, tường rào cao, kín đáo…

- Hiện tại, bên cạnh các công trình kiến trúc còn tồn tại, người ta sưu tầm được một số hiện vật như sau:

+ Bốn cái bát sứ tráng men (02 cái to, 02 cái nhỏ) do nhân dân Sóc Trăng quyên góp ủng hộ đoàn Côn Đảo.

+ Một cái chậu sành miệng loe (đường kính 40 cm, cao 30 cm) do nhân dân Sóc Trăng quyên góp, dùng để rửa vết thương cho các chiến sĩ Côn Đảo.

+ Một cái chảo sắt (đường kính 01 m) dùng nấu ăn cho đoàn.

Trường Taberd Sóc Trăng là địa điểm lưu niệm sự kiện lịch sử quan trọng, lần đầu tiên đoàn chiến sĩ cách mạng trung kiên của Đảng từ ngục tù dã man nhất của thực dân Pháp ngoài Côn Đảo xa khơi trở về đất liền đã lưu lại đây trong những ngày sau cách mạng tháng Tám thành công, từ 23/9/1945 đến 30/9/1945.

Trường Taberd Sóc Trăng là một địa chỉ văn hoá mang tính giáo dục cao đối với thế hệ trẻ về lòng biết ơn các thế hệ cha anh. Trường Taberd Sóc Trăng và mảnh đất Sóc Trăng không chỉ là mảnh đất kiên trung anh hùng mà còn sống son sắt thuỷ chung nghĩa tình với Đảng, với đồng chí và anh em.
 

Trường Taberd ngày xưa
Bia lưu niệm tại trường
Trường Taberd ngày nay
Chiếc chảo lá sen tại trường sử dụng khi đón tiếp các đồng chí từ Côn Đảo trở về
Khu trưng bày tưởng niệm

Ngọc Anh ( Tổng hợp)

Nguồn tài liệu tham khảo


www.vietnamtourism.com; www.soctrang.gov.vn;  www.dulichsoctrang.org;  http://ditichlichsuvanhoa.com;

 http://soctrang.edu.vn/

NỔI BẬT TRANG CHỦ