(Tổ Quốc) -Chiều 2/1, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã chủ trì buổi làm việc với Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Tại buổi làm việc, ông Lâm Văn Khang – quyền Trưởng Ban quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam đã báo cáo tình hình hoạt động của đơn vị trong năm 2017 về các nội dung: công tác tổ chức cán bộ và các tổ chức Đảng, Đoàn thể; Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng; Công tác vận hành, khai thác; Công tác xúc tiến đầu tư với hai mặt thuận lợi và khó khăn. Cùng với đó là những đề xuất, kiến nghị cho hoạt động của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong năm 2018.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy tại buổi làm việc |
Theo đó, hiện nay Khu các làng dân tộc có 11 dân tộc đang hoạt động thường xuyên bao gồm: Tày, Thái, Mường, Dao, Khơ Mú, H’Mông, Ê Đê, Cơ Tu, Tà Ôi, Raglai, Chăm.
Trong năm 2017, Ban Quản lý đã huy động, đón tiếp 57 lượt cộng đồng dân tộc với gần 1.000 đồng bào là nghệ nhân, già làng, trưởng bản, đồng bào các dân tộc từ 20 tỉnh/thành đại diện các vùng, miền, tổ chức 38 lễ hội.
Về lượng khách tham quan, du lịch đạt khoảng 415.000 lượt (kế hoạch là 300.000 lượt năm 2017), vượt kế hoạch gần 40%. Trong đó, lượng khách đi theo tour của các công ty lữ hành và khách đi theo đoàn ngày càng tăng.
Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động, Ban Quản lý đã chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng các công trình. Đến nay, tình trạng xuống cấp công trình đã được cải thiện… Trong điều kiện nguồn vốn được giao có hạn, Ban Quản lý đã cân đối sử dụng một phần nguồn thu từ bán vé tham quan để thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng theo đúng quy định của Nhà nước. Năm 2017 đã duy tu, bảo dưỡng 15 công trình, cụm công trình.
Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đang triển khai một số công việc, cụ thể đó là: Điều chỉnh Quy hoạch chung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Xây dựng Đề án chuyển đổi mô hình Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Hiện Ban Quản lý Làng đã xây dựng xong dự thảo Đề án chuyển đổi mô hình Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Dự kiến tháng 1/2018, Ban Quản lý Làng Văn hóa –Du lịch các dân tộc Việt Nam lấy ý kiến các đơn vị thuộc Bộ. Tháng 2/2018, Làng tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan, các chuyên gia, tiếp thu ý kiến hoàn thiện Dự thảo. Trước ngày 15/3/2018, gửi Dự thảo lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan... Sau đó, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện trình Bộ trưởng ký, trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 3/2018.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Theo kế hoạch, từ nay đến Tết Nguyên đán, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ có các hoạt động: Dựng cây Nêu ngày Tết, chương trình “Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết, chương trình “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”…
Bên cạnh kết quả đã đạt được như trên, hiện nay Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn về nhân sự, kinh phí hoạt động, vận hành, duy tu, bảo dưỡng và kinh phí tổ chức các hoạt động của đồng bào.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Ban Quản lý đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị với Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy về việc xem xét quyết định nhân sự; chỉ đạo việc xây dựng Đề án chuyển đổi mô hình và chủ trì Hội nghị lấy ý kiến các Bộ, ngành, chuyên gia... về Đề án chuyển đổi mô hình (trong tháng 02/2018).
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã ghi nhận những nỗ lực và kết quả của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam trong thời gian qua và chia sẻ những khó khăn vướng mắc còn tồn tại. Đặc biệt với Đề án chuyển đổi mô hình Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Thứ trưởng yêu cầu lãnh đạo Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cần đẩy mạnh để sớm hoàn thiện. Đây là việc quan trọng nhất và quyết định tới nhiều việc tiếp theo.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng đề nghị Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp cùng với đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, như Vụ Văn hóa dân tộc tổ chức một số hoạt động liên quan nhằm tiết kiệm kinh phí cũng như đạt hiệu quả hơn./.