• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sống đời của chợ để tìm hiểu về chợ trong văn hóa Việt Nam

20/09/2017 16:20

(Tổ Quốc) - Chợ là gì? Là từ rất đỗi quen thuộc trong đời sống thường nhật của mọi người dân Việt Nam. Là một tập hợp của đủ mọi thứ loại hạng trên đời. Là nơi hẹn hò, là nơi sinh ra những từ ngữ “đặc sản”, là thế giới trung tâm của đàn bà, là nơi vừa văn minh vừa hổ lốn… Đó là chợ của một người viết trẻ tập hợp trong Sống đời của chợ. 

Để có được cuốn sách Sống đời của chợ, tác giả Nguyễn Mạnh Tiến đã lang thang khắp các xóm làng miền Bắc, những chuyến thực địa vào đến tận xứ Thanh-Nghệ suốt năm năm liền.

"Sống đời của chợ"- Cuốn biên khảo giải mã chợ Việt Nam

Như bất kỳ một người Việt Nam nào, đều sống đời đi qua những chợ, đi bên cạnh chợ hay đi trong những chợ. Chợ là kinh nghiệm mà mỗi người đều sở đắc một hình dung sống động. Chợ phơi bày tất cả, lộ thiên trước mắt, chợ không giấu ta điều gì nên, vì thế, chắc gì ta đã hiểu hết cuộc đời, tâm hồn của chợ. Như Tagore, chàng thi sĩ râu tóc rối, dài thượt, có lần than thở: “Anh đã để cuộc đời anh trần trụi dưới mắt em/ Anh không giấu em một điều gì/ Chính vì thế mà em không biết gì tất cả về anh”. Trong nhận thức, có những điều quá quen thuộc, quá thường ngày, nên, dễ bị trượt đi. Chợ, có lẽ, là một trường hợp điển hình cho sự phụ bạc của nhận thức về cái quá đỗi quen thuộc. Chợ là một cái gì đó, hình như ai cũng biết, nhưng thực chất thì lại chẳng biết bao nhiêu.

Chợ có lẽ là một trường hợp điển hình cho sự phụ bạc của nhận thức về cái quá đỗi quen thuộc. Trong nhận thức, có những điều quá quen thuộc, quá thường ngày, nên dễ bị trượt đi. Chợ là một cái gì đó, hình như ai cũng biết, nhưng thực chất thì lại chẳng biết bao nhiêu. Đã không có những công trình thực sự cắt nghĩa bản chất của chợ trong đời sống văn hóa Việt và Việt Nam. Nhưng Chợ ngoài vai trò là nơi để người ta tìm sinh kế, nơi để hàng hóa lưu thông, chợ là nơi phát triển đạo mậu dịch để thỏa lòng người, chợ còn là nơi để “bêu đầu thị chúng” - thể hiện uy quyền chế độ phong kiến cầm quyền, chợ cũng là nơi giao lưu văn hóa của cả một vùng.

Cái thế giới tinh thần của chợ nó ồn ã ngay trước mắt mỗi người, nhưng lại ẩn chứa một bề dày văn hóa sâu rộng. Người ta muốn bước vào làng, trước tiên phải đi ngang chợ. Chợ là một tổ hợp kinh tế - văn hóa tháo dỡ các không gian khép kín của làng, vượt thoát sự chia cắt địa lý quy định tính cô lập trong cư trú của cư dân Việt Nam. Chợ góp vào kiến tạo một không gian mở. Chợ giống như con đường, dắt người ta bước vào thế giới quan của bản sắc văn hóa.

Mỗi một thân phận chợ cá biệt lại sẽ sống với một số phận riêng biệt mang tính bản địa. Đồng thời, nó vẫn hiển thị những dấu chỉ mang đặc điểm chung của một cái chợ phổ quát. Tóm lại, những cái chợ, khi soi mình trong lịch sử riêng, có phần bé mọn và ẩn danh, nó đang kể những câu chuyện nhỏ (tiểu tự sự) mang dấu ấn làng, hay một đôi làng. Nhưng chính ở đó, có thể, ta sẽ có cơ hội hiểu cái tổng thể từ những thân phận bé mọn.

Bìa sách

Sống đời của chợ là tựa sách biên khảo hiếm hoi kể chuyện về những con người ở chợ, về đời sống chợ về những chợ ở miền Bắc nước ta. Tác giả Nguyễn Mạnh Tiến đã khéo léo đưa người đọc đến với văn hóa chợ Việt Nam, phân tích kỹ càng sự hình thành cùng lịch sử từng chợ, giúp người đọc có cái nhìn mới mẻ và toàn diện về Chợ - một hình ảnh quá đỗi quen thuộc trong tâm thức mỗi người. 

Sống đời của chợ, một loại sách biên khảo mà những người quan tâm đến văn hóa, đến cội nguồn văn hóa người Việt chẳng thể nào bỏ qua được. Sách do Tao Đàn liên kết với NXB Hội Nhà văn phát hành tháng 9/2017, là cuốn sách đầu tiên của tủ sách Hiểu Việt Nam. Trong lần ra mắt sách lần này sẽ có 200 bản bìa cứng đánh số, có đóng triện và đặc biệt có chữ ký của tác giả Nguyễn Mạnh Tiến.

Nguyễn Mạnh Tiến sinh năm 1983, quê ở Thiệu Khánh- Thanh Hóa. Sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học Huế năm 2007, anh tiếp tục theo học và bảo vệ luận văn Thạc sĩ năm 2010, từ năm 2011 anh chuyển ra Hà Nội làm việc tại Phòng Văn học Dân gian, Viện Văn học- Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ngoài nghiên cứu ngữ văn người thiểu số, anh dành nhiều thời gian và tâm sức tiến hành các hoạt động dân tộc học, nghiên cứu các vấn đề lịch sử của tộc người thiểu số nói chung.

Tác giả trẻ được biết đến kể từ khi xuất bản cuốn biên khảo "Những đỉnh núi du ca- một lối tìm về cá tính H’mông" (NXB Thế giới, 2014), cuốn sách mà ngay sau khi ra mắt độc giả đã lập tức gây tiếng vang trong giới nghiên cứu Việt Nam và quốc tế. Anh cũng là tác giả của nhiều bài nghiên cứu văn học, văn hóa dân gian, từng có hơn 50 bài báo khoa học và công trình chung.

 V.Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ