(Tổ Quốc) - Hà Nội – mảnh đất Thủ đô nghìn văn hiến mang trong mình kí ức hào hùng lịch sử dựng nước và giữ nước của biết bao nhiều thế hệ cha ông ta, là nguồn cảm hứng vô cùng dồi dào vô tận cho các nhạc sĩ. Đặc biệt, trước và sau ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 đã để lại hàng trăm các tác phẩm âm nhạc, nhiều tác phẩm đã trở thành biểu tượng của Hà Nội.
- 09.10.2022 Hai bộ phim tài liệu đặc biệt về Hà Nội đến với khán giả nhân kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô
- 08.10.2022 Nhiều hoạt động đặc sắc nhân kỷ niệm 68 năm ngày giải phóng Thủ đô 10/10
- 09.10.2020 Sống lại ký ức hào hùng của Ngày Giải phóng Thủ đô qua chương trình nghệ thuật "Ký ức người lính"
Từ những ngày đầu khói lửa của cuộc chiến tranh cho đến khi đất nước thanh bình im lặng tiếng súng đã có hàng trăm ca khúc viết về Hà Nội như: Hà Nội niềm tin và hy vọng, Hà Nội những bản tình ca, hướng về Hà Nội, Sẽ về Thủ đô, Tiếng nói Hà Nội… Khắp nơi, các nhạc sĩ, nhạc công Hà Nội đã mang nhạc cụ ra biểu diễn, trong đó có các nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ, Nguyễn Đình Thanh, Nguyễn Trần Giư, Tu My.
Ca khúc dự báo ngày chiến thắng "Tiến về Hà Nội"
Năm 1949, nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tác ca khúc "Tiến về Hà Nội" đã miêu tả sinh động bằng âm nhạc cảnh tượng đoàn quân giải phóng tiến về Thủ đô ngày chiến thắng
Nghe những lời ca của bài hát Tiến về Hà Nội: "Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…/ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…" với khí thế hào hùng, sôi nổi, đầy phấn chấn, reo vui của lòng người và của âm nhạc như để viết riêng cho ngày giải phóng thủ đô 10-10-1954. Có điều đặc biệt, ca khúc này không phải ra đời tại thời điểm lịch sử quan trọng đó, mà được người nhạc sĩ tài hoa sáng tác trước đó 5 năm.
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Văn Cao từng chia sẻ về xuất xử của bài hát: Trong một buổi họp chi bộ ở Liên khu 3 với đồng chí Lê Quang Đạo, nhạc sĩ đã hứa sẽ viết một ca khúc về Hà Nội. Và đồng chí Lê Quang Đạo đã gửi gắm với ông rằng, nếu ông yêu Hà Nội nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình. Để thực hiện lời hứa của mình, trong vòng hai tuần sau đó, nhạc sĩ đã viết xong ca khúc “Tiến về Hà Nội”. Bài hát ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh khói lửa mùa xuân.
Ngày nay, bài hát vẫn thường vang lên trong những dịp kỷ niệm ngày mùng 10/10 như một "khúc ca khải hoàn" của người Hà Nội.
Ca khúc "Người Hà Nội" được ra đời khi Hà Nội cháy, khói lửa rợp trời
Con đường mang tên danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Thi chạy dài ven Hồ Tây lộng gió với hàng liễu rủ xanh mát. Mỗi lần qua đây, giai điệu bài hát "Người Hà Nội" lại vang lên linh thiêng, hùng tráng: "Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/ Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu…".
Năm 1947, bài hát được ra đời khi cuộc kháng chiến chống Pháp chỉ mới nổ ra được ít ngày, sau khi cả Hà Nội đã lên đường sơ tán theo "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến", nhằm ca ngợi Hà Nội và những dấu ấn lịch sử lên con người và thành phố trong thời gian diễn ra cuộc kháng chiến chống Pháp.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi từng kể lại trong Hồi ký của mình: "Bài Người Hà Nội tôi viết đầu năm 1947, dịp gần Tết. Khi đó Hà Nội đang chiến đấu rất quyết liệt. Do công tác, tôi tạt vào làng Khúc Thủy bên bờ sông Nhuệ, đối diện với làng Cự Đà. Bên kia sông là trạm quân y lớn nhất của ta tiếp nhận thương binh từ Hà Nội đưa về. Thời gian ấy, do phân công ở trên, tôi cùng anh Thép Mới, bạn học từ hồi còn ở Trường Bưởi, làm tờ báo Cứu quốc của mặt trận Hà Nội, sau này gọi là Cứu quốc Thủ đô. Tôi rời Hà Nội ra ngoại thành vào đúng đêm 19/12, tức đêm ngày toàn quốc kháng chiến nổ ra tại Hà Nội. Phía sau lưng tiếng súng bắt đầu nổ và một cảnh tượng rất hùng tráng hiện ra, sau này đã xuất hiện trong bài hát: "Hà Nội cháy, khói lửa rợp trời/ Hà Nội hồng ầm ầm rung. Sông Hồng reo…".
Nhạc sĩ đã khắc họa một bức tranh hùng tráng, đầy đủ từng địa danh, từng góc phố, con đường đẹp đến nao lòng, từ đó hiện lên hình ảnh người Hà Nội kiên cường, bất khuất với nét hào hoa không hề bị mất dấu trong lửa đạn. Ca khúc "Người Hà Nội" từ khi mới ra đời và trải qua 70 năm vẫn ngân vang trong lòng người.
Ca khúc ra đời trong chiến thắng "Hà Nội giải phóng"
Tháng 10/1954, nhạc sĩ Nguyễn Văn Qùy đã sáng tác ca khúc "Hà Nội giải phóng" trong những ngày thu lịch sử của Thủ đô, tháng 10-1954. Khi đó, nhạc sĩ là một giảng viên giảng dạy ở Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, đồng thời cũng là Ủy viên thường trực Thành đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội. Nhiệm vụ của ông lúc ấy là tổ chức các hoạt động tuyên truyền, đấu tranh cách mạng của thanh niên nội thành.
Từ sau ngày giải phóng Điện Biên, ông cùng với các đồng chí đã biết ngày giải phòng Thủ đô ngày càng đến gần hơn. Công tác đón đoàn quân chiến thắng trở về được các thành niên, học sinh Thủ đô chuẩn bị hết sức sôi nổi. Với tài năng âm nhạc của mình, nhạc sĩ Nguyễn Văn Qùy được các lãnh đạo thành đoàn lúc ấy đề nghị sáng tác một ca khúc để chuẩn bị mừng ngày giải phòng.
Thực hiện yêu cầu đó và cũng để thỏa mong muốn sáng tác một bài hát thật ý nghĩa về Ngày giải phóng Thủ đô, nhạc sĩ đã nhanh chóng viết xong ca khúc "Hà Nội giải phóng".
Bài hát sau đó nhanh chóng được phổ biến trong các nhóm thanh niên Cứu quốc Thủ đô rồi được nhân rộng. Sau một thời gian, nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ đã tổ chức được một ban đồng ca khoảng 200 người. Đúng ngày quân ta trở về tiếp quản Thủ đô, 10/10/1954, mang theo cờ đỏ sao vàng, dàn đồng ca của Thành đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội đã tập trung ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, gần Hồ Gươm hát vang những bài ca cách mạng.
Có thể khẳng định, năm tháng qua đi, xã hội ngày càng phát triển du nhập thêm nhiều dòng nhạc hiện đại phù hợp với giới trẻ. Nhưng những bản nhạc bất hủ mang đậm dấu ấn của lịch sử, của Hà Nội vẫn sống mãi với thời gian và con người Việt Nam.