(Cinet) - Đến với trưng bày chuyên đề “Chân trần chí thép” đang diễn ra tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, người dân trên mảnh đất hình chữ S được sống lại những phút giây hào hùng của lịch sử dân tộc.
(Cinet) - Đến với trưng bày chuyên đề “Chân trần chí thép” đang diễn ra tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, người dân trên mảnh đất hình chữ S được sống lại những phút giây hào hùng của lịch sử dân tộc.
Đến với trưng bày “Chân trần chí thép”, người dân trên mảnh đất hình chữ S |
Trưng bày do Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức nhân kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2018); 64 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2018) và 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2018).
“Chân trần chí thép” là câu chuyện về ý chí, lòng quả cảm của những người con ưu tú quyết tâm đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, với đôi ‘chân trần,’ họ đã đối mặt với kẻ thù bằng “chí thép”, vượt qua mọi gian nan, đạp bằng mọi thử thách, góp phần viết nên lịch sử vẻ vang: từ điểm hẹn Điện Biên Phủ năm 1954 đến khúc khải hoàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975”.
250 hình ảnh, tài liệu và hiện vật trưng bày trong chuyên đề tập trung vào bốn nội dung chính, gồm: Theo dấu chân Người; Từ trong tù ngục; Chân trần chí thép và Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam.
"Theo dấu chân Người" là nội dung mở đầu của trưng bày. Dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với những chiến thắng vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Người đã hiến dâng trọn đời mình vì nước, vì dân. Người đau nỗi đau của dân, buồn nỗi buồn của dân; chịu khổ trước dân, vui hưởng sau dân; dựa vào dân, lấy dân làm gốc.
Tư tưởng, đạo đức, nhân cách của Người được thể hiện bằng hành động và lời nói giản dị hàng ngày: trong từng bữa ăn với cán bộ, chiến sỹ; những chuyến công tác băng rừng, vượt suối; trong mỗi chặng đường chiến đấu, mỗi bước xây dựng, trưởng thành của lực lượng vũ trang Việt Nam đều có sự chỉ đạo, động viên, chăm sóc ân cần, trìu mến của Người. Tất cả, được tái hiện ở từng bức ảnh, từng câu trích.
Trong nội dung thứ hai “Từ trong tù ngục”, “chất thép” của những chiến sỹ cách mạng kiên cường bừng sáng. “Nơi hầm tối là nơi sáng nhất”, họ đã biến nhà tù thực dân, đế quốc thành trường học cách mạng, nơi rèn luyện, đào tạo ra lớp lớp cán bộ lãnh đạo xuất sắc cho cách mạng Việt Nam. Nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo, Khám Lớn, Lao Thừa Phủ… chính là những “trường học đặc biệt”, giúp họ trưởng thành và trở thành những nhà cách mạng kiên trung, có tầm nhìn chiến lược, biết nắm vững, vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, một lòng đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, học hỏi có chọn lọc từ đồng đội, đồng chí của mình để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân và trở thành những vị tướng “Nhân - Trí - Dũng”.
“Chân trần chí thép” là nội dung thứ ba, giới thiệu những “Vị tướng trong lòng dân” như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng, Chu Huy Mân, Hoàng Văn Thái… họ là những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là những người văn, võ song toàn; những nhà tham mưu chiến lược, cầm quân tài tình, chỉ huy nghiêm khắc; nhưng vẫn hết mực thương yêu chiến sỹ, gần gũi nhân dân. Họ là những người tiên phong, sẵn sàng xả thân trên chiến trường và lan tỏa chí thép đến toàn quân.
Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, vĩ đại của dân tộc, những người con ưu tú với “chân trần” đã bước vào cuộc chiến với kẻ thù bằng “chí thép”. “Chí thép” ấy đã kết tinh và bùng cháy thành sức mạnh phi thường, giúp họ vượt qua mọi gian nan, đạp bằng mọi thử thách, để cuối cùng, giành lại độc lập, hạnh phúc cho nhân dân. Nhắc đến họ là nhắc tới những chiến công vang dội mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (30/4/1975).
Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam là nội dung cuối của trưng bày, thể hiện ý chí sắt đá của nhân dân Việt Nam: kiên cường chiến đấu để lập nên những chiến thắng vĩ đại, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Những chiến công ấy được tạc vào lịch sử và những giây phút xúc động sẽ không phai mờ trong tâm trí của người dân đất Việt: Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta/Chúng con đến, xanh ngời ánh thép (Toàn thắng về ta, Tố Hữu, năm 1975).
Rất đông khách quốc tế đã tới tham quan, tìm hiểu trưng bày chuyên đề “Chân trần chí thép”.
Nội dung này còn tổng hợp một số nhận định được nghiên cứu từ nhiều nguồn tư liệu chính thống của các tướng lĩnh trên hai chiến tuyến, như: Tướng De Castries, Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân đội viễn chinh Pháp: “Người ta có thể đánh bại được một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc. Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp”; Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert S. McNamara: “Những người cộng sự của tôi trong chính quyền John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson là một nhóm người đặc biệt… Tại sao nhóm người giỏi nhất và thông minh nhất ấy lại mắc sai lầm về Việt Nam? Chúng tôi mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao lại mắc sai lầm như vậy?”…
Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là niềm tự hào, điểm tựa tinh thần để các cán bộ, chiến sỹ, hun đúc thêm ý chí, quyết tâm phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.
Đến với trưng bày “Chân trần trí thép”, công chúng như được sống lại những phút giây hào hùng của lịch sử dân tộc. Với những câu chuyện đầy cảm xúc về ý chí sắt đá, lòng quả cảm của những người con ưu tú, mỗi người sẽ càng thêm thấu hiểu sự gian khổ, khốc liệt của chiến tranh; bồi đắp hơn nữa niềm tự hào dân tộc, tôi luyện cho mình thêm ý chí, hoài bão để cùng nhau góp sức đưa dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trưng bày “Chân trần Chí thép” sẽ mở cửa đón khách tới tham quan, tìm hiểu từ nay cho tới hết ngày 15/6 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (số 1 Hỏa Lò, P. Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)./.