• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Sốt” đất ảo và trách nhiệm của cơ quan quản lý

Kinh tế 15/04/2021 14:33

(Tổ Quốc) - Hiện ở nhiều nơi, người dân bỏ sản xuất, kinh doanh để lao vào đầu tư đất, làm náo loạn thị trường bất động sản. Nếu không chữa trị dứt điểm, sự hỗn loạn của những cơn “sốt” đất ảo sẽ gây ra nhiều hệ lụy khôn lường.

Bỏ sản xuất, kinh doanh để đi buôn đất

Có thời điểm, nhiều nơi trên cả nước tràn ngập thông tin về những chiêu trò lừa đảo tinh vi "núp bóng" kinh doanh đa cấp. Khi đó, làn sóng bán hàng đa cấp như vòi bạch tuộc, len lỏi vào từng ngõ ngách ở nhiều khu vực nông thôn làm khuấy đảo cuộc sống vốn đang rất bình yên của người dân nơi đây. Vì ham giàu, nhiều người dân đã bỏ tiền ra làm đa cấp để rồi sau đó sập bẫy lừa đảo đến nỗi khuynh gia bại sản.

Nhưng "cơn lốc" đa cấp vẫn còn chưa thấm gì so với những cơn "sốt" đất ảo.

“Sốt” đất ảo và trách nhiệm của cơ quan quản lý  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Hà Giang

Những ngày này, giá bất động sản ở nhiều tỉnh thành đang tăng "chóng mặt", tạo nên những cơn "sốt" đất, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Các tỉnh, thành như: Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bắc Ninh… giá đất vùng ven tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần chỉ trong vài tháng. Nhiều nơi, người dân bỏ sản xuất, kinh doanh để vác tiền đi buôn đất.

Những cơn "sốt" đất không chỉ xảy ra ở các khu vực có quy hoạch mà còn xảy ra ở những vị trí không thuộc quy hoạch như: đất rừng, đất ruộng, vườn... "Cò đất" xuất hiện khắp nơi tại những khu vực này tạo sự sôi động giả, đẩy giá lên từng giờ nhằm lôi kéo các nhà đầu tư vào cuộc. Ví như ở ngoài thành Hà Nội, có những khu vực tăng giá từ 5tr/m2 lên 7tr/m2 chỉ trong một ngày….

Nhìn chung trên toàn quốc, giá đất trung bình tăng 10% -15% sau 1 tháng. Trước lợi nhuận hấp dẫn như vậy, nhiều người đã bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất, rút tiền trong ngân hàng ra để đầu tư đất.

Khắp nơi, ở đâu người ta cũng bàn chuyện về giá đất. Câu chuyện này xuất hiện trong cả bữa ăn, giấc ngủ của người dân khiến cuộc sống bị đảo lộn, công việc ngưng trệ.

Kê toa chữa bệnh tận gốc

Theo nhiều ý kiến, lãi suất tín dụng thấp cộng với tiền nhàn rỗi ở người dân khiến nguồn vốn lớn đổ vào bất động sản, tạo nên cơn "sốt" ảo ở các vùng ven đô.

Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện "sốt" đất. Vậy câu hỏi đặt ra là trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng ở đâu, đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền địa phương?

Chính quyền địa phương – nơi xảy ra tình trạng "sốt" đất không thể làm ngơ trước tình hình này này bởi nó sẽ cản trở lớn đến việc kêu gọi, thu hút đầu tư chính thống. Trên thực tế, tăng giá đất sẽ kéo theo hàng loạt các chi phí khác tăng theo, đặc biệt là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng… Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế tại những địa phương có tình trạng "sốt" đất. Hệ quả của việc tăng giá đất cũng sẽ làm giảm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực khác của quốc gia.

Do đó, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ những hậu quả nghiêm trọng của việc "sốt" đất thì chắc chắn sẽ hạn chế rất nhiều trong việc đầu cơ.

Nhận định về vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tình trạng "sốt" đất xảy ra ở khắp các nơi thời gian qua một phần là do tác động của Luật Đất đai 2013 khi mở rộng quy định về phân lô bán nền.

Theo ông, các quốc gia trên thế giới họ dùng hình thức phân lô bán nền chỉ để giải quyết nhà ở đô thị chứ không sử dụng trong thương mại bởi về nguyên tắc, thị trường bất động sản phải khai thác giá trị đầu tư trên đất chứ không phải chờ tăng giá đất kiếm lợi nhuận như một hình thức "ăn sổi".

GS Đặng Hùng Võ chỉ ra, từ năm 2016 - 2020, Chính phủ đã chỉ thị 4 lần về sửa đổi Luật Đất đai, tuy nhiên, tới nay Luật Đất đai vẫn chưa được sửa. Trong đó, đất đai bị ách tắc với những quy định cũ. Ví như đất nông nghiệp hiện nay vẫn chưa thực hiện tích tụ, tập trung có hiệu quả. Cùng với đó là việc chuyển nhượng đất đai tại nông thôn gần như không theo thủ tục mà chủ yếu là viết tay. Rồi vấn đề phát triển nhà ở hiện nay cũng có nhiều ách tắc… Đặc biệt là vấn đề người nước ngoài mua đất chui lủi tại Việt Nam….Chính những bất cập này đã tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản, làm méo mó và lũng đoạn thị trường, tạo cơ hội cho những kẻ cơ hội tranh thủ kiếm tiền.

Chính vì vậy, GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh, việc sửa Luật Đất đai là vô cùng cần thiết.

Cùng với đó, theo nhìn nhận của giới chuyên gia, trong bối cảnh lãi suất cho vay đang đổ mạnh vào bất động sản, Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay nhằm ngăn chặn tình trạng vay để sản xuất xuất kinh doanh nhưng thực tế là đổ vào bất động sản.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ