(Tổ Quốc) -Trong phiên chất vấn chiều 4/6 tại Quốc hội, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề với Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường trước việc thị trường đất đai ở 3 “đặc khu kinh tế” đang diễn biến phức tạp, gây bức xúc lớn cho xã hội.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đúng là tầm nhìn của chúng ta, khi đầu tư có những kỳ vọng tương lai phát triển, đặc biệt là khi có đầu tư hạ tầng thì đương nhiên dư luận đổ xô vào đấy làm thị trường đất đai và các thị trường khác thay đổi.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh Quochoi.vn |
“Đấy là quy luật và chúng ta cũng biết quy luật đấy, nhưng trên thực tế chúng ta đã chưa làm được việc là làm sao để phòng ngừa và đưa ra các quyết định thật chuẩn, thay bằng các chỉ thị hành chính”.
“Nếu muốn làm khả thi thì phải quy định rõ các biện pháp, yêu cầu, có cơ chế, quy chế đặc biệt. Rộng hơn, chúng ta cần tính toán, dự báo trước được những việc đại biểu nêu”, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường giãi bày.
Theo Bộ trưởng, thực tế vấn đề sốt đất là đương nhiên, nhưng vấn đề chủ yếu, nghiêm trọng, đó là chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp trái phép. Hoạt động này giao dịch ngầm và không đúng pháp luật.
Trong khi đó, thời gian qua dù chưa chính thức lên đặc khu kinh tế, nhưng giá đất tại 3 điểm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) đã tăng chóng mặt. Nhiều nhà đầu tư đổ tiền đống vào nơi được kỳ vọng là “cú đấm thép kinh tế” để sẵn chờ ngày "hưởng đất" dẫn tới sự bất ổn trong thị trường bất động sản ở các đặc khu kinh tế.
Phú Quốc, 1 trong 3 "đặc khu tương lai" đang quay cuồng đối phó với cơn sốt đất. Ảnh Internet |
Chỉ cần lên goolge và gõ từ khóa “sốt đất đặc khu kinh tế”, con số tìm kiếm đã lên tới hơn 2 triệu kết quả. Chưa bao giờ, vấn đề này lại trở nên nóng và nhận được sự quan tâm của dư luận nhiều đến vậy dù rằng, cách đây gần 2 năm thông tin về giá đất ở các điểm dự định lên đặc khu là Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) đã bắt đầu rục rịch leo thang.Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn trở lại đây, giá đất ở 3 đặc khu tương lại này đang tăng từng ngày, thậm chí… từng giờ.
Rất nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục đổ tiền vào các đặc khu kinh tế bất chấp những khuyến cáo từ cơ quan chính quyền về việc cần “tỉnh táo” trong đầu tư khi quy hoạch đặc khu kinh tế vẫn chưa được phê duyệt chính thức.
Mới đây nhất, bất chấp cả lệnh tạm dừng giao dịch của chính quyền, trên một website rao bán quảng cáo về bất động sản, một môi giới bất động sản tại Vân Đồn còn “ngang nhiên” rao bán cả hòn đảo rộng 8ha tại Quan Lạn với giá 550 triệu đồng/ha. Chuyện tưởng như đùa nhưng thực tế lại đang diễn ra tại 3 đặc khu trong “tương lai” này.
Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng: Khi giá đất bị đẩy lên quá cao thì đặc khu kinh tế tương lai sẽ trở nên kém sức hút. Với những nhà đầu tư thực sự, thời điểm họ nhảy vào đổ tiền thì cũng lúc giá đất tăng vượt giá trị thực. Giá đất quá cao thì họ phải bỏ tiền ra mua từ các chủ sở hữu tư nhân. Lợi nhuận bị giảm, tính hấp dẫn không còn thì lúc đó những nhà đầu tư lớn không còn mặn mà với đất đặc khu nữa.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cảnh báo tình trạng cán bộ làm thêm “nghề” cò đất tại các đặc khu tương lai, nếu quản lý không cẩn thận sẽ mất cán bộ.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cảnh báo các địa phương về việc cán bộ làm "cò đất". Ảnh: Quochoi.vn |
“Chúng ta quản lý như thế nào khi mới nghe có luật này thì người ta thổi giá đất lên, có cò đất và có người đi làm cò đất. Cán bộ đi làm thêm cò đất thế thì chết! Tôi đề nghị các đồng chí cẩn thận, nếu luật không được thông qua thì sao, cò đất đã làm rồi, phát sinh vấn đề này, vấn đề kia thành ra chính các đồng chí ở tỉnh phải chịu trách nhiệm. Không cẩn thận là mất cán bộ đấy!”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Vi Phong (T/h)