(Tổ Quốc) - Sốt xuất huyết có triệu chứng điển hình là sốt cao, đau đầu. Nguy hiểm nhất của sốt xuất huyết là giảm tiểu cầu gây ra chảy máu trong nội tạng.
Số ca sốt xuất huyết tại Hà Nội gia tăng
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, trong tuần qua (tính từ ngày 14/5 đến 20/5) số ca mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng so với những tuần trước đó.
Cụ thể, vào đầu tháng 5/2022, trên địa bàn thành phố trung bình ghi nhận từ 2 đến 5 ca sốt xuất huyết mỗi tuần. Nhưng đến cuối tháng, số ca mắc đã tăng lên từ 8 đến 15 ca/tuần.
Riêng tuần từ ngày 14/5 đến 20/5, Hà Nội ghi nhận 15 ca mắc sốt xuất huyết tại 10 quận, huyện (Ba Đình, Ba Vì, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Mê Linh, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Phúc Thọ), tăng 7 ca so với tuần trước đó. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 47 ca mắc sốt xuất huyết, giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết phải nhập viện cũng bắt đầu tăng. Bệnh nhân N.V.H (26 tuổi, tại Hà Nội) cho biết mình bị sốt cao đột ngột. Tuy nhiên, bệnh nhân nghĩ mình mắc Covid-19. Vì đã tiêm 3 mũi vắc xin Covid-19, bệnh nhân nghĩ mình chỉ mắc Covid-19 nhẹ và nhanh khỏi. Tuy nhiên, tới ngày thứ 3, anh H vẫn sốt cao 40 độ C kèm theo triệu chứng đau đầu, mệt mỏi nhiều. Anh H đã tới bệnh viện Thanh Nhàn khám, kết quả anh mắc sốt xuất huyết, tiểu cầu giảm sâu.
Đối với bệnh nhân này, nếu đến muộn có nguy cơ xuất huyết nội tạng, đặc biệt xuất huyết não sẽ để lại di chứng nặng nề cho bệnh nhân. Rất may bệnh nhân nhập viện kịp thời, được theo dõi để tránh những biến cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn, ảnh Ngọc Minh.
Bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng Khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn, cho hay Bệnh viện Thanh Nhàn đã ghi nhận một số bệnh nhân sốt xuất huyết tới nhập viện. Tuy số lượng bệnh nhân chưa cao đột biến nhưng đa phần các bệnh nhân đều vào viện trong tình trạng nặng.
Nguyên nhân bệnh nhân tới viện khi đã chuyển nặng là do:
- Thứ nhất, bệnh nhân nghĩ mắc Covid-19 và tiêm 3 mũi vắc xin nên chủ quan. Khi sốt cao tới ngày thứ 3, bệnh nhân mới vào viện và tiểu cầu đã giảm sâu.
- Thứ 2, nhiều bệnh nhân tâm lý e ngại tới viện nên tự điều trị tại nhà.
Theo bác sĩ Hường, một trong những biến chứng đáng lo ngại nhất là giảm tiểu cầu, gây ra tình trạng rối loạn đông máu, chảy máu ở nhiều nơi gây ra xuất huyết não, đường tiêu hoá.
Phân biệt sốt do sốt xuất huyết và Covid-19
Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn đang lưu hành khiến cho rất nhiều người nhầm lẫn giữa Covid-19 và sốt xuất huyết. Bác sĩ Hường khuyến cáo sốt cao là một phản ứng bất thường của cơ thể, khi có dấu hiệu này, bệnh nhân nên tới các cơ sở y tế thăm khám để tìm nguyên nhân.
Bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng Khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn, ảnh Ngọc Minh.
Để phân biệt giữa sốt xuất huyết và Covid-19, bác sĩ lưu ý:
- Với sốt xuất huyết, bệnh nhân sẽ sốt rất cao, 39-40 độ C. Bệnh nhân sẽ có thêm triệu chứng đau đầu, đau mỏi người.
- Với Covid-19, nếu người bệnh đã tiêm vắc xin thì sốt sẽ không cao, ở mức 37-38, 5 độ C.
Bác sĩ Hương cho biết thêm, theo chu kỳ dịch bệnh thì cứ sau 5 năm sẽ có một đỉnh dịch sốt xuất huyết. Lần dịch xảy ra lớn và gần đây nhất vào năm 2017. Năm 2022, theo dự báo có thể sẽ xuất hiện đỉnh dịch.
"Tuy nhiên, năm nay thời tiết miền Bắc có sự thay đổi. Hiện miền Nam số người mắc tăng khá cao, đã có những ca mắc nặng. Nhưng tại miền Bắc tới tháng 5 nhưng thời tiết vẫn đang còn lạnh, do vậy bệnh sốt xuất huyết sẽ đến chậm hơn các năm. Khả năng dịch tại miền Bắc sẽ rơi vào khoảng tháng 7-8", bác sĩ Hương nói.
Theo bác sĩ Hương, bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên, không cho muỗi đẻ trứng, ví dụ như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
- Dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... Bình xịt côn trùng trong nhà, hương muỗi hoặc kem xua muỗi có thể làm giảm hoạt động chích đốt của muỗi.
- Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi, điều hòa nhiệt độ đều có thể làm giảm nguy cơ muỗi bay vào nhà và đốt mọi người trong gia đình.
- Người bị sốt xuất huyết cần được nằm trong màn, tránh muỗi đốt khiến bệnh lây lan bệnh cho người khác.
- Với đối tượng trẻ em, không cho trẻ chơi ở những nơi ẩm thấp và những nơi tối, cây cối rậm rạp. Cần mắc màn khi ngủ, mặc quần áo dài tay cho trẻ để phòng bệnh.