• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sốt xuất huyết như thế nào sẽ tử vong?

Thời sự 22/08/2017 08:54

(Tổ Quốc) - Trước diễn biến phức tạp của sốt xuất huyết như hiện nay, người dân đặc biệt là các phụ huynh cần hiểu rõ về những biến chứng và sự nguy hiểm từng giai đoạn của dịch bệnh này nhất là với trẻ em.

Bác sỹ Chuyên khoa II Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Biến chứng của sốt xuất huyết rất khó biết trước. Hầu hết những người mắc sốt xuất huyết những ngày đầu đều như nhau. Biến chứng thường xuất hiện từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7, nên việc theo dõi rất quan trọng.

Bác sỹ Chuyên khoa II Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam

Có những dấu hiệu báo trước có thể xảy ra nặng như rối loạn tri giác, ly bì, kích thích vật vã, đau bụng, đau vùng gan, xuất huyết bất thường, có thể thấy ứ dịch, siêu âm có thoát dịch màng bụng, màng phổi, xét nghiệm máu có hạ tiểu cầu,... nhiều trường hợp bệnh nhân rất to khỏe nhưng vẫn có biến chứng.

Với những trường hợp này cần cấp cứu xử trí trong vòng 24-48 giờ, phải duy trì được thể tích tuần hoàn tốt, đảm bảo tưới máu cho tổ chức tốt. Nếu phát hiện sớm, xử lý tốt hơn, nếu để bệnh nhân đến muộn, có sốc , không mạch hay huyết áp dễ dẫn đến tử vong.

Trường hợp nữa cũng dễ tử vong là xuất huyết nội tạng, đó là do rối loạn quá trình đông máu nhất là đông máu trong lòng mạch, gây chảy máu. Thường do liên quan đến sốc mà không giải quyết được. Sốt xuất huyết nặng nề là do ứ dịch ở màng phổi, màng bụng, mô... làm bệnh nhân giảm máu tưới nuôi các cơ quan nội tạng, dễ dẫn tới suy đa tạng.

Các đối tượng cần lưu ý như người cao tuổi, trẻ nhỏ, trẻ em béo phì, phụ nữ có thai, dễ dẫn đến sảy thai, nếu sinh trong giai đoạn đang bị sốt xuất huyết dễ dẫn tới chảy máu, những người có bệnh mạn tính như gan, thận, những người dùng thuốc chống đông ở bệnh nhân đặt stent.

Theo TTND.GS.TS. Phạm Nhật An, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương chia sẻ, sốt xuất huyết ở Việt Nam chủ yếu là sốt xuất huyết Dengue, triệu chứng gây bệnh hoàn toàn giống nhau ở cả người lớn và trẻ em nhưng đặc điểm khác nhau.

TTND.GS.TS. Phạm Nhật An, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương.

Thứ nhất, ở trẻ em thường có nhiều trường hợp diễn biến nặng hơn do trẻ có sức đề kháng kém hơn ở người lớn, đáp ứng miễn dịch của trẻ kém hơn (hiện tượng nhiễm lần đầu), có kèm theo các bệnh khác hay không.

Thứ hai, trẻ là đối tượng dễ bị lây nhiễm hơn vì trẻ không thể tự bảo vệ được mình trong khi muỗi sốt xuất huyết có thể đốt cả ban ngày lẫn ban đêm, thường là khi nhập nhoạng tối. Nhiều trường hợp bệnh nhi diễn biến nặng và nhanh.

SXH thường chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn sốt thường 1-3 ngày; giai đoạn nguy hiểm trong khoảng 3-7 ngày; sau 7 ngày là giai đoạn hồi phục. Nhưng tôi đã gặp nhiều trường hợp trẻ em ngay trong giai đoạn sốt đã có diễn biến nặng, ngược lại trong giai đoạn hồi phục vẫn có những diễn biến nặng. Thực chất các triệu chứng chung không khác nhau nhiều nhưng diễn biến và việc có thể mắc và các biến chứng thì ở trẻ em cần phải chú ý hơn.

Thế Công

 

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ